Bà chủ SeAbank Nguyễn Thị Nga: Xin giới thiệu khách tốt cho tôi

Thứ năm, 01/05/2014, 09:18
“Nếu các quý vị có các khách hàng tốt xin hãy giới thiệu cho SeAbank, chúng tôi sẵn sàng cho vay từ 8-10% là tối đa…”    

Đó là "lời kêu gọi" của Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT SeAbank tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014 ngày 28/4.

Bà Nga cho rằng: Hơn 2 năm qua, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động bất lợi của yếu tố bên trong và bên ngoài nền kinh tế, sản xuất kinh doanh trì trệ, năng lực tài chính của các doanh nghiệp (DN) suy giảm nghiêm trọng, nhiều DN thua lỗ.

Theo đánh giá của bà Chủ tịch ngân hàng này, việc giảm lãi suất cho vay là điều kiện quan trọng để hỗ trợ DN và tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đều mong muốn có được các khách hàng tốt, có năng lực sản xuất kinh doanh. Các ngân hàng sẵn sàng áp dụng một margin thấp giữa lãi suất huy động đầu vào và lãi suất cho vay đầu ra để cho vay khách hàng, tạo điều kiện cho DN ổn định duy trì, phát triển kinh doanh.

“Nếu các quý vị đại biểu tại Hội nghị có các khách hàng tốt xin hãy giới thiệu cho SeAbank, chúng tôi sẵn sàng cho vay từ 8-10% là tối đa”, bà Nga kêu gọi.

nguyễn thị nga
Bà Nga cho rằng: Nợ xấu không phải chỉ do ngân hàng gây ra, nợ xấu phát sinh do DN không trả được nợ cho ngân hàng.

Thực tế vừa qua lãi suất cho vay giảm nhanh hơn so với lãi suất huy động nên margin giữa lãi suất huy động và cho vay thấp, các ngân hàng chỉ đủ bù đắp chi phí, có những trường hợp không đủ chi phí, ngân hàng phải buộc trích lập quỹ dự phòng. Ngoài ra, nợ xấu lớn cũng làm gia tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro dẫn đến giảm hiệu quả kinh doanh của ngân hàng. Đây là bằng chứng của sự chia sẻ khó khăn của các ngân hàng với DN và nền kinh tế.

Với điều kiện sản xuất kinh doanh khó khăn, năng lực tài chính của các DN yếu như hiện nay, một bộ phận không nhỏ DN chưa đáp ứng được điều kiện cấp tín dụng. Đây cũng là nguyên nhân, cùng với sức cầu yếu hiện nay khiến ngân hàng tăng trưởng tín dụng chậm trong những tháng qua.

Ngân hàng cũng là DN, làm kinh doanh tài chính, không thể nới lỏng điều kiện cấp tín dụng, phải đảm bảo nguyên tắc cho vay kinh doanh có hiệu quả, phải thu hồi được vốn cho vay để trả nợ cho người gửi tiền…. Do đó, DN cần phải chứng minh thuyết phục với ngân hàng về phương án sử dụng vốn, đầu tư có hiệu quả và đáp ứng điều kiện cấp tín dụng tối thiểu theo quy định của pháp luật.

“Nợ xấu không phải chỉ do ngân hàng gây ra, nợ xấu phát sinh do DN không trả được nợ cho ngân hàng. Muốn xử lý nhanh nợ xấu thì điều quan trọng phải có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN”, bà Nga nói.

Cụ thể, bà Nga kiến nghị: Đẩy nhanh tiến độ triển khai những dự án đầu tư của Nhà nước nhất là dự án sử dụng trái phiếu Chính phủ, đẩy mạnh cải cách DN nhà nước gắn với việc tăng cường năng lực tài chính xử lý nợ xấu DN nhà nước ở các ngân hàng; xây dựng triển khai những chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi nhanh hơn và bền vững, giải pháp thành lập quỹ đầu tư bất động sản và cơ quan tái thế chấp nhà ở….

Liên quan đến gói 30.000 tỷ, bà Nga đánh giá tốc độ giải ngân còn thấp, chưa mang lại tác động như mục tiêu mong muốn. Do đó, bà Nga đề nghị: Chính phủ và các bộ ngành liên quan như Bộ Xây dựng cần nghiên cứu để DN có thể sớm tiếp cận với gói này, nhất là các chủ đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp được vay vốn bù đắp đối với các dự án đã xây dựng để có nguồn lực xây dựng các dự án mới. Đồng thời, cho phép các ngân hàng thương mại khác được tham gia cho vay gói tín dụng này.

SeAbank là ngân hàng có vốn điều lệ hơn 5400 tỷ đồng, năm 2013, SeABank được Tạp chí tài chính The Banker trao tặng giải thưởng quốc tế “Bank of The Year Vietnam 2013”.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn