Đại học kinh tế TP.HCM sáng nay công bố báo cáo thường niên mang tên "Triển vọng kinh tế 2014". Trong đó, Tiến sĩ Trần Ngọc Thơ, Trưởng Khoa Tài chính, cho rằng nghiệp vụ giữ vàng hộ dù được đưa ra ngoài bảng cân đối tài sản của ngân hàng thương mại, nhưng bản chất của vấn đề vẫn không thay đổi. Vàng vẫn được huy động và được ghi chép dưới khoản mục nào đó và khi đưa ra ngoại bảng, càng khó kiểm soát hơn.
Theo ông Thơ, Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực thực hiện chủ trương cấm chuyển đổi vốn vàng huy động sang tiền đồng, nhưng lại cho phép ngân hàng kinh doanh vàng, nên bản chất vấn đề không thay đổi. "Quy định chuyển đổi vàng sang tiền đồng là việc bán khống tài sản không thuộc về mình. Còn cho phép ngân hàng đầu tư vàng giống như hình thức dùng vốn huy động để mua vàng thật với quá nhiều rủi ro phía trước", ông Thơ phân tích.
Rủi ro vẫn tiềm ẩn trên thị trường vàng.. |
Cũng theo ông Thơ, hình thức chuyển đổi vàng thành tiền có rủi ro khi giá vàng tăng, còn hình thức nắm giữ lại gặp rủi ro khi giá vàng giảm. Cả hai hình thức này đều làm gia tăng rủi ro cho hệ thống ngân hàng thương mại trước những biến động của giá thế giới.
Hiện nay Ngân hàng Nhà nước có quy định trạng thái nắm giữ vàng dưới 2% vốn tự có. Tuy nhiên, quy định này không thể giám sát được hoạt động nắm giữ vàng vì các ngân hàng vẫn có nghiệp vụ giữ hộ vàng và các nhà băng kinh doanh vàng đều có mối quan hệ “thân hữu” với các công ty kinh doanh vàng và ngược lại. Ngân hàng khi nắm giữ vượt trạng thái có thể lách quy định bằng cách bán cho các công ty kinh doanh vàng “thân hữu” rồi sau đó nhận giữ hộ số vàng này và mua lại bất kỳ lúc nào khi cần thiết.
"Chỉ có thể kiên quyết thực hiện việc loại hoàn toàn vàng ra khỏi các nhà băng thì mới tránh được những bất ổn tiềm ẩn cho hệ thống", ông Thơ chia sẻ.
Để giải quyết bài toán trên, Tiến sĩ Thơ khuyến nghị không cho phép các nhà băng kinh doanh vàng miếng, không thực hiện nghiệp vụ giữ hộ vàng mà chỉ thực hiện nghiệp vụ nhận giữ hộ tài sản như luật các tổ chức tín dụng quy định. Cuối cùng là cần kiên quyết không cấp tín dụng được đảm bảo bằng vàng dưới bất kỳ hình thức nào.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học kinh tế TP.HCM cũng đặt giả thiết một lúc nào đó giá vàng thế giới tăng trở lại, lúc đó không chỉ người dân mà những nhà quản trị cấp cao, cấp trung và mọi cấp trong hệ thống ngân hàng đều đầu tư vàng.
Bởi họ sẽ dễ dàng chuyển lượng vàng nắm giữ của các nhà băng sang cá nhân. Và các cá nhân này sẽ ký gửi lượng vàng mua được cho chính ngân hàng đó bằng nghiệp vụ giữ hộ. Rồi cá nhân lại có thể vay vốn bằng việc thế chấp tài sản vàng giữ hộ để tiếp tục đầu tư vàng.
Đó là hiệu ứng vòng một về phía các cá nhân và các ông chủ của hệ thống ngân hàng. Tiếp tục là hiệu ứng vòng 2 về phía các ngân hàng thương mại. Những đơn vị này sẽ bán đi lượng vàng giữ hộ, rồi lại tiếp tục mua vàng vào sau đó thông qua đấu thầu.
Các hiệu ứng vòng 1,2,3 rồi lại đến vòng ncứ tiếp diễn. Đến một lúc nào đó, lực cầu vàng trong nước sẽ bùng nổ và tác động ngược trở lại giá vàng trong nước lẫn tỷ giá. Một mặt giá vàng tăng từ diễn biến giá vàng thế giới, mặt khác giá vàng tăng từ lực cầu đầu cơ dưới việc nắm giữ vàng của hệ thống ngân hàng thương mại.
"Ngân hàng Nhà nước sẽ phải liên tục xuất ngoại tệ để nhập khẩu vàng nhằm bình ổn thị trường. Điều này cho chúng ta hình dung một kịch bản của quá khứ lại xuất hiện", ông Bảo lo ngại.
Ngoài ra, trong bảng báo cáo, Tiến sĩ Lê Đạt Chí cũng đề xuất thành lập một định chế chuyên biệt điều hành thị trường vàng được quản lý trực tiếp bởi Ngân hàng Nhà nước.
Theo ông Chí, hiện nay dưới những tác động của chính sách, vàng đã dần trở nên kém hấp dẫn trong mắt người dân. Tuy nhiên, Việt Nam không thể không thừa nhận tính hấp dẫn của vàng dưới góc độ của một kênh đầu tư khi giá thế giới biến động mạnh. Do đó, cần tạo ra một kênh đầu tư vàng hiệu quả, làm theo đúng thông lệ thế giới. Và định chế tài chính chuyên biệt SPV này sẽ có chức năng quản lý một phần tài sản quốc gia dưới hình thức dự trữ ngoại hối bằng vàng. Vai trò của SPV là thực hiện trực tiếp hoạt động xuất nhập khẩu vàng, không chỉ vàng miếng như hiện nay mà ngay cả vàng nữ trang.
Các nhà đầu tư thực hiện mở tài khoản giao dịch vàng miếng tại SPV thông qua các thành viên thị trường là các ngân hàng thương mại và công ty kinh doanh vàng (ngân hàng thương mại sẽ không được phép đầu tư mà chỉ thực hiện chức năng môi giới trung gian cho nhà đầu tư).
Việc kinh doanh vàng miếng sẽ được tập trung tại trung tâm giao dịch vàng vật chất của SPV. Thông qua việc tập trung giao dịch vàng miếng trong nền kinh tế, SPV sẽ đo lường được nhu cầu vàng cũng như xác định được lượng vàng miếng hiện đang nắm giữ trong dân. Đây là một thông số cực kỳ quan trọng trong quản lý vĩ mô và đặc biệt là quản lý thị trường vàng.
Các công ty kinh doanh vàng sau khi chấm dứt việc phân phối vàng miếng chỉ còn thực hiện kinh doanh vàng nữ trang theo tiêu chuẩn đăng ký với SPV.
Về lâu dài, Việt Nam có thể phát triển SPV dưới dạng một quỹ đầu tư tín thác vàng theo mô hình của các quỹ ETF (Exchange Trade Fund) khá nổi tiếng trên thế giới như SPDR và khi đó các nhà đầu tư có thể đầu tư vào vàng thông qua việc đầu tư vào các chứng chỉ quỹ này.
"Cách thức này được xem như là hình thức huy động vàng trong dân mà không cần phải trả chi phí cho việc huy động vàng. Người dân khi có nhu cầu có thể rút vàng miếng về cất trữ, họ có thể bán được vàng miếng phi SJC đã được mua trước đó và điều quan trọng là không có tình trạng chênh lệch giá mua bán vàng cho những lần phát sinh nhu cầu", ông Chí phân tích.
Công cuộc loại vàng ra khỏi bảng cân đối kế toán của ngân hàng thương mại diễn ra khi cơ quan quản lý nhận thấy những bất ổn từ thị trường ngoại hối và nhu cầu đầu tư vàng quá cao trong nền kinh tế. Đầu năm 2010, Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư 01 yêu cầu các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đang kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài phải chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài trước ngày 31/03/2010. Quyết định này buộc các ngân hàng tất toán trạng thái vàng, bao gồm trạng thái vàng cho phòng ngừa rủi ro giá vàng từ chuyển đổi vàng huy động lẫn trạng thái cho các nhu cầu vàng trên tài khoản sàn vàng trong nước. Và đây là tiền đề cho hàng loạt các quyết định tiếp theo, yêu cầu các ngân hàng chấm dứt toàn bộ hoạt động huy động và cho vay vàng.
Đã có tổng cộng 4 lần gia hạn thời gian tất toán trạng thái vàng của các nhà băng, lần cuối cùng là nới đến 30/6/2013. Tuy nhiên, các điều kiện kèm theo để từng ngân hàng được gia hạn rất ngặt nghèo và nếu có huy động thêm cũng phải đảm bảo tất cả các hợp đồng đều phải tất toán trước thời điểm này (hiện dư nợ huy động đã chấm dứt hoàn toàn nhưng dư nợ cho vay vẫn còn trên dưới 9 tấn vàng).
Nguyên nhân của những lần gia hạn chính là lượng vàng cần cho nhu cầu tất toán của hệ thống ngân hàng thương mại khá lớn, nếu phải tập trung trong thời gian ngắn sẽ làm cho chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới càng gia tăng. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã phải tổ chức đấu thầu bán vàng ra can thiệp thị trường, phần nào hỗ trợ cho tiến trình chấm dứt nợ vàng của các nhà băng. Đã có tổng cộng gần 70 tấn vàng được bán ra trong các phiên đấu thầu và có hơn 30 tấn phục vụ cho việc tất toán dư nợ vàng của ngân hàng.
Sau hàng loạt chính sách quản lý, đặc biệt là việc chấm dứt huy động và cho vay vàng được xem là bước tiến lớn của cơ quan quản lý khi chính thứckết thúc cuộc chơi vàng của các đại gia, góp phần làm cho thị trường ổn định.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn cho phép các nhà băng triển khai hoạt động giữ hộ vàng song song với hoạt động kinh doanh vàng miếng. Trong quy định giữ hộ, Ngân hàng Nhà nước có yêu cầu phải ghi rõ số seri miếng vàng và các nhà băng không được sử dụng vàng miếng nhận bảo quản của khách hàng dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả chuyển đổi thành tiền, bán, cho vay, chuyển đổi, cầm cố, thế chấp, ký quỹ bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tiền vay.
Theo VnExpress