Nguồn vốn nào cho DN Việt trong thời kỳ khủng hoảng?

Thứ sáu, 16/12/2011, 08:09
Kinh tế thế giới đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, lạm phát cao xảy ra trên diện rộng không chỉ ở các nước kém phát triển mà kể cả các đầu tàu kinh tế cũng đang phải đối mặt... Tình hình này đã đặt ra một bài toán khó cho các doanh nghiệp Việt Nam: Nguồn vốn nào để doanh nghiệp sinh tồn, vượt qua giai đoạn kinh tế suy thoái?



Khơi thông nguồn vốn cho DN.
 

Đây là vấn đề được bàn luận tại Hội thảo “Nguồn vốn nào cho kinh doanh trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng” do Ngân hàng Phương Đông, Công ty cổ phần Tri thức Quốc tế tổ chức sáng nay, ngày 16/12, tại Hà Nội.

DN “tiến thoái lưỡng nan”

Thực tế, từ khi đất nước mở cửa và đặc biệt là sau khi gia nhập tổ chức Thương mại thế giới WTO, phạm vi vốn không dừng lại ở một quốc gia mà nó được mở rộng ra toàn cầu. Theo đó, các doanh nghiệp vừa có thể huy động vốn trong nước của tổ chức, cá nhân, của các ngân hàng, của doanh nghiệp ban trong liên doanh liên kết, vừa có thể huy động các nguồn vốn từ quốc tế của các định chế tài chính như IMF,WB, ADB; các quỹ đầu tư, các hệ thống ngân hàng của các nước...

Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ thông tin, Internet phát triển, cùng với đó, thị trường vốn đã được liên thông nên nguồn vốn vận động rất nhanh với chu kỳ của hàng hóa ngắn hơn trước...Thế giới đã hình thành các liên kết kinh tế toàn cầu như WTO, khu vực ASEAN, APEC...cho phép các nhà kinh doanh tìm lợi nhuận trên toàn cầu.

Quy tắc bất thành văn là nơi nào, mặt hàng nào có lợi nhuận thì nguồn vốn sẽ chảy vào đó. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó khi mà nền kinh tế đang hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, do đó, cuộc khủng hoảng nợ trên toàn thế giới đều có tác động đến chúng ta ở các mức độ khác nhau. Cùng với đó, tình hình kinh tế trong nước cũng có nhiều đặc điểm nổi bật tác động mạnh mẽ đến sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.

Trên thực tế, theo đánh giá của TS.Nguyễn Đại Lai, Phó giám đốc Trung tâm thông tin tín dụng - NHNN, năm 2012 tiếp tục phải kiềm chế lạm phát, tăng trưởng tín dụng dự kiến 16%, các doanh nghiệp Việt Nam ở mọi thành phần kinh tế đang tiến thoái lưỡng nan giữa vốn và phát triển sản xuất. Trong đó, vốn thì đang bị lãi suất đẩy giá lên

rất cao, tới mức quanh 20%/năm so với dưới 10% lợi nhuận bình quân một năm của cả nền kinh tế. Còn giá bán hàng, dịch vụ ra thị trường lại bị bão giá làm vô hiệu hóa các cố gắng giảm chi phí và phát triển thị trường tiêu thụ.

Khơi thông nguồn vốn cho DN

Vấn đề vốn trở nên cấp bách cho mỗi DN hiện nay, tuy nhiên ông Lương Văn Tư, Nguyên Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO cho rằng trong bối cảnh thị trường trong và ngoài nước đều khó khăn, điều quan trọng hiện nay là trước hết doanh nghiệp phải đánh giá lại một cách nghiêm túc thị trường thuộc lĩnh vực mình kinh doanh bao giờ mới phục hồi, từ đó điều chỉnh lại dự báo cho phù hợp. Đồng thời, phải cập nhật các yếu tố kinh tế vĩ mô của thế giới và trong nước tác động đến lĩnh vực kinh doanh.

“Doanh nghiệp phải tìm mọi cách xử lý các nguồn hàng tồn đọng gây ách tắc vốn, như chấp nhận hạ giá bán thu hồi vốn, chấp nhận chia sẻ rủi ro trong kinh doanh với đối tác để thu hồi vốn, hay thu hẹp một số lĩnh vực phát triển quá nóng, đồng thời, đẩy nhanh tiến độ bán hàng để tăng vòng quay vốn...” – Ông Tự nhấn mạnh.

Mà cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất cần phải giảm mức nguyên liệu và hàng tồn kho bằng cách cải tiến và thay đổi phương thức bán và giao nhận hàng. Bên cạnh đó, đàm phán với các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, khơi thông lại dòng chảy của vốn mới giúp hoạt động của các doanh nghiệp tránh bị đình đốn.

Một vấn đề quan trọng là doanh nghiệp phải tái cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Theo đó, điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh, mạnh dạn cắt bỏ những lĩnh vực đầu tư không có hiệu quả và thay vào đó là các lĩnh vực mới sẽ có trong tương lai, đặc biệt là cần mạnh dạn mua lại tài sản của các doanh nghiệp khỏe mà theo đánh giá của mình trong 1-2 năm tới thị trường có dấu hiệu sôi động lại.

Còn theo TS. Nguyễn Đại Lai thì việc tìm các giải pháp tạo vốn cho doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đặt dưới và song hành với nhiệm vụ chống lạm phát trong chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa của chính phủ. Theo đó, các công cụ của thị trường nên trả lại cho thị trường và công cụ hành chính phải sử dụng nghiêm minh, công khai, minh bạch thì vấn đề vốn cho nền kinh tế sẽ vận động theo đúng nguyên lý “bình thông nhau” bên cạnh các giải pháp hành chính không cho phép “chảy vào đầu cơ” hoặc chảy theo lợi ích nhóm.

Từ đó, các giải pháp huy động vốn có thể từ quỹ bảo lãnh tín dụng, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, có thể tận dụng dòng tiền từ những thay đổi của vốn lưu động, tiền khách hàng trả nợ, tiền ứng trước, tiền mua hàng tạm thời chiếm dụng của nhà cung cấp...

Thực tế, các doanh nghiệp đều có quan hệ đầu vào, đầu ra ổn định và/hoặc có chung hiệp hội hay hội nghề nghiệp có đủ tín nhiệm với nhau, cần liên kết/cam kết tiến hành các nghiệp vụ mua-bán chịu bằng cách phát hành cho nhau các giấy nợ hoặc quyền đòi nợ trong phạm vi thời hạn thỏa thuận để hữu dụng hóa nguồn vốn bằng giá trị hàng hóa “gối đầu” tạm thời nhàn rỗi của từng bên để duy trì  sản xuất và tiêu thụ.

Bên cạnh đó, còn có các giải pháp huy động vốn từ bên ngoài như hoạt động đầu tư như mua bán tài sản cổ phiếu, trái phiếu đầu tư vào công ty khác, hay tiền vay, thuê mua tài chính...Một giải pháp nữa là thu hút quỹ đầu tư từ nước ngoài bằng cách minh bạch và công khai mọi thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, có báo cáo tài chính được kiểm toán, định giá được doanh nghiệp và định ra được thời gian rút vốn cho nhà đầu tư...

Hơn hết, song hành với quá trình chống lạm phát có hiệu quả, cùng những nỗ lực giảm lãi suất của các ngân hàng thương mại khi điều kiện khách quan cho phép, thì trong bối cảnh cả nước cùng chống lạm phát, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại nên chia sẻ khó khăn cho DN bằng cách đưa ra các nhóm giải pháp như tư vấn miễn phí về các lĩnh vực đầu tư sản xuất có hiệu quả, đồng thời liên danh với doanh nghiệp để tham gia tài trợ và/hoặc đồng tài trợ cho doanh nghiệp thực hiện các dự án sản xuất, dịch vụ đã được đánh giá là có tính khả thi.

Theo Vinacorp

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích