Dự báo và giải pháp cho ba lĩnh vực của nền kinh tế 2012

Thứ năm, 15/12/2011, 23:45
Kinh tế Việt Nam rất nhạy cảm với “thời tiết” kinh tế của thế giới, song lại có sức hấp dẫn ở lĩnh vực bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, y tế, cơ sở hạ tầng, bất động sản.



Đầu ra cho hàng hóa và thị trường bán lẻ là vấn đề sống còn của nền kinh tế Việt Nam năm 2012.

Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ vừa công bố 9 dự báo về kinh tế toàn cầu trong năm 2012 và 2013. Đây là những nhận định về triển vọng tăng trưởng kinh tế các khu vực, lĩnh vực chứng khoán, hàng hóa, tỷ giá, chính sách của các ngân hàng trung ương.

Trong đó, bức tranh dự báo kém tươi sáng, cho thấy kinh tế thế giới có sự giảm tốc xa hơn do ảnh hưởng bất lợi từ các biện pháp cắt giảm chi tiêu của Mỹ và châu Âu,  doanh nghiệp hạn chế đầu tư và tiếp tục sa thải nhân lực của khu vực tài chính. Tuy nhiên, các nền kinh tế mới nổi sẽ tiếp tục thể hiện sự vững vàng trước các thách thức trong 2 năm tới, trong đó, thị trường chứng khoán châu Á sẽ “vượt bão” tốt hơn so với các khu vực khác.

Theo đó, nền kinh tế Việt Nam rất nhạy cảm với “thời tiết” kinh tế của thế giới do đang có độ mở theo lộ trình hội nhập. Trong khi đó, tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn phải đối mặt với lạm phát, tiền tệ suy yếu và thâm hụt thương mại vẫn ở mức cao.

Trước biến động và dự báo trên, Hội thảo Thế giới & Việt Nam - Dự báo 2012 được tổ chức ngày 17/12 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Vietnam CEO Corp tổ chức sẽõ đi sâu phân tích xu hướng và đưa ra giải pháp cho 3 lĩnh vực sống còn của doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2012, gồm đầu ra cho hàng hóa và thị trường bán lẻ; bài toán vốn cho doanh nghiệp trong giai đoạn thắt chặt tài chính, tiền tệ và tái cấu trúc để tồn tại.

Về đầu ra cho hàng xuất khẩu, mặc dù, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ  hai đối tác thương mại lớn nhất là EU và Mỹ. Song Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội, bởi chủ yếu xuất khẩu những mặt hàng thiết yếu như nông sản, thủy sản, hàng dệt may, giày dép. Đặc biệt, Việt Nam có thể tranh thủ cơ hội trong lúc tình hình sản xuất của Thái Lan còn khó khăn do hậu quả nghiêm trọng của lũ lụt để tăng mạnh các sản phẩm xuất khẩu tương tự Thái Lan, nhất là 6 tháng đầu năm 2012.

Khó khăn phải đối mặt cũng là cơ hội buộc các doanh nghiệp tái cấu trúc để nâng cao sức cạnh tranh. Ngoài việc rà soát lại kế hoạch kinh doanh gắn với kế hoạch tài chính và sự vận động của dòng tiền, các doanh nghiệp cần mở rộng thị trường nội địa, tìm mọi khả năng tăng xuất khẩu các mặt hàng có thể thay thế Thái Lan, thâm nhập thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, thị trường châu Phi, Mỹ La tinh.

Đối với thị trường nội địa, ngành hàng bán lẻ nói chung cần nhắm vào nhóm sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, vì năm 2011 khó khăn, nhưng nhóm ngành này vẫn có tốc độ tăng trưởng từ 15 đến 20% (trong khi ngành hàng xa xỉ giảm tới 30%). Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Siêu thị Big C, chia sẻ: “Nối tiếp thành công năm 2011, Big C sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược ra nhãn hàng riêng cho dòng sản phẩm mỳ gói, dầu ăn, giấy, dầu xả và giảm giá thành sản phẩm từ 10 đến 20% so với sản phẩm cùng loại của các nhà sản xuất khác”.

Theo ông Dũng, đây là hình thức tiết kiệm chi phí vận chuyển, tiếp thị, chi phí lưu kho. Thêm vào đó, thị trường bất động sản trầm lắng lại là cơ hội cho các nhà bán lẻ kinh doanh theo chuỗi có được vị trí thuê mặt bằng với chi phí thấp hơn so với mọi năm.

Liên quan đến bài toán giải quyết vấn đề vốn cho doanh nghiệp trong giai đoạn thắt chặt tài chính và tiền tệ, ông  Peter R.Ryder, Giám đốc điều hành Indochina Capital cho rằng, quan trọng là Chính phủ Việt Nam làm tốt việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và ưu tiên vốn cho khu vực tư nhân.

Về phía doanh nghiệp, vẫn phải tự thay đổi mình để khai thác cơ hội triệt để. Bởi nền kinh tế vĩ mô nhạy cảm sẽ có thêm nhiều sự thay đổi, sẽ có thêm nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.

Thực tế, các tập đoàn đa quốc gia vẫn tiếp tục cân nhắc mua lại cổ phần các công ty Việt Nam có vị trí thống lĩnh thị trường như một cách để gia tăng sự thâm nhập của họ vào thị trường Việt Nam, trong đó có bán lẻ, thực phẩm và đồ uống,  y tế, cơ sở hạ tầng, bất động sản.

“Điều này chứng tỏ, sức hấp dẫn tại thị trường Việt Nam thể hiện trên rất nhiều lĩnh vực và đó là cơ hội để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài”, ông Peter R.Ryder cho biết.

Theo Vinacorp.

Các tin cũ hơn