TTCK: Nguy cơ còn giảm sâu

Thứ năm, 15/12/2011, 06:46
Khủng hoảng nợ công châu Âu chưa tìm ra lối thoát đang tác động tiêu cực đến TTCK toàn cầu. Từ Hoa Kỳ, châu Âu đến châu Á, các TTCK đang trong xu hướng suy giảm mạnh. TTCK Việt Nam cũng không ngoại lệ sau khi bật mạnh trong những phiên giao dịch đầu tháng 12.


Biểu đồ kỹ thuật theo ngày của chỉ số VN Index.

 

TTCK thế giới: Hết kỳ vọng vào Noel và năm mới

Thống kê cho thấy chỉ số chứng khoán Hoa Kỳ thường tăng trưởng vào tháng 12 do kỳ vọng người dân tăng chi tiêu vào dịp Noel và năm mới. Nhưng có vẻ như lịch sử không lặp lại trong năm 2011, khi những tin tức xấu từ châu Âu có thể “đánh gục” ông già Noel.

Cuộc họp thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra đầu tháng 12 đã không thành công như mong đợi. Một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu vẫn chưa được đưa ra khiến giới đầu tư hoài nghi.

Hoa Kỳ từ chối góp tiền vào Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để cứu trợ châu Âu; giới đầu tư hoài nghi về nguồn vốn đóng góp cho Quỹ Cơ chế bình ổn châu Âu (MES) dự kiến khoảng 500 tỷ EUR vào tháng 7-2012.

Trong khi châu Âu chẳng kiếm đâu ra tiền cho Quỹ Bình ổn tài chính của EU (EFSF) thì khả năng đóng góp cho MES là một câu hỏi lớn. Hiện nay, tình hình đang trở nên khá nguy cấp khi quỹ EFSF chỉ còn khoảng 250 tỷ EUR để can thiệp vào cuộc khủng hoảng tài chính.

Với quy mô này, châu Âu chỉ có thể đủ sức cầm cự với cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp hay Ireland, nhưng nếu như Italia, Bồ Đào Nha hoặc Tây Ban Nha, thậm chí Pháp sụp đổ thì nguy cơ suy thoái trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Ở thời điểm hiện tại, IMF chỉ còn khoảng 280 tỷ EUR do đó khả năng tài chính của IMF cũng hạn chế.

TTCK toàn cầu đang dần suy yếu. Ở Hồng Công, chỉ số Shanghai đã tạo lập đáy mới so với ngày 4-10-2011, một yếu tố cho thấy sự suy yếu của một trong những thị trường chủ chốt thuộc khu vực châu Á.

Phân tích kỹ thuật chỉ số DJIA của TTCK Hoa Kỳ cho thấy nguy cơ giảm mạnh trở lại. Trên biểu đồ phân tích sóng Elliott, chỉ số DJIA có khả năng kết thúc sóng C thuộc sóng (2) vào ngày 7-12-2011 với mức đỉnh 12.266 điểm.

Một kịch bản khác cho chỉ số DJIA là sóng C vẫn có khả năng tiếp tục hình thành và có mục tiêu giá từ 12.362-14.400 điểm, tương ứng sóng C bằng 61,8% sóng A và sóng (2) bằng 78,6% sóng (1). Tuy nhiên, xác suất cho kịch bản hai không cao bằng kịch bản một.

Cho dù chỉ số DJIA có phục hồi theo kịch bản thứ hai đi chăng nữa, lợi nhuận có được là rất thấp với mức rủi ro sau đó. Khi kết thúc sóng (2) thị trường bước vào sóng giảm (3) là sóng giảm rất mạnh. Phân tích về mặt chiêm tinh tài chính cũng cho thấy khả năng kết thúc của đỉnh chu kỳ 15,5 tháng (pha thứ ba trong chu kỳ 4 năm) tính từ ngày 4-10-2011.

Theo Raymond Merriman, khi hiện tượng Thiên Vương tinh chuyển động thuận hành có xác suất tương quan 61% với các chu  kỳ lớn (trong đó có chu kỳ 15,5 tháng) trong vòng 11 ngày giao dịch. Do đó, tháng 12-2011 chính là vùng thời gian kết thúc đỉnh của một chu kỳ lớn và sau đó là chuỗi giảm điểm dài hạn.

TTCK Việt Nam: Sẽ giảm nhanh và mạnh

Sau khi bật mạnh trong những phiên giao dịch đầu tháng 12, TTCK Việt Nam giảm điểm sâu trở lại. Nguyên nhân khiến TTCK Việt Nam giảm điểm là do kế hoạch giải cứu TTCK Việt Nam chưa rõ ràng. Trong bối cảnh như vậy, nếu TTCK thế giới giảm điểm trong thời gian tới càng khiến cho các NĐT trong nước mất niềm tin.

Một yếu tố khác cần chú ý là mối quan hệ giữa giá vàng và tỷ giá. Trong khi giá vàng đang được dự báo giảm sâu về các mức 1.600USD/oz và thậm chí là 1.300USD/oz thì cơ chế quản lý giá vàng trong nước đang rất bất cập khiến nguy cơ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế có khả năng tăng trở lại trong thời gian tới. Điều này chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến tỷ giá.

Yếu tố kỹ thuật cho thấy khả năng xuất hiện đợt sóng giảm nhanh và mạnh của các chỉ số. Đối với chỉ số VN Index, xét theo giá đóng cửa, việc chỉ số VN Index phá vỡ mức điểm 376 lần thứ ba là tín hiệu cho thấy thị trường sẽ giảm sâu. Theo mô hình sóng Elliott, hiện chỉ số này đang ở trong sóng 3 thuộc sóng (3) là sóng giảm mạnh. Mục tiêu giá đầu tiên của sóng (3) là 346-349 điểm, (tương ứng 1 lần chiều dài sóng (1)).

Tuy nhiên, trên con đường về mục tiêu giá này, chỉ số VN Index sẽ có mức chống đỡ tương đối tốt là 358-360 điểm (xem biểu đồ).

Đối với chỉ số HNX Index, nhóm đường trung bình GMMA ngắn hạn (màu xanh) đang tụ lại và hướng đi xuống sau khi thất bại chạm vào đường GMMA màu đỏ. Vào cuối tháng 10, sự thất bại kiểu như trên đã tạo nên đợt giảm điểm mạnh trong tháng 11.

Do đó, điều này có thể tạo nên một đợt giảm nhanh và mạnh theo quan sát từ chỉ báo GMMA. Nếu phân tích hành động giá, sau một thời gian đi ngang từ tháng 5-10, việc chỉ số này phá vỡ kênh giá đi ngang vào đầu tháng 11 đã tạo nên tín hiệu giảm điểm.

Do đó, ít nhất chỉ số HNX Index cũng giảm đúng bằng chiều cao khung giá nằm ngang, tức khoảng 51 điểm.

Theo Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn