Ông Thắng mới nhậm chức chiều ngày 29/4, ngay sau đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, Mã: CTG), thay cho ông Phạm Huy Hùng nghỉ hưu theo chế độ.
Tuy mới tham gia và Ban lãnh đạo Vietinbank được 3 năm, nhưng thực tế ông Thắng đã có 17 năm gắn bó với Vietinbank, từ năm 1996.
Gia đình thuần nông và quyết tâm vượt khó
Ông Nguyễn Văn Thắng sinh năm 1973 tại Hà Nội, trong một gia đình nhà nông có 8 anh chị em.
Cha ông đã mất. Mẹ ông, bà Vũ Thị Đính, vào thời điểm năm 2011, tức khi bà đã 83 tuổi, vẫn còn làm nông.
|
Tân Chủ tịch Vietinbank Nguyễn Văn Thắng. |
Trong số các anh chị ruột của ông thì có 3 người làm nghề tự do, 4 người làm công nhân, trong đó 2 người đã nghỉ do mất sức. Bản thân ông đã ly hôn và có hai con nhỏ.
Ông Thắng có một chí tiến thủ đáng kinh ngạc.
Vào thời điểm năm 1995, ông tốt nghiệp hệ cao đẳng Ngân hàng tại Học viện Ngân hàng. Sau khi tốt nghiệp hơn một năm, ông bắt đầu gắn bó với Vietinbank ở vị trí cán bộ kinh doanh đối ngoại tại Chi nhánh Ba Đình.
Về học vấn, không chỉ học lấy bằng cử nhân Đại học Kế toán - Tài chính, ông còn học thêm tiếng Anh hệ tại chức, rồi học lên thạc sĩ, tiến sĩ. Hiện ông Thắng đã sở hữu tấm bằng tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế tại Học viện Tài chính. Ông là lãnh đạo hiếm hoi khi chỉ công tác tại một đơn vị trong suốt sự nghiệp của mình.
Về con đường sự nghiệp, khoảng cách giữa các lần thăng chức của ông ngày càng rút ngắn.
Sau khi gia nhập gia đình Vietinbank vào tháng 12/1996, sau bốn năm làm việc, ông thăng chức lên vị trí Thư ký Tổng Giám đốc Vietinbank. Một tháng sau, ông kiêm thêm chức Phó Chánh Văn phòng. Chưa đầy 3 năm sau, ông giữ chức Phó Trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp lớn và hơn hai năm sau được thăng chức Trưởng phòng. Một năm rưỡi sau ông lên chức Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Hà Nội.
Đến năm 2011, sự nghiệp của ông rẽ sang bước ngoặt mới khi ông được đảm nhận chức vụ Ủy viên Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc Vietinbank. Và tới ngày 29/4/2014, ông chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT Vietinbank.
Với nhiều thành tích đạt được, năm 2008, ông nhận được bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Hai năm sau, ông nhận được bằng chứng nhận là doanh nhân trẻ tiêu biểu khối doanh nghiệp trung ương. Ngoài ra, ông còn được nhận học bổng trị giá 50 triệu đồng và tham dự Hội nghị thường niên châu Á về dịch vụ Ngân hàng tài chính cho Học viên xuất sắc nhất chương trình đào tạo chức danh “Giám đốc chi nhánh”.
Nắm cổ phiếu Vietinbank gấp hơn 11 lần gia đình Phạm Huy Hùng
Số cổ phiếu Vietinbank tân Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Thắng nắm trong tay tuy không nhiều, nhưng cũng gấp hơn 11 lần số cổ phiếu của cả gia đình nguyên Chủ tịch Phạm Huy Hùng nắm giữ và bằng gần 5 lần tổng số cổ phiếu của các thành viên HĐQT còn lại.
Tính đến cuối năm 2013, cá nhân ông Thắng nắm giữ 216.108 cổ phiếu CTG của Vietinbank, tương đương 3,4 tỷ đồng, con số này chưa tính hơn 720.000.000 cổ phiếu ông đại diện cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) trong thời kỳ giữ chức Ủy viên HĐQT.
|
Tân Chủ tịch Vietinbank Nguyễn Văn Thắng. |
Trong khi đó, ông Phạm Huy Hùng – nguyên Chủ tịch HĐQT – chỉ nắm giữ 7.167 cổ phiếu, tức khoảng 0,1 tỷ đồng. Vợ ông, bà Phạm Thị Hòa Minh nắm giữ khoảng 0,2 tỷ đồng cổ phiếu CTG. Con trai Phạm Huy Thông – hiện là Phó Tổng Giám đốc kiêm Ủy viên HĐQT Vietinbank cũng chỉ nắm 285 cổ phiếu, số lượng quá ít ỏi để có thể quy ra tiền tỷ. Như vậy, tổng số lượng cổ phiếu gia đình ông Phạm Huy Hùng nắm giữ bằng chưa được 1/11 số cổ phiếu của tân Chủ tịch.
Nếu so trong nội bộ ban quản trị, số lượng cổ phiếu của ông Thắng cũng gấp gần 5 lần tổng số cổ phiếu của các thành viên HĐQT còn lại. Trong khi ông Phạm Huy Thông nắm giữ số lượng cổ phiếu quá ít ỏi, các thành viên Cát Quang Dương và hai thành viên nước ngoài không nắm giữ cổ phiếu CTG với tư cách cá nhân, bà Nguyễn Hồng Vân chỉ nắm 4.050 cổ phiếu, tương đương 0,1 tỷ, ông Lê Đức Thọ nắm 37.527 cổ phiếu, tương đương 0,6 tỷ.
Tính đến cuối năm 2013, tổng số cổ phiếu HĐQT Vietinbank nắm giữ là 245.408 cổ phiếu, theo số liệu thống kê, số lượng cổ phiếu ông Thắng nắm giữ lên tới 88%
Về đóng góp của ông Thắng với Vietinbank, có thể nói rằng, Vietinbank được thành công như ngày hôm nay, ngoài những cống hiến của ông Phạm Huy Hùng, cũng có phần không nhỏ của ông Nguyễn Văn Thắng.
Tuy nhiên, ở cương vị mới này, thách thức không hề nhỏ và nhãn tiền với vị tân Chủ tịch có lẽ là phiên xử phúc thẩm vụ án siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như sắp tới. Trong khi kết thúc phiên sơ thẩm, Vietinbank được tuyên không phải chịu bất cứ trách nhiệm bồi thường tài chính nào thì nhiều đơn vị đã kháng án và quyết tâm đòi số tiền 3.900 tỷ.
Tính đến cuối 2013, Vietinbank đạt hơn 576.300 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 14,5% so với 2012; dư nợ tín dụng tăng 13,4% đạt hơn 460.000 tỷ; huy động vốn đạt hơn 511.000 tỷ, tăng 11,2% so với 2012.
Cũng trong năm 2013, Vietinbank đã tăng vốn điều lệ lên 37,232 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt hơn 54,000 tỷ đồng. Với việc tăng vốn trên, Vietinbank đã trở thành ngân hàng thương mại có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu lớn nhất trong hệ thống ngân hàng TMCP Việt Nam. Đồng thời, Vietinbank cũng là ngân hàng TMCP có cơ cấu cổ đông mạnh hàng đầu Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước vẫn là cổ đông chi phối với 64,46% vốn cổ phần.
Theo SEATimes