Hải quan có được quyền giữ hàng nội địa?

Thứ sáu, 16/12/2011, 00:03
Về lý do tạm giữ hàng, hiện phía Hải đội 3 vẫn chưa đưa ra câu trả lời cụ thể. Doanh nghiệp có thể yêu cầu bồi thường.

 

Ông Trần Hoàng Huy, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Huy Phát (trụ sở tại 54/4 đường nối Tân Sơn Nhì - Trương Vĩnh Ký, quận Tân Phú, TP.HCM) vừa có đơn khiếu nại về việc Hải đội 3 giữ hàng của ông không đúng thẩm quyền.

Thiệt hại 20 triệu đồng/ngày

Theo đơn, ngày 24-9-2011, Công ty Huy Phát ký hợp đồng bán cho một công ty ở Hải Phòng 600 tấn vỏ xe cũ với giá gần 2 tỉ đồng.

Cuối tháng 10-2011, khi hàng được vận chuyển đến cửa biển giữa sông Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thì bị Hải đội Kiểm soát tàu biển khu vực phía Nam (Hải đội 3) của Cục Điều tra chống buôn lậu yêu cầu dừng tàu để kiểm tra giấy tờ. Tại thời điểm này Công ty Huy Phát đã xuất trình đầy đủ giấy tờ đối với hàng hóa nội địa như hợp đồng kinh tế, phiếu xuất kho, giấy tờ cảng vụ, hợp đồng vận chuyển...

Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, ông Nguyễn Xuân Khương, Phó Hải đội trưởng Hải đội 3, đã ra quyết định tạm giữ tài liệu, tang vật, phương tiện với lý do đã có hành vi vi phạm hành chính vận chuyển hàng hóa trái phép theo Điều 10 của Nghị định số 137/2004/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trên các vùng biển và thềm lục địa.

Sau đó, các cán bộ của Hải đội 3 đã có một loạt buổi làm việc, xác minh nhưng vẫn không đưa ra kết luận cuối cùng. Đầu tháng 12, Hải đội 3 gửi văn bản trả lời khiếu nại, cho rằng phía Công ty Huy Phát vận chuyển hàng hóa không đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định của pháp luật.

Giám đốc Công ty Huy Phát trình bày bức xúc với PV. Ảnh: CTV

Tuy nhiên, trao đổi với Công ty Huy Phát thì được biết ban đầu họ không thể có hóa đơn bởi chỉ có thể xuất hóa đơn khi hàng hóa chuyển quyền sở hữu thực tế. Để làm rõ, ông Huy đã làm công văn gửi Chi cục Thuế quận Tân Phú đề nghị hướng dẫn vụ việc trên. Phía Chi cục Thuế quận Tân Phú trả lời: “Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư 153 năm 2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hóa đơn bán hàng hóa thì ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa cho người mua”. Theo đó, Chi cục Thuế quận Tân Phú khẳng định ông Huy đã làm đúng quy định về hóa đơn.

Đến thời điểm hiện tại, việc tạm giữ hàng hóa hơn một tháng đã gây rất nhiều thiệt hại cho Công ty Huy Phát như phải bồi thường cho khách hàng do vi phạm hợp đồng, thiệt hại về uy tín và không xoay được đồng vốn để kinh doanh. Cụ thể, mỗi ngày bị tạm giữ hàng hóa, công ty này phải chịu thiệt hại 20 triệu đồng, chưa tính các thiệt hại khác.

Thẩm quyền của Hải đội 3

Làm việc với Hải đội 3, Hải đội trưởng Tăng Xuân Phát cho biết ông đã giao vụ việc này cho ông Nguyễn Xuân Khương (Phó Hải đội) giải quyết. “Tôi cũng nghe thông tin nhân viên của mình cố tình giữ hàng để đòi DN 300 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện chưa có chứng cứ nào về việc này nên tôi khẳng định là không có” - ông Phát nói thêm.

Liên quan đến thẩm quyền, quyền hạn của Hải đội 3 xung quanh việc có được tạm giữ hàng nội địa hay không, ông Khương và ông Nguyễn Thanh Minh (cán bộ Hải đội 3) khẳng định rằng: “Cứ nằm trong địa bàn hoạt động của hải đội phụ trách thì chúng tôi có quyền tạm giữ nếu nghi ngờ đó là hàng lậu”. Tuy nhiên, về lý do tạm giữ hàng thì phía Hải đội 3 không đưa ra một câu trả lời cụ thể. Ông Khương cho biết vụ việc đang trong quá trình giải quyết, khi chưa có quyết định cuối cùng thì không thể nói được gì.

Ông Nguyễn Văn Tường, Cục phó Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan khu vực phía Nam, cho biết sự việc hiện đang được phòng tham mưu xử lý ở Hà Nội tham mưu để giải quyết. Thực tế, nếu hàng hóa được vận chuyển trong địa bàn kiểm soát của hải quan thì hải quan vẫn có quyền được kiểm tra. Nhưng khi DN chứng minh được đây là hàng nội địa thì hải quan phải giải phóng hàng cho DN. Nếu trong quá trình tạm giữ hàng mà gây thất thu cho DN thì ngành phải xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu trách nhiệm là của cá nhân thì cá nhân bồi thường, còn trách nhiệm của cơ quan thì cơ quan phải bồi thường.

Doanh nghiệp có thể yêu cầu bồi thường

- Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan và Nghị định 97/2007 quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan thì Lĩnh vực hải quan là lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong lãnh thổ hải quan; về tổ chức và hoạt động của hải quan”.

Hàng hóa ở đây là hàng nội địa, không phải là hàng hóa xuất, nhập khẩu. Hải đội 3 có thể nghi ngờ và kiểm tra. Sau khi kiểm tra không phải là hàng hóa xuất nhập khẩu thì phải giao trả lại cho chủ hàng. Trường hợp tạm giữ số hàng hóa này của Hải đội 3 là vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho Công ty Huy Phát nên Huy Phát có thể yêu cầu trả hàng và bồi thường thiệt hại theo Luật Khiếu nại, tố cáo.

Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Đứng trước nguy cơ phá sản của một DN mà quy mô “chỉ cao cấp hơn người đi buôn bán ve chai”, anh Trần Hoàng Huy, 31 tuổi, đã gửi một bức tâm thư dài tám trang giấy tới Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ với hy vọng sẽ cứu được DN của mình. Ngày 15-12, giữa Hải đội 3 và Công ty Huy Phát đã có một cuộc đàm phán nhưng chưa đem lại kết quả cụ thể. DN vẫn bị giữ hàng, tàu vẫn bị giữ tại cảng dù chính hải đội trưởng đã nhận sai về phía đơn vị mình. Ông Tăng Xuân Phát cho biết đơn vị này đã nhận được công văn của Bộ Tài chính yêu cầu phải xử lý vụ việc nhanh chóng, triệt để. Theo ông Phát, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ chỉ đạo thành lập tổ thanh tra về vụ giữ hàng của Công ty Huy Phát quá lâu.

Theo Phapluattp.

 

 

Các tin cũ hơn