NĐT thực thụ đang ở đâu là một câu hỏi quá khó lúc này. Dù cơ hội đầu tư vào Việt Nam không phải là kém hấp dẫn, nhưng người có tiền vẫn chờ một cơ hội hấp dẫn khác, đó là khi chứng khoán tại Việt Nam tiếp tục rẻ hơn.
Người có tiền vẫn chờ một cơ hội hấp dẫn khác, đó là khi chứng khoán tại Việt Nam tiếp tục rẻ hơn - Ảnh: Hoài Nam
Không chỉ có Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là DNNN lớn sắp cổ phần hóa, theo định hướng của Chính phủ, 27 tập đoàn, tổng công ty sẽ tiếp tục được cổ phần hóa trong các năm tiếp theo.
Những DN tên tuổi như Tập đoàn Than - Khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí, VNPT, Vinalines, Cao su…sẽ dần dần thực hiện việc bán vốn.
Với lượng cổ phiếu khổng lồ sẽ được chào bán ra thị trường như thế, ai sẽ là NĐT thực thụ hấp thụ hết nguồn cung này? Một câu hỏi không dễ trả lời trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn hiện nay.
Trao đổi với ĐTCK, một số NĐT đến từ châu Âu cho biết, mối quan tâm lớn nhất của họ lúc này là số phận đồng euro, chứ không phải là tìm một cơ hội đầu tư vào TTCK.
Trong mắt các NĐT quốc tế, TTCK Việt Nam chỉ là một trong số rất nhiều thị trường đang bị định giá thấp, nhưng điều họ băn khoăn là tại sao chứng khoán Việt Nam cứ giảm liên tục trong suốt 4 năm qua, trong khi các thị trường khác, chỉ số chứng khoán diễn biến đan xen, có tăng, có giảm?
Cơ hội đầu tư vào Việt Nam không phải là kém hấp dẫn, nhưng người có tiền vẫn chờ một cơ hội hấp dẫn khác, đó là khi chứng khoán tại Việt Nam tiếp tục rẻ hơn.
Ngoài những rủi ro đương nhiên phải đối mặt như tỷ giá, sự bất ổn của kinh tế vĩ mô, thì còn một băn khoăn lớn khác mà NĐT ngoại đặt ra, đó là tại Việt Nam, hầu như chưa thấy những điển hình thành công của các NĐT tài chính.
Do khó khăn, Dragon Capital - công ty quản lý quỹ ngoại gắn bó nhất với TTCK Việt Nam bị bốc hơi tài sản hơn 100 triệu USD trong 11 tháng qua. Tình cảnh tương tự cũng xảy ra với nhiều quỹ khác.
Nhìn đến khối NĐT trong nước, trong câu chuyện trao đổi với ĐTCK, một số chuyên gia trong ngành cho rằng, sức cầu nội không được cải thiện, có rất ít hy vọng kéo NĐT quay lại TTCK trong tương lai gần.
Chuyên gia Tôn Tích Quý nói, thu thuế chứng khoán mỗi năm vài trăm tỷ đồng trên nền tất cả các NĐT đều thua lỗ là một sự phi lý của chính sách, bất công với NĐT. Chính con số biết nói này đã góp phần làm nản lòng những người có tiền tham gia chứng khoán.
Hơn thế, nền kinh tế vẫn đang phải vật lộn với khó khăn để cố gắng giữ các cân đối vĩ mô như CPI, GDP, lãi suất, tỷ giá, nên dòng tiền nhàn rỗi hiện rất hiếm hoi.
Khi câu chuyện lớn nhất chưa giải quyết được, thì không thể mong những hoạt động cụ thể trong nền kinh tế như bán vốn nhà nước trong các DN lớn sẽ được xã hội quan tâm và hào hứng góp sức.
NĐT thực thụ đang ở đâu là một câu hỏi quá khó lúc này. Thực tế, cả năm 2011, các DN hầu như không thể huy động được vốn qua TTCK, một số ít DN bán được cổ phần thì hoặc là bán cho chính cổ đông của mình, hoặc là bán cho những NĐT được "cơ cấu" trước đó. Dù vậy, tổng lượng vốn DN bán được qua phát hành cổ phiếu tính đến hết tháng 11 năm nay cũng chỉ có 15.300 tỷ đồng.
Đợt bán đấu giá 84,7 triệu cổ phần ra công chúng ngày 28/12/2011 của BIDV có lẽ là đợt phát hành cổ phần cuối cùng của năm 2011. Ai sẽ là NĐT thực thụ, tham gia mua cổ phần trong đợt đấu giá này?
Nhiều chủ thể đang dõi theo từng thông tin về các NĐT sẽ tham gia đấu giá BIDV như một cách để lắng nghe xem có hay không sự chuyển động của dòng tiền nhàn rỗi vào BIDV nói riêng, vào TTCK Việt Nam nói chung.