Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam
Trong khó khăn, ngành bảo hiểm vẫn thể hiện rõ vai trò tài chính thu hút nguồn vốn tăng trưởng, thưa ông?
Năm 2011, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư ít có cơ hội đầu tư vào thị trường chứng khoán, bất động sản và người dân quan tâm hơn đến việc tiết kiệm cho tương lai đã tạo ra cơ hội cho bảo hiểm nhân thọ phát triển, trở thành một công cụ thu hút nguồn vốn trung và dài hạn phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước. Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 16.000 tỷ đồng, tăng 17% so với 2010, tốc độ tăng trưởng cao hơn 2% so với 2010; doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ vẫn đạt 21.500 tỷ đồng, tăng 25% so với 2010.
Năm 2011, ngành bảo hiểm đã thể hiện rõ hơn vai trò là kênh thu hút nguồn vốn để phát triển kinh tế - xã hội. Ước tính, đầu tư toàn ngành đạt gần 100.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn chủ sở hữu và dự phòng nghiệp vụ vào nền kinh tế quốc dân. Bảo hiểm phi nhân thọ đã giải quyết bồi thường ước đạt 8.000 tỷ đồng, khắc phục tổn thất do thiên tai, tai nạn bất ngờ gây ra cho người tham gia bảo hiểm. Bảo hiểm nhân thọ đã chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 5.500 tỷ đồng cho người bị tai nạn, ốm đau, tử vong và đáo hạn hợp đồng, chấm dứt hợp đồng trước hạn.
Toàn ngành bảo hiểm có LNTT ước đạt trên 10.000 tỷ đồng, nộp NSNN trên 2.500 tỷ đồng thuế Thu nhập DN và gần 2.000 tỷ đồng thuế VAT.
Vậy, sự tăng trưởng về số lượng có đi cùng với sự nâng cao về chất lượng?
Trong năm qua, hành lang pháp lý cho lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm đã được hoàn thiện hơn một bước, với việc ban hành các văn bản phát quy như Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Thông tư hướng dẫn thi hành nghị định nói trên và Nghị định 45/2007/NĐ - CP, Nghị định 46/2007/NĐ - CP, Thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ hạch toán kế toán trong DN môi giới bảo hiểm, DN bảo hiểm nhân thọ, DN bảo hiểm phi nhân thọ.
Nhờ vậy, hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng ngày càng đi vào nền nếp, chuyên nghiệp hơn, đã hình thành những phân khúc thị trường mới cho ngành bảo hiểm phát triển như: bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm trách nhiệm của các cơ sở khám chữa bệnh, bảo hiểm trách nhiệm các cơ sở quản lý, sử dụng, khai thác chất lượng xạ hạt nhân.
Cụ thể của tính chuyên nghiệp trong hoạt động của DN bảo hiểm đó là gì, thưa ông?
Thời gian qua, các DN ngành bảo hiểm đã rất chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp của khâu chăm sóc khách hàng với việc xây dựng các quy trình khai thác, giám định, giải quyết bồi thường, quản lý đầu tư, chương trình tái bảo hiểm, kiểm soát nội bộ, nâng cao chất lượng quản lý đại lý; tiếp nhận và xử lý thông tin 24/24 giờ. Bên cạnh đó, hầu hết các DN trong ngành đã cải tiến website của mình theo hướng công khai, minh bạch thông tin về hồ sơ, thủ tục, quy trình giám định và giải quyết bồi thường, các địa điểm giao dịch bán hàng.
Các DN bảo hiểm cũng đã hợp tác với nhau cùng phát triển thị trường như: xây dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí, nội dung chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm nông nghiệp; quản lý danh sách đại lý bảo hiểm, tiến hành xây dựng phí bảo hiểm cơ bản cho một số nghiệp vụ bảo hiểm tương xứng với rủi ro tổn thất được bảo hiểm, xây dựng hệ thống cảnh báo các đối tượng có rủi ro bảo hiểm cao.
Để phòng ngừa rủi ro, bồi thường trong lĩnh vực bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, trong năm 2011, các DN bảo hiểm đã đóng góp Quỹ bảo hiểm xe cơ giới để đầu tư 8 công trình khắc phục điểm đen tai nạn giao thông trị giá 12 tỷ đồng.
AVI cùng các DN bảo hiểm đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới nhằm quản lý chặt chẽ chủ xe, lái xe, loại xe tham gia bảo hiểm, thời gian, đặc điểm, nguyên nhân, mức độ thiệt hại tai nạn giao thông, đánh giá được kết quả kinh doanh, tính phí bảo hiểm, làm tiền đề để xây dựng cơ sở dữ liệu cho các nghiệp vụ bảo hiểm khác.
Dự báo của ông về thị trường bảo hiểm 2012 ra sao, khi năm tới vẫn được tiên liệu là còn khó khăn?
Bước sang năm 2012, những khó khăn của nền kinh tế vẫn còn nhưng có chiều hướng giảm, một số yếu tố thuận lợi sẽ xuất hiện, nền kinh tế sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn. Sự ra đời của các chính sách mới liên quan đến lĩnh vực hoạt động bảo hiểm sẽ tạo ra một số sản phẩm bảo hiểm mới, phân khúc thị trường bảo hiểm mới phát triển. Dự báo, bảo hiểm phi nhân thọ sẽ phát triển với tốc độ 28%, doanh thu ước đạt 27.500 tỷ đồng; bảo hiểm nhân thọ sẽ phát triển với tốc độ 18%, doanh thu ước đạt 18.900 tỷ đồng.
Theo ĐTCK