VN-Index kết thúc phiên với mức giảm 3.07 điểm, tức 0.84% so với tham chiếu, nhưng lại thấp hơn mức giảm hơn 6 điểm vào đầu phiên. Chỉ số đóng tiếp tục đóng cửa với mức thấp nhất trong nhiều tháng tại 364.48 điểm.
Việc VIC, VPL, KBC, SJS, BMP tăng kịch trần, cùng mức tăng của nhẹ của VNM, HPG, PPC, GMD, OGC… đã góp phần đáng kể vào việc kìm hãm đà của thị trường.
Thống kê vào cuối phiên, sàn HOSE có 160 mã giảm giá, trong đó còn 75 mã giảm kịch sàn. Còn lại là 71 mã tăng và 56 mã đứng giá.
Trong khi đó, việc MSN, BVH, CTG, DPM, KDC cùng giảm hết biên độ đã chiếm tỷ trọng đáng kể trong mức giảm của VN-Index.
Thanh khoản phiên này tiếp tục tăng trưởng đáng kể, với 40.5 triệu đơn vị chuyển nhượng, trị giá 688.42 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận chỉ chiếm một phần nhỏ với 6.8 triệu đơn vị, tương đương 221.18 tỷ đồng.
STB, SSI, ITA, OGC, DPM, IJC, VSH… là những mã có khớp lệnh lớn nhất với tổng cộng 13.41 triệu đơn vị. Giao dịch thỏa thuận tiêu biểu là việc STB có gần 1.6 triệu cổ phiếu chuyển nhượng, và VIC hơn 1 triệu cổ phiếu.
Nhà đầu tư nước ngoài đóng góp đáng kể vào việc kìm hãm đà giảm của thị trường và tăng khối lượng giao dịch. Cụ thể, họ mua đến 7.66 triệu đơn vị, tập trung vào các mả VSH, DPM, REE, VCB, ITA, HAG, VIC, PVF, PPC, PNJ, KBC và nhiều bluechips khác.
Trên sàn Hà Nội, thanh khoản toàn phiên cũng đạt đến 38.67 triệu đơn vị, trị giá 311.32 tỷ đồng, nhưng giao dịch thỏa thuận lại chiếm tỷ trọng lớn với 78.29 triệu cổ phiếu, tương đương 70.6 tỷ đồng. Tiêu biểu là SCR có 3.5 triệu cổ phiếu thỏa thuận với mức giá 7,000 đồng/cp và HBB có 1.87 triệu cổ phiếu thỏa thuận giá sàn.
Trên sàn khớp lệnh, các mã chủ chốt như KLS, VND, SHB, VCG, PVX, HBB… đều thu hẹp mức giảm vào cuối phiên. Mặc dù lượng cổ phiếu giảm chiếm đến 209 mã, với 89 mã giảm sàn nhưng HNX-Index cũng thu hẹp mức giảm còn 0.74 điểm, tức 1.24% so với tham chiếu và kết thúc phiên tại 58.9 điểm.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng đóng góp đáng kể, với 2.26 triệu cổ phiếu mua vào, trị giá 21.1 tỷ đồng, áp đảo so với 409 cổ phiếu bán ra, tương đương 3.96 tỷ đồng.
Với diễn biến hiện tại thị trường, nhà đầu tư đang đứng giữa những luồng dư luận bắt đáy, tiếp tục bán ra cắt lỗ, hay đứng yên quan sát để chờ cơ hội.
10h30: Nội bán, ngoại quyết liệt gom hàng
Một loạt cổ phiếu bluechips tại HOSE tăng trần vào cuối đợt khớp lệnh liên tục và VNM tăng nhẹ giúp VN-Index tiếp tục thu hẹp mức giảm mặc dù lượng cổ phiếu giảm giá trên sàn vẫn áp đảo.
Cụ thể, VN-Index chỉ còn giảm 3.97 điểm vào cuối đợt khớp lệnh thứ 2, tương ứng 1.08% so với tham chiếu và chốt tại 363.58 điểm. Việc VIC, HPG, KBC, cùng với mức tăng 1.12% của VNM đã hỗ trợ lớn cho VN-Index.
Mặc dù vậy, trên sàn có gần 170 mã giảm, trong đó 91 mã giảm kịch sàn, dẫn đầu vẫn là hai mã BVH và MSN.
Thanh khoản tiếp tục tăng cao với 33.11 triệu đơn vị, trị giá 509.93 tỷ đồng, chủ yếu là giao dịch khớp lệnh cho thấy lực cầu bắt đáy đã tăng lên đáng kể.
Những cổ phiếu lớn như STB, SSI, ITA, REE, DPM… tiếp tục được ưa chuộng.
Điểm đáng lưu ý là khối ngoại mua vào lượng cổ phiếu rất lớn với trên 7 triệu đơn vị, tập trung vào VSH, DPM, REE, VCB, ITA, HAG, VIC… và nhiều bluechips khác.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index vẫn giảm khá mạnh với 2.38%, xuống 58.22 điểm do lượng cổ phiếu giảm giá đã chiếm áp đảo trên thị trường với 205 mã, trong đó 97 mã giảm sàn. Thanh khoản cũng thụt lùi sau HOSE, với 32.5 triệu đơn vị, trị giá 260.66 tỷ đồng. KLS, VND, PVX, VCG, HBB tiếp tục được mua mạnh, mặc dù mức giảm giá của các mã này là không nhỏ.
Khối ngoại cũng đang mua ròng tại HNX với giá trị hơn 13 tỷ đồng, và trên 1.5 triệu cổ phiếu, với các mã chủ yếu như KLS, VCG, PVS, PVX, ICG…
10h00: Dấu hiệu phục hồi hay bulltrap?
Đà giảm bất ngờ có sự thu hẹp đôi chút. Tuy nhiên, một vài ý kiến truyền tai trên thị trường rằng đây thực chất là một bẫy tăng giá (bulltrap).
Quan sát thị trường cho thấy, lệnh bán giá sàn đã giảm hẳn, thay vào đó là các lệnh bán giá xanh, xen kẽ với đó là lệnh bán giá tham chiếu và dưới tham chiếu, nhưng nhìn chung các lệnh khá thưa thớt.
Thống kê lúc 10h00, nhóm tứ trụ tại HOSE chỉ còn MSN giảm sàn, VNM đã quay về mức tham chiếu và BVH cũng chỉ giảm 2.75% giá trị. Trong khi đó, VIC tăng 3.7% và EIB về mức tham chiếu.
Tổng cộng lúc này có 180 mã giảm giá, nhưng chỉ có 75 mã giảm sàn, thấp hơn nhiều so với 30 phút trước.
Đây là điều kiện giúp đà giảm của VN-Index thu hẹp còn 4.87 điểm, tức khoảng 1.32% so với tham chiếu. Chỉ số tạm thời nâng lên 362.68 điểm, cao hơn 2 điểm so với mức thấp của phiên.
Thanh khoản cũng tăng đáng kể với 22.23 triệu đơn vị, trị giá 331.21 tỷ đồng. STB dẫn đầu các giao dịch với hơn 2 triệu đơn vị, tiếp theo là các mã REE, ITA, OGC, SSI đều đạt trên 1 triệu đơn vị/mã.
Trên sàn Hà Nội, mức giảm của HNX-Index cũng thu hẹp còn 1 điểm, tức 1.68% nâng lên 58.64 điểm. Toàn sàn có 188 mã giảm giá, trong đó 80 mã giảm hết biên độ.
Giao dịch tiếp tục tăng trưởng với 25.75 triệu đơn vị, trị giá 202 tỷ đồng.
9h30: Hàng loạt bluechips giảm sàn
Những cổ phiếu chủ chốt ở cả hai sàn lần lượt giảm sàn như BVH, MSN, CTG, DPM, KDC, MPC, QCG… tại HOSE và PVX, HBB, BVS, KLS, SHN, THV… khiến cho đà lao dốc của thị trường ngày càng nghiêm trọng.
Tính đến 9h30, với 96 mã cổ phiếu giảm sàn, trong số 176 mã giảm tại HOSE đã kéo VN-Index rớt 7.06 điểm, tương đương 1.92% và lùi xuống 360.49 điểm. Toàn sàn chỉ có 29 mã tăng giá và 8 mã tăng hết biên độ.
Hàng loạt cổ phiếu có dư mua trong tình trạng bị bỏ trống, trong khi bên bán chiếm áp đảo. Sự đổ vỡ của các trụ cột chính đã làm cho thị trường không còn sức chống đỡ.
Lượng giao dịch lúc này đạt khoảng 14 triệu đơn vị, trị giá 203.75 tỷ đồng, dẫn đầu là OGC, REE, ITA, STB, SSI…
Ở sàn Hà Nội, cũng với 93 mã giảm sàn, trong số 172 mã giảm hết biên độ đã khiến toàn bộ thị trường chìm trong sắc đỏ. HNX-Index mất đến 2.5% xuống 58.15 điểm.
Giao dịch đạt khoảng 15.43 triệu đơn vị, trị giá 125.72 tỷ đồng.
Trên cả hai sàn, giao dịch hầu hết đều thực hiện qua khớp lệnh.
Sau 9h00: Tốc độ lao dốc được đẩy mạnh
Xu hướng giảm của thị trường vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại mà còn tiếp tục mở rộng. Biên độ và số lượng cổ phiếu giảm ngày càng lớn, làm cho các chỉ số lùi về những mức thấp kỷ lục. Lực cầu bắt đáy tại sàn HNX có dấu hiệu mạnh hơn HOSE.
Tính đến 9h00, việc BVH và MSN dao động quanh mức giá sàn, cùng một loạt những cổ phiếu lớn giảm giá (114 mã) đã khiến VN-Index mất 4.5 điểm vào lúc 9h00, tương đương 1.22% xuống còn 363.05 điểm.
Thanh khoản lúc này đạt gần 3.6 triệu đơn vị, trị giá gần 52 tỷ đồng.
Tại sàn Hà Nội, HNX-Index cũng giảm đến 1.17% xuống 58.94 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 5.73 triệu đơn vị, tương đương 48.72 tỷ đồng.
Trong vòng 10 phút tiếp theo, áp lực bán vẫn gia tăng khiến số lượng cổ phiếu giảm lớn dần. VN-Index mất 5.18 điểm lúc 9h10, tương đương 1.41%, nhưng thanh khoản được nâng lên 6.5 triệu đơn vị, trị giá 97.86 tỷ đồng.
Tương tự, HNX-Index cũng mất đến 1.05 điểm, tức khoảng 1.76% lùi về 58.59 điểm. Giao dịch tại sàn này sắp đạt 10 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị 80 tỷ đồng.
Lượng cổ phiếu giảm giá tại HOSE là 139 mã, và tại HNX là 127 mã, trong đó có khá nhiều cổ phiếu giảm kịch sàn.
Mở cửa: “Dao” vẫn cứ rơi
Đà giảm trên cả hai sàn vẫn tiếp tục trong phiên mở cửa sáng nay (15/12), đặc biệt khi mà thông tin, vàng, dầu thế giới lao dốc càng khiến cho thị trường chứng khoán gặp nhiều khó khăn.
Lượng cổ phiếu giảm giá tại HOSE chiếm số lượng áp đảo so với các mã tăng chỉ trong vòng 15 phút mở cửa. Với 88 mã giảm, đặc biệt là BVH, MSN có mức giảm khá mạnh, cùng với VNM, STB, ITA, REE, HAG, PVF… khiến VN-Index mất thêm 3.41 điểm, tương ứng 0.93% lùi về 364.14 điểm. Chỉ duy nhất VIC là bluechips tăng giá trần, nên khả năng nâng đỡ cả thị trường là không lớn.
Thanh khoản chỉ đạt 657,330 đơn vị, trị giá 13.81 tỷ đồng. Nhìn chung nhà đầu tư đang rất thận trọng khi tham gia bắt đáy ở thời điểm này.
HNX-Index có mức giảm thấp hơn với 0.29 điểm, tương ứng 0.49% xuống 59.35 điểm vào lúc 8h45.
Hầu hết các mã chủ chốt đều giảm giá hoặc đứng tại mốc tham chiếu. Tổng cộng có 53 mã giảm/27 mã tăng nhẹ. Thanh khoản cũng chỉ đạt 2.6 triệu cổ phiếu, tương đương 21.86 tỷ đồng.
Theo Vietstock