Trông chờ hạ nhiệt lãi suất cho vay

Thứ sáu, 16/12/2011, 00:18
Lãi suất tiền gửi luôn phải cao hơn lạm phát. Vì thế, trước mắt chỉ nên hạ lãi suất cho vay chứ không hạ lãi suất tiền gửi.


 

Từ đầu tháng 12 đến nay có nhiều ý kiến dự đoán việc ngân hàng sẽ hạ lãi suất. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, cho biết tính đến ngày 13-12, NHNN chưa có một văn bản nào chính thức về việc hạ lãi suất. Cuối tuần này sẽ diễn ra hội nghị toàn ngành ngân hàng. Khi ấy sẽ có những kế hoạch triển khai năm 2012 thì mới có thông tin chính thức.

Chỉ nên hạ lãi suất cho vay

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, thuộc Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội, hiện nay lạm phát vẫn chưa giảm, lãi suất cho vay cao, nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong kinh doanh. Vì thế, để cứu DN chúng ta nên hạ lãi suất cho vay xuống. Tuy nhiên, không nên hạ lãi suất tiền gửi nữa vì đây chưa phải là thời điểm thích hợp.

“Lãi suất huy động ảnh hưởng trực tiếp đến tiền gửi của người dân. Không nên đá bóng vào người dân mãi bởi hạ lãi suất là ở phía các ngân hàng thương mại và NHNN. Mặt khác, hạ lãi suất tiền gửi lúc này là bất ổn cho nền kinh tế vĩ mô” - ông Thành nói.

Vẫn theo ông Thành, lạm phát năm 2012 được kiềm chế xuống một con số hay không là phụ thuộc nhiều yếu tố khác nữa. Nhưng kế hoạch kiểm soát lạm phát mới chỉ được tính trên giấy tờ.

Cùng quan điểm này, GS-TS Nguyễn Thanh Tuyền, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, cho rằng không nên hạ lãi suất tiền gửi ở thời điểm này bởi mức lãi suất huy động 14% hiện nay là hợp lý rồi. Bởi thế chỉ nên hạ lãi suất cho vay mà thôi. Nếu hạ tiếp người dân sẽ khó lòng mà chấp nhận gửi tiền.

Không cào bằng giữa các ngân hàng

Nhưng muốn hạ lãi suất cho vay, theo GS Tuyền cũng nên phân khúc ra từng đối tượng cụ thể. NHNN và các ngân hàng thương mại cổ phần của Nhà nước phải bơm tiền vào hỗ trợ những DN được vay mức lãi suất thấp chứ các ngân hàng tư nhân khó làm được điều này. Bởi đối với những ngân hàng tư, nếu rót vốn mà DN tiếp tục gặp rủi ro và thua lỗ thì sao. NHNN cũng không thể giải quyết tất cả theo mặt bằng chung được.

Tuy nhiên, ông Tuyền cho rằng với thị trường lãi suất, tốt nhất là nên để cung cầu tự quyết định. Bởi đã là thị trường thì không thể dùng biện pháp hành chính để ép. “Còn nhớ năm 2008 sau khủng hoảng, nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, lãi suất huy động chỉ khoảng 8%/năm mà người dân vẫn gửi.

Điều đó cho thấy nếu lạm phát giảm, nền kinh tế phát triển chắc chắn lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay tại các ngân hàng sẽ tự điều chỉnh theo quy luật cung cầu của thị trường. Như vậy, khi nào nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, lãi suất xuống một con số thì lãi suất tiền gửi sẽ hạ. Mà đưa lạm phát đến một con số cũng phải giữa năm 2012” - ông Tuyền nói.

Còn việc hạ lãi suất cho vay, theo ông Tuyền, phải dựa vào tương quan khoảng cách với lãi suất tiền gửi. “Theo tôi, khoảng cách hạ của lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi không nên quá 3%. Con số này mới có thể trung hòa, điều tiết được thị trường giữa tiền gửi và cho vay” - ông Tuyền nói.

Còn theo ông Thành, vẫn là vấn đề nằm ở chỗ khoảng cách giữa lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay nhưng khoảng cách là 4%. Chẳng hạn hiện nay lãi suất tiền gửi 14% thì không giảm được nữa, vậy lãi suất cho vay chỉ nên là 18% mà thôi.

Theo Báo Pháp luật TPHCM

Các tin cũ hơn