Thuế sẽ bị “săm soi” gắt gao hơn!

Thứ sáu, 16/12/2011, 00:17
Thuế sẽ bị "săm soi" gắt gao hơn. Đó là nhận định của các chuyên gia Deloitte tại cuộc hội thảo cập nhật các quy định về thuế năm 2011 do công ty này tổ chức vào ngày 15-12-2011.


 

Cơ sở để các chuyên gia Deloitte đưa ra nhận định trên xuất phát từ một số thay đổi trong chính sách thuế của Việt Nam gần đây.

Một mặt, Chính phủ đề ra kế hoạch cho năm 2011 phải tăng thu ngân sách lên 7%. Xa hơn nữa, theo chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020, mục tiêu đến năm 2015 nguồn thu thuế từ nội địa đạt trên 70% tổng thu ngân sách nhà nước và đến năm 2020 đạt trên 80% tổng thu ngân sách nhà nước; tốc độ tăng trưởng số thu thuế, phí và lệ phí bình quân hàng năm từ 16% - 18%/năm…

Trong khi đó, mặt khác ngành thuế lại phải triển khai kế hoạch giãn nộp thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo một quyết định hồi tháng 4 năm nay của Thủ tướng Chính phủ. Với kế hoạch trên ước sẽ có khoảng 200.000 doanh nghiệp thuộc diện được giãn thuế với tổng số tiền khoảng 7.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, Quốc hội cũng thông qua một nghị quyết đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2011 cho một số đối tượng doanh nghiệp…

Việc thực hiện những mục tiêu trên tạo nên sức ép rất lớn cho các cơ quan thuế địa phương trong việc hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách. Để hoàn thành chỉ tiêu, các cơ quan thuế sẽ phải tăng cường mạnh mẽ các hoạt động thanh tra, kiểm tra tình hình tuân thủ về thuế đối với doanh nghiệp.

Theo bà Dion Thai, Giám đốc Tư vấn thuế của Deloitte, những doanh nghiệp đang hưởng ưu đãi thuế và đặc biệt doanh nghiệp lỗ liên tiếp trên 2 năm sẽ bị “săm soi” nhiều nhất. Liên quan đến ưu đãi thuế, những vấn đề có thể phải giải trình như: điều kiện ưu đãi; việc tuân thủ hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam; định mức tiêu hao nguyên vật liệu v.v…

Về chuyển giá, những vấn đề thường bị phát hiện khi thanh tra như: thực hiện các giao dịch mua, bán không tuân theo giá thị trường; trả phí dịch vụ cho bên liên kết nhưng trên thực tế không nhận được dịch vụ v.v…

Bà Dion Thai cũng cho biết trong thời gian gần đây các cơ quan thuế có vẻ ít nhượng bộ đối với những vi phạm về thuế cũng như ít linh hoạt trong việc diễn giải các quy định nếu việc diễn giải đó làm giảm nghĩa vụ thuế. Việc truy thu và tính lãi chậm nộp cũng được làm quyết liệt hơn.

Đặc biệt, một số cơ quan thuế, ví dụ như Bà Rịa-Vũng Tàu đã áp dụng quy trình kê khai nộp thuế điện tử nên khả năng thương lượng trong trường hợp chậm nộp là gần như không thể. Theo kế hoạch, đến năm 2020 sẽ có 60-90% doanh nghiệp sẽ được áp dụng kê khai thuế điện tử.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng ngày càng chặt chẽ, ráo riết hơn. Chẳng hạn như việc triển khai xây dựng các quy trình liên thông, liên ngành giữa các cơ quan thuế với các cơ quan hải quan, xuất nhập cảnh, công an, cơ quan cấp phép hoặc tăng cường trao đổi thông tin với các nước khác v.v…

“Sự phối hợp chặt đến mức nếu doanh nghiệp có một vi phạm nào đó về thuế, giám đốc của doanh nghiệp đó có thể bị cơ quan xuất nhập cảnh chặn lại không cho đi nước ngoài”, bà Dion Thai cho biết.

Theo Thời báo KTSG

Các tin cũ hơn