Hàn Quốc giảm tiêu dùng sau vụ chìm phà

Thứ hai, 28/04/2014, 14:21
Hội leo núi 50 người của bà Lee Mi Ja là một trong hàng nghìn người hủy du lịch để chia buồn với những nạn nhân vụ chìm phà Sewol (Hàn Quốc), gây ảnh hưởng nặng đến mùa cao điểm du lịch và bán lẻ trong nước.

Nhóm của Lee dự định đến đảo Cheongsando, cách nơi chiếc phà chìm 85 km. "Tôi cảm thấy sợ hãi vì phải đến nơi gần tai nạn. Chẳng ai có tâm trạng muốn đi cả. Chúng tôi sẽ đi sau vậy", Lee cho biết trên Bloomberg.

Tại Hàn Quốc, nhiều đại lý du lịch, hãng vận tải và chuỗi khách sạn đã nhận được hàng loạt yêu cầu hủy đặt chuyến trong tuần lễ vàng đầu tháng 5. Các rạp chiếu phim và công viên cũng bán được ít vé hơn. Tuần trước, ngân hàng trung ương nước này cho biết sẽ theo dõi chặt các ảnh hưởng của việc này lên tăng trưởng kinh tế, khi tiêu dùng suy giảm.

hàn quốc

Người tiêu dùng Hàn Quốc đã giảm các hoạt động giải trí sau vụ chìm phà Sewol.

Từ đầu năm, Chính phủ Hàn Quốc đã chọn thời điểm 1/5-11/5 để đẩy mạnh du lịch. Các trường học được khuyến khích cho học sinh nghỉ ngơi, các khách sạn, nhà hàng cũng được gợi ý giảm giá dịch vụ để thúc đẩy ngành công nghiệp trị giá 23 tỷ USD của Hàn Quốc.

Jeju - đảo du lịch nổi tiếng của nước này năm ngoái thu được 6.500 tỷ won từ gần 11 triệu du khách. Khoảng 80% số đó đến bằng máy bay và còn lại là bằng phà, ông Kim Hyung Jin – Phó giám đốc phòng chính sách du lịch Jeju cho biết.

Các công ty tổ chức du lịch cho trường học thiệt hại nặng nhất. Theo Bộ giáo dục nước này, 17 Sở giáo dục tại Hàn Quốc đã ngừng tổ chức đi chơi cho học sinh đến hết tháng 7. "Tất cả các trường học đã hủy đặt chỗ trong tháng 5. Các công ty cũng đổ xô hủy đặt phòng và tổ chức hội nghị", ông Hwang – Giám đốc truyền thông tại hãng du lịch Daemyung tại Jeju cho biết.

Vụ chìm phà có thể “đặt gánh nặng lên nhu cầu nội địa”, ông Kwon Goohoon – chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo. "Tháng 5 thường là thời điểm tiêu dùng tăng mạnh. Mọi người thường mua quà cho trẻ em, cha mẹ và thầy cô", Park Sang Hyun – kinh tế trưởng tại HI Investment & Securities nhận xét. Tuy nhiên, ông cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận liệu tiêu dùng đã giảm đủ mạnh để ảnh hưởng đến GDP quý II hay chưa.

Theo Korea Herald, số lượt sử dụng thẻ tín dụng đã giảm 4,4% trong tuần sau khi phà Sewol chìm. Oh Jung-Keun tại Đại học Hàn Quốc cũng cho biết nếu tình trạng này kéo dài, kinh tế Hàn Quốc có thể bị tác động: "Tăng trưởng GDP có thể dưới dự đoán (3,9%) của Ngân hàng trung ương, do tiêu dùng chậm lại vì tai nạn phà Sewol". Các số liệu công bố tuần trước cho thấy kinh tế nước này vẫn giữ nguyên mức tăng trưởng 0,9% trong quý I, khi xuất khẩu vẫn ổn định, nhưng tiêu dùng đã chững lại.

Các hãng bán lẻ nhận xét người mua hàng đang chọn ở nhà thay vì ra ngoài tìm kiếm cơ hội mua hàng giá rẻ. Doanh thu tại trung tâm thương mại Lotte, hãng bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc, đã giảm 1,3% trong các ngày 16-20/4 so với cùng kỳ năm ngoái.

Các rạp chiếu phim cũng vắng khách hơn sau sự cố chìm phà, Hiệp hội Phim Hàn Quốc cho biết. Số vé bán ra tại công viên giải trí Samsung Everland đã giảm 15% ngày 19/4, so với tuần trước đó.

Vấn đề hiện tại của các hãng bán lẻ, khách sạn và các công ty du lịch là tình trạng này sẽ còn kéo dài bao lâu. Bà Kang Pyeong Soon (68 tuổi) cho biết sẽ không tham gia vào chuyến du lịch trị giá 2 triệu won đến Jeju ngày 4/5 tới. "Năm nào chúng tôi cũng đến Jeju vào tháng 5. Nhưng năm nay, là một người mẹ, người bà, tôi không muốn đến đó hưởng thụ khi có quá nhiều học sinh đã phải bỏ mạng, còn gia đình của chúng thì đang đau khổ", bà nói.

Phà Sewol chở 476 người hôm 16/4 lật úp chưa rõ nguyên do ngoài khơi tây nam Hàn Quốc. Hơn 300 người trong số đó là học sinh cùng một trường phổ thông, đang trên đường đi dã ngoại tới đảo Jeju. Đến nay, đội cứu hộ thu thập được 187 thi thể. 115 người khác vẫn mất tích.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích