Nhiều đại lý bảo hiểm sau khi được cấp các cuốn ấn chỉ, liền thông báo mất một vài cuốn nhưng vẫn bán sản phẩm tai nạn dân sự bắt buộc (TNDSBB) cho khách hàng lấy tiền bỏ túi riêng. Với những trường hợp này, khách hàng là người chịu thiệt do công ty bảo hiểm phủi trách nhiệm với lý do đã công bố thông tin mất ấn chỉ công khai trên báo theo quy định!
Ngày 8/9/2012, tại bãi xe công ty ông P., tài xế lái xe tải công ty vận tải thương mại dịch vụ PH (Hóc Môn) được một người xưng là đại lý của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (Pjico) mời chào mua bảo hiểm TNDSBB cho xe tải trọng tải 7,8 tấn với mức phí bảo hiểm là 1,404 triệu đồng (bao gồm VAT). Công ty đồng ý mua và yêu cầu nhân viên bán bảo hiểm gửi hóa đơn để thanh toán với công ty nhưng nhiều lần liên lạc chỉ nhận được lời hứa sẽ gửi lại.
Nên kiểm tra với tổng đài công ty bảo hiểm để chắc rằng bảo hiểm mình mua hợp lệ. Trong ảnh: tư vấn mua bảo hiểm ôtô tại đại lý Bến Thành Ford (Q.Tân Phú). |
Lúc 1h35 ngày 30/3/2013, ông P. điều khiển xe va chạm với một xe khác tại địa phận xã Quảng Lĩnh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa làm hai xe hư hỏng nặng. Biên bản do công an huyện Quảng Xương lập xác nhận lỗi do tài xế xe tải của công ty PH không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông.
Đại diện công ty PH ngay sau đó đã thông báo cho văn phòng Pjico An Sương theo số điện thoại ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm (GCNBH) và giải quyết hậu quả tai nạn. Ngày 27/8, công ty PH gửi hồ sơ đến Pjico Bình Dương đề nghị thanh toán hơn 47 triệu đồng. Sau 68 ngày nộp hồ sơ, công ty PH được đại diện công ty bảo hiểm thông báo từ chối thanh toán số tiền này vì GCNBH mà công ty PH mua nằm trong những GCNBH mà Pjico Bình Dương bị thất lạc.
Trong văn bản do ông Nguyễn Thế Dũng - Giám đốc công ty bảo hiểm Pjico Bình Dương ký trả lời cho biết việc thất lạc này đã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có đề nghị khách hàng đã mua bảo hiểm nằm trong số GCNBH bị thất lạc phải liên lạc với Pjico trên phạm vi toàn quốc, nếu trong vòng 15 ngày kể từ ngày ra thông báo (19, 20, 21/10/2013) các GCNBH trên sẽ không có giá trị sử dụng và không thuộc trách nhiệm của Pjico. Đại diện Pjico cũng cho biết kể từ ngày đăng thông báo, Pjico không nhận được thông tin phản hồi nào từ khách hàng nên GCNBH mà công ty PH đang giữ mặc nhiên không còn giá trị.
Ông Lê Quang Trung, trưởng phòng dịch vụ bảo hiểm và chăm sóc khách hàng công ty bảo hiểm Pjico, cho biết đây không phải là trường hợp cá biệt. “GCNBH của công ty PH do một đại lý thuộc phòng bảo hiểm An Sương, Pjico Bình Dương đã làm đơn cớ mất vào ngày 26/7/2012 và được chúng tôi thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với đại lý này nhưng không được, ông này đã không còn cư trú ở địa điểm đã đăng ký. Hiện vụ việc đang trong quá trình giải quyết và đề nghị công an địa phương điều tra làm rõ vụ việc này”.
Trao đổi với chúng tôi về chuyện mất ấn chỉ, nhiều công ty bảo hiểm phi nhân thọ đều cho rằng “chuyện này ai cũng có”, không loại trừ các công ty bảo hiểm dù lớn hay nhỏ.
Giám đốc marketing một công ty bảo hiểm lớn chia sẻ ấn chỉ in sẵn cả chữ ký, dấu công ty thường chỉ dùng cho bảo hiểm TNDSBB của chủ xe cơ giới (xe máy, ôtô, xe tải), đại lý bảo hiểm chỉ cần điền thông tin về phương tiện được bảo hiểm là hợp đồng bảo hiểm sẽ có hiệu lực sau một thời gian nhất định. Về nguyên tắc, theo ông Lê Quang Trung - trưởng phòng dịch vụ bảo hiểm và chăm sóc khách hàng công ty bảo hiểm Pjico, sau khi bán cho khách đại lý phải có phiếu thu, hoặc với hợp đồng có giá trị lớn phải có hóa đơn giá trị gia tăng thì GCNBH mới có giá trị. Điều này để tránh trường hợp đại lý trục lợi, thông báo mất ấn chỉ nhưng vẫn âm thầm bán báo hiểm, cấp GCNBH (trong số ấn chỉ đã báo mất) và thu tiền bỏ túi riêng.
Theo đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ, hiện tượng đại lý xin cấp một số cuốn ấn chỉ đi bán nhưng sau đó lại báo mất một, hai cuốn diễn ra khá phổ biến. Sau khi đại lý báo mất, công ty chỉ lập biên bản mất ấn chỉ, hủy cuốn ấn chỉ này, không tìm kiếm, thu hồi nên nhiều đại lý đã lợi dụng kẽ hở này bán bảo hiểm cho khách hàng với giá rẻ hơn giá công ty để thu lợi bất chính. Sau khi nhận phản hồi thì không liên lạc được với nhân viên/đại lý nọ.
Giám đốc makerting một công ty bảo hiểm lớn cho biết thông thường họ chỉ thông báo trên website của công ty, các phương tiện truyền thông đại chúng để từ chối trách nhiệm đối với các ấn chỉ đã mất này. Trả lời câu hỏi khách hàng không có nghĩa vụ phải theo dõi các thông tin này để biết mình liệu có bị từ chối trách nhiệm đối với những ấn chỉ đã mất, vị này cho rằng: “Không biết cách nào để truy tìm những khách hàng đã mua bảo hiểm nằm trong các ấn chỉ đã mất nên đây là cách hợp lý mà nhiều công ty bảo hiểm vẫn lựa chọn. Nếu khách hàng không biết ấn chỉ đó đã bị hủy thì chúng tôi cũng đành chịu” - vị này cho biết.
Khách hàng phải tự bảo vệ mình
Trao đổi với PV về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thị Minh Huyền (công ty Luật Việt) cho rằng khó có thể ràng buộc trách nhiệm cho doanh nghiệp bảo hiểm trong trường hợp khách hàng mua bảo hiểm như công ty PH. Điểm dở ở đây chính là doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đã không bảo hộ được sản phẩm của họ (những GCNBH đã bán cho khách hàng) cái nào là thật, cái nào là giả, điều này có nghĩa việc họ đã gián tiếp không bảo vệ uy tín của doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng của mình.
“Để giảm thiểu khả năng mua nhầm bảo hiểm đã mất ấn chỉ, khách hàng nên mua ở các đại lý chính thức của công ty bảo hiểm, yêu cầu phải có phiếu thu, hóa đơn giá trị gia tăng. Cẩn thận hơn phải gọi điện thoại đến số điện thoại ghi ngay trên GCNBH để kiểm tra xem bảo hiểm của mình mua có hợp pháp hay không” - ông Đinh Hoàng Hà, Giám đốc ban marketing Tổng công ty CP Bảo Minh, chia sẻ.
Theo Tuổi Trẻ