Giáp Văn Dương và con đường của Giapschool

Thứ sáu, 25/04/2014, 10:36
GiapSchool không phải là mới nhưng đây là một sự bắt nhịp với trào lưu phát triển chung của giáo dục thế giới.

Đang giảng dạy tại đại học Liverpool (Anh) và Đại học Quốc gia Singapore, Tiến sĩ Giáp Văn Dương bỗng dưng bỏ ngang về Việt Nam xây dựng tủ sách chuyên gia và xây dựng cổng giáo dục trực tuyến miễn phí. Nhiều người nói anh bị “khùng”. Bất chấp những ngăn cản của gia đình và bạn bè, năm 2012 Dương về Việt Nam và bắt tay xây dựng cổng giáo dục trực tuyến Giapschool còn gọi là cổng MOOC (Massive Open Online Course).

giapschool
Tiến sĩ Giáp Văn Dương

Nhỏ không có ước mơ

“Thật ngại khi phải thú nhận rằng ngày nhỏ tôi không có mơ ước”, Dương từng chia sẻ. Sinh ra ở nông thôn nên ngoài việc đi học, hằng ngày Dương còn gắn bó với việc đồng áng, chăm sóc mùa màng nên quên mất việc phải ước mơ. Cho đến ngày Dương bước chân vào đại học.

Ban đầu Dương dự tính học sư phạm nhưng lại chọn học ngành hóa dầu tại Đại học Bách khoa Hà Nội, vì ngày đó cả nước đang hồ hởi với dự án xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất. Thế nhưng vào năm 1999 khi Dương tốt nghiệp, dự án này vẫn chưa đi vào hoạt động. Anh kể: “Do việc xây dựng chậm tiến độ, sau khi tôi ra trường được 10 năm, nhà máy này mới chính thức đi vào hoạt động”. Từng đó thời gian đủ để Dương thực hiện những “tò mò” của mình. Và cơ duyên đi du học đến với Dương. Anh bắt đầu du học tại một số nước và tốt nghiệp một số chuyên ngành khác nhau. Ban đầu anh tốt nghiệp Thạc sĩ Công nghệ Hóa học tại Hàn Quốc. Sau đó, sang Áo và tốt nghiệp và làm luận án Tiến sĩ ngành Vật lý Kỹ thuật tại Đại học Công nghệ Vienna, lúc 30 tuổi.

Một điều thú vị là Dương học hóa học, vật lý nhưng cũng đam mê triết học, xã hội học và thích thú với ngành giáo dục. “Tôi muốn hoàn thiện thêm kỹ năng nghiên cứu và muốn xem nghiên cứu trong các đại học Anh khác với các nước khác, cụ thể là Việt Nam, Hàn Quốc và Áo như thế nào”, anh nói. “Tôi cũng tò mò muốn tìm hiểu thêm hệ thống giáo dục Anh, vì thời gian đào tạo ngắn, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và thu hút một lượng sinh viên quốc tế khổng lồ”.

Tiến sĩ Giáp Văn Dương

Tiến sĩ Giáp Văn Dương sinh năm 1976, tốt nghiệp kỹ sư hóa dầu Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 1999, tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Công nghệ hóa học Đại học Quốc gia Chonbuk (Hàn Quốc) năm 2002; Tiến sĩ ngành Vật lý kỹ thuật Đại học Công nghệ Vienna (Áo) năm 2006; từng làm việc và nghiên cứu tại ĐH Liverpool (Anh), sau đó làm việc tại ĐH Quốc gia Singapore.

Lớn đam mê cải cách giáo dục

Trong khóa học trực tuyến “Nhập môn trí tuệ nhân tạo” của Sebastian Thrun và Peter Norvig (Đại học Standford) năm 2011, có đến 160.000 người đăng ký tham gia học. Chính con số 160.000 người tham gia làm cho Thrun và Norvig sững sờ khi số lượng sinh viên mình dạy cả một đời trong đại học cũng không bằng một khóa học mở này. Điều đó đã khiến Thrun và Norvig nhận ra rằng cần phát triển rộng rãi mô hình MOOC. Dương cũng thực sự thích thú với mô hình này, nên đã bắt tay vào nghiên cứu.

Anh từng nung nấu ý định đem tri thức và góp chút công sức thay đổi môi trường giáo dục Việt Nam. Từ khi đam mê MOOC, anh càng có động lực từ bỏ công việc nghiên cứu vốn đã quen thuộc với anh suốt 12 năm để trở về nước đầu tư toàn bộ thời gian cho dự án riêng này.

Trên thế giới có nhiều cổng giáo dục trực tuyến thu hút hàng trăm ngàn học viên mỗi khóa như MOOC của Đại học Yale (Mỹ) hay của Đại học Stanford. Giapschool ra đời sau nên đã áp dụng những điểm mạnh của cả hai loại hình này. Đặc biệt, Giapschool mở rộng đối tượng, ngoài nội dung bài giảng cho sinh viên đại học, cổng còn dành cho cả trung học, tiểu học. Hơn nữa, GiapSchool lại là cổng MOOC đầu tiên và miễn phí bằng tiếng Việt.

Sau thời gian xây dựng, Giapschool.org đã ra mắt vào tháng 8/2013. Hiện nay, trang trực tuyến này đã mở những khóa học đại trà, một hình thức phát triển từ loại hình đào tạo từ xa. Tham gia khóa học, học viên được nghe các bài giảng trực tuyến, thảo luận, đánh giá…

GiapSchool không phải là mới so với thế giới nhưng Dương cho rằng đây là một sự bắt nhịp với trào lưu phát triển chung của giáo dục thế giới. Đặc biệt, khi Việt Nam đang rất cần một sự chuyển mình trong giáo dục, một cuộc cải cách thực sự. Theo anh, MOOC kết hợp với sách giáo khoa sẽ là một nguồn tham khảo và bổ sung kiến thức cho bất cứ người yêu mến tri thức nào, dù đó là giảng viên, sinh viên, phụ huynh hay học sinh. Ở cấp độ nhỏ hơn, các giáo viên và phụ huynh có thể tham khảo các bài giảng của GiapSchool để dạy học. Học sinh cũng có một kho các bài giảng ngay bên cạnh mình, có thể mở ra để học bất cứ khi nào mình muốn.

Khi hỏi về sự phát triển của GiapSchool, anh cho biết cơ hội rất rộng mở, nhưng phát triển được đến đâu thì thời gian sẽ trả lời. Đến nay, 6 khóa học chính thức trên GiapSchool, cả ở dạng kỹ năng lẫn chuyên sâu, đã được khai giảng và đều do Dương thực hiện. Riêng khóa “Hiểu về giao tiếp” đã có hơn 1.500 người theo học. Cộng dồn 6 khóa, Dương đã có khoảng gần 4.000 học viên, con số có phần khiêm tốn, nhưng cũng đủ lớn để khích lệ cho một sự khởi đầu.

Còn nhiều thử thách mà Dương sẽ phải đối mặt như lấy đâu ra nguồn tài chính để duy trì GiapSchool. Làm sao để Dương kêu gọi được sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học khác tham gia giảng bài, làm phong phú thêm nội dung cho GiapSchool. Dương không trả lời những câu hỏi này nhưng anh cho biết ngay từ đầu xác định miễn phí thì không có gì phải đau khổ nữa.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn