Chứng khoán: Trò chơi nghiệt ngã sắp kết thúc

Thứ sáu, 16/12/2011, 00:25
Đáng có những động thái đánh xuống đầy "thiện chí" trên TTCK, không khó để nhận ra quá trình gom hàng đang dần được tiến hành, nhằm chuẩn bị cho một con sóng đánh lên trong không bao lâu nữa.


 

Hành hạ nhà đầu tư nhỏ

Một trò chơi nghiệt ngã mới lại được nhóm tạo lập thị trường đem ra hành xử với các nhà đầu nhỏ lẻ khốn khổ theo thuyết bầy đàn.

Phiên giao dịch ngày 14/12/2011, chỉ số HNX đã bị đánh tuột xuống khỏi đáy cũ và chính thức phá mốc 60 điểm. Lại một lần nữa, như kịch bản vào giữa tháng 5 năm nay, sau thời gian kéo ngang, cú lao dốc đã được bung đòn.

Lại một lần nữa tiếng ca thán nổi lên trên tất cả các diễn đàn mạng về chứng khoán. Nhà đầu tư nhỏ lẻ đã không thể hiểu nổi vì sao giá cổ phiếu đã còn hơn cả thê  thảm mà vẫn có thể tiếp tục thê thảm hơn cả thế.

Tính chất "dã man" trong trò chơi hiển hiện ở chỗ cho dù nhà đầu tư không muốn bán, nhưng không khí bi quan cùng cực lan khắp thị trường vẫn bắt buộc họ phải bán. Không chỉ là bán mà còn phải bán tháo, bán bằng mọi cách, nhất là trong bối cảnh thanh khoản không còn được coi là tạm ổn như hồi giữa năm.

Bài bản cũ vẫn được lặp lại. Chỉ số HNX dù đã bị giảm rất sâu so với đáy hồi đầu năm 2009 và thực tế nhiều tháng nay đã không muốn giảm thêm nữa, nhưng để công cuộc đánh xuống tỏ ra có hiệu quả, nhóm tạo lập thị trường vẫn tiếp tục dùng những mã cổ phiếu có vốn hóa siêu lớn để "búa" và "dập". Khó ai có thể chịu nổi những quả tạ dồn dập một cách có hệ thống như thế.

Đáng lý ra, trò chơi này đã phải kết thúc vào giữa năm nay, khi các công ty chứng khoán giải quyết được cơ bản món giải chấp bằng con sóng đánh lên, và do đó đã thanh toán được cho các chủ nợ - ngân hàng phần lớn số vay.

Nhưng nếu trò chơi vắt kiệt sức nhà đầu tư vẫn tiếp diễn thì có thể hiểu đó là chuyện không bình thường, nằm trong vô số thứ không bình thường của cái TTCK chưa bao giờ bình thường này.

Đó là khả năng mà trong một nhận định vào đầu tuần này, chúng tôi đã dự báo: một tuần "chết chóc" mà có thể nhóm tạo lập thị trường sẽ đánh không thương tiếc chỉ số VNI xuống trọn 5 phiên.

Nhưng vì sao lại phải đánh xuống? Có lẽ đây mới chính là câu hỏi mà các nhà đầu tư, những người mất nhiều, số mất chưa đủ nhiều và cả những người sắp sửa mất, nên lưu tâm tìm hiểu, hơn là cố gắng trông đợi vào một con sóng ngắn hạn vô chừng nào đó.

Đánh xuống để chuẩn bị sóng lên

Trong suốt chiều dài con sóng giảm từ hơn 2 năm qua, có thể sơ kết thành mấy loại động cơ đánh xuống: đánh xuống mạnh nhằm gom hàng để sau đó đánh lên; đánh xuống nhẹ nhằm thoát dần hàng; và đánh xuống lâu dài với mục tiêu thâu tóm.

Thâu tóm doanh nghiệp qua sàn là mục tiêu trong trung hạn và dài hạn. Còn trong ngắn hạn, nếu thị trường giảm mạnh với ý đồ đánh xuống rõ rệt thì chỉ có thể xuất phát từ động cơ đánh xuống để đánh lên.

Vào giữa năm nay, khi thị trường cất tiếng ai oán, phép màu đã xảy ra khi lực cầu tổ chức dồn dập đổ vào, nhấc bổng chỉ số lên. Như những nhận định của chúng tôi trước và sau con sóng kỳ lạ ấy, mục tiêu chính của nhóm tạo lập thị trường là nhằm thoát hàng giải chấp và thanh toán một phần vốn vay cho ngân hàng vào thời điểm 30/6, khi tỷ lệ dư nợ tín dụng phi sản xuất tại các ngân hàng bắt buộc phải kéo giảm về mức 22% theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Thế còn lần này thì sao? Lần này khác với giữa năm, nợ vay của công ty chứng khoán đối với ngân hàng không còn nhiều, giá trị cần phải giải chấp cũng không lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, chiến dịch đánh xuống vẫn được thực thi. Số cổ phiếu đổ dồn bán sàn không thuần túy là giải chấp, mà chủ yếu do tâm trạng thái chán ngán tích lũy quá lâu của các nhà đầu tư, trong đó có cả nhà đầu tư tổ chức.

Nếu chỉ nhìn vào nội tại TTCK, có lẽ khó đánh giá được toàn diện vấn đề. Song theo chúng tôi, một vấn đề khác rất đáng chú ý, đáng tham khảo, và cũng rất "đáng ngờ", là ngày tổ chức IPO cổ phần của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) đang đến gần.

Vào cuối tuần trước, trong buổi trả lời thắc mắc cho các nhà đầu tư, ông Trần Bắc Hà, TGĐ BIDV, đã tỏ ra khá tự tin khi cho rằng buổi IPO tại ngân hàng ông sẽ thành công với lực cầu lớn hơn cung. Mặt khác, ông Hà còn đề xuất một vài giải pháp cho TTCK và còn nói "úp mở" rằng có thể sắp tới, tức trước ngày 26/12 khi tổ chức IPO, TTCK có thể phục hồi.

Cần lưu ý rằng BIDV vẫn được xem là "con cưng" của Ngân hàng Nhà nước. Vì thế, những động thái cùng phát ngôn của người có trách nhiệm của ngân hàng này cũng có thể ít nhiều liên đới với chính sách của Ngân hàng Nhà nước.

Nếu không có gì thay đổi, sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức một cuộc họp với các tổ chức tín dụng. Cuộc họp này có thể gợi cho chúng ta nhớ lại cuộc họp giữa cơ quan này với toàn bộ các ngân hàng thương mại vào đầu tháng 9/2011, để ngay sau đó quyết định tái thiết lập trần lãi suất huy động 14%.

Lần này, vẫn chưa thể biết rõ "đường đi" của Ngân hàng Nhà nước. Song với những gì mà BIDV đang thể hiện, qua đánh giá về tác động không nhỏ của BIDV đối với thị trường và quan sát động thái đánh xuống đầy "thiện chí" trên TTCK, không khó để nhận ra quá trình gom hàng đang dần được tiến hành, nhằm chuẩn bị cho một con sóng đánh lên trong không bao lâu nữa.

Tất nhiên, muốn có được con sóng đánh lên thì thị trường vẫn phải bị đánh xuống với biên độ mạnh ít nhất 4/5 phiên trong tuần này.

Theo Diễn đàn KTVN

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích