Chủ tịch không đạt chuẩn?
Tại Đại hội cổ đông CTCP Chứng khoán Xuân Thành (Mã: VIX) sáng 28/4, Chủ tọa đại hội – bà Thẩm Thị Mai Hương, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) VIX, chính thức từ nhiệm sau chưa đầy 1 tháng đương nhiệm.
Chủ tịch 8x Thẩm Thị Mai Hương và Thành viên HĐQT 9x Nguyễn Thị Thanh. |
Việc miễn nhiệm vị Chủ tịch 8x âu cũng là chuyện dễ đoán khi chiếu theo quy chế bầu cử, ứng cử và bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2011 – 2015, bà Hương đều không “đạt chuẩn”.
Quy chế trên, do chính bà Hương ký với tư cách Chủ tọa, quy định: Điều kiện để trở thành Thành viên HĐQT là cổ đông cá nhân sở hữu ít nhất 5% tổng số cổ phầnphổ thông hoặc người khác là cổ đông sở hữu ít hơn 5% hoặc không phải là cổ đông của công ty nhưng có trình độ chuyên môn, kinh nghiệmtrong quản lý kinh doanh và trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm.
Về tỷ lệ sở hữu cổ phiếu VIX, bà Hương không sở hữu 1 cổ phiếu nào của công ty.
Về kinh nghiệm và trình độ chuyên môn, theo Bản thông tin cá nhân bà Hương tự khai ngày 1/4, bà mới chỉ tốt nghiệp Trung cấp Kỹ thuật Công nghiệp, chuyên ngành kế toán. Kinh nghiệm làm việc không có. Nghề nghiệp của bà là kinh doanh tự do.
Cùng ra đi với bà Hương còn có 3/4 thành viên HĐQT, trong đó, bao gồm cả “nữ tướng 9x” làm dậy sóng giới đầu tư chứng khoán khi được bầu làm Thành viên HĐQT với 0 cổ phiếu, vừa mới tốt nghiệp cao đẳng và gia đình không thuộc diện “danh gia vọng tộc”. Bà Nguyễn Thị Thanh sinh năm 1992, tốt nghiệp hệ cao đẳng trường ĐH Công nghiệp Hà Nội chuyên ngành kế toán. Cha mẹ bà đều làm nghề kinh doanh tự do và cũng như bà, không nắm bất cứ cổ phần nào của VIX.
Xuân Thành lột xác sau 2 lần “thay máu” nhân sự chủ chốt
Sau cuộc ra đi của bầu Thụy (ông Nguyễn Đức Thụy) - nguyên Chủ tịch HĐQT VIX cùng 2 thành viên HĐQT khác là bà Nguyễn Thị Mừng và bà Nguyễn Thị Vui, VIX nhanh chóng bầu nhân sự chủ chốt với kết quả khiến nhiều người ngã ngửa.
Ngoài Chủ tịch Thẩm Thị Mai Hương và Thành viên HĐQT Nguyễn Thị Thanh nói trên, một nhân vật nữa cũng được bầu làm Thành viên HĐQT trong đợt đó là ông Trịnh Xuân Sơn. Ông Sơn sinh năm 1976, là thạc sỹ kinh tế, có bằng cử nhân luật, hiện phụ trách Tư vấn đầu tư của CTCP Chứng khoán MB (MBS).
Sau sự ra đi của bầu Thụy, ngày 28/4 đánh dấu mốc Chứng khoán Xuân Thành lột xác hoàn toàn. |
Mặc dù trình độ chuyên môn và kinh nghiệm “vênh” khá nhiều, nhưng 3 nhân vật trên đều có một điểm chung – không sở hữu cổ phần VIX. Nhưng có vẻ như, sự vội vàng bầu thành viên HĐQT thay cho 3 nhân sự chủ chốt vừa ra đi của VIX là “sự vội vàng có tính toán”.
Sau khi “thay máu” nhân sự lần 1, VIX liên tục “tung hỏa mù” khi mua số lượng lớn 2 mã cổ phiếu VHG và VNG của CTCP Đầu tư và Sản xuất Việt – Hàn và CTCP Du lịch Golf Việt Nam, và thoái vốn gần hết sau 2 tuần sở hữu.
Việc mua bán dồn dập này VIX không tiết lộ thị giá. Tuy nhiên, nếu chiếu theo giá đóng cửa của 2 mã cổ phiếu trên vào thời điểm mua ngày 7/4 và thời điểm bán vào các ngày 17 và 21/4, công ty đã lỗ 5,6 tỷ trong thương vụ mua vào bán ra mã VHG và lãi gần 2,66 tỷ trong thương vụ mua bán mã VNG.
Nếu tính tổng 2 thương vụ này, VIX đã lỗ hơn 3 tỷ. Các thông tin công bố giao dịch trên đều do Chủ tịch 8x Thẩm Thị Mai Hương ký tên.
Lần thay máu nhân sự thứ hai diễn ra với quy mô nhân sự lớn hơn và diễn ra ngay tại ĐHCĐ công ty sáng 28/4. Lần này, cùng ra đi với cựu Chủ tịch Thẩm Thị Mai Hương và cựu Thành viên HĐQT Nguyễn Thị Thanh, còn có 2 thành viên HĐQT khác là bà Nguyễn Bích Diệp và bà Lê Thị Hồng Tâm.
Thay thế vị trí của các nhân sự trên là ông Ngô Phương Chí – giữ cương vị Chủ tịch HĐQT, các nhân sự được bầu vào vị trí Thành viên HĐQT gồm các ông Vũ Lâm, Lê Đăng Thọ, David Flank Woodhouse, ông Trịnh Xuân Sơn – được bầu làm Thành viên HĐQT cùng đợt với bà Hương và bà Thanh - giữ nguyên vị trí.
Với lần thay máu này, bộ máy quản trịcủa VIX lột xác hoàn toàn.
Cùng với sự “lột xác” về mặt nhân sự quản trị, VIX cũng lột xác về mọi mặt, cả tên gọi, trụ sở chính, định hướng kinh doanh và doanh thu.
Về tên gọi, CTCP Chứng khoán Xuân Thành đổi tên thành CTCP Chứng khoán IB, thể hiện định hướng của công ty sau khi chuyển đổi là tập trung vào mảng IB (Investment Bank - ngân hàng đầu tư).
Vềtrụ sở công ty, công ty sẽ thay đổi trụ sở chính. Địa điểm cụ thể ĐHCĐ ủy quyền cho HĐQT lựa chọn địa điểm phù hợp, thực hiện các công việc liên quan đến việc chuyển trụ sở chính, thực hiện hồ sơ thay đổi trụ sở chính…
Về định hướng kinh doanh, công ty dự kiến phát hành thêm 30 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, nâng vốn điều lệ lên 600 tỷ. Năm 2014, VIX đặt kế hoạch doanh thu hơn 98 tỷ đồng – tăng 88,4% so với năm 2013, lợi nhuận trước thuế là 59,8 tỷ - tăng 41%, lợi nhuận sau thuế là 46,7 tỷ - tăng 10%. EPS đạt 1.244 đồng.
Theo Seatimes