Ụ nổi 83M có phải là tàu biển hay không? Đên bây giờ, vấn đề này vẫn còn trong tranh cãi.
Tại phiên tòa phúc thẩm Dương Chí Dũng và đồng phạm ngày 22/04, đại diện của Bộ GTVT đã khẳng định ụ nổi không phải tàu biển. Theo đó, đại diện này cho biết Bộ GTVT là cơ quan soạn thảo Luật Hàng hải 2005 và biên tập trình Chính phủ, Quốc hội thông qua. Trong điều 11 của Luật này có định nghĩa: “Tàu biển trước hết phải là tàu, di động trên biển.” Ụ nổi 83M là vật thể nổi trên biển nhưng không tự di động được mà phải kéo nên không thể là tàu biển. Trước khi vụ án xảy ra thì tổng thanh tra chính phủ đã kết luận là ụ nổi không phải tàu biển.
Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa nhận xét trong điều 11 Luật Hàng hải không nói tàu là cấu trúc nổi “tự di động hay di động theo hình thức cụ thể nào" nên nếu chiếu theo thì cũng có thể thấy là còn nhiều kẽ hở.
Tòa đã mời ông Trần Thái Sơn với tư cách là đại diện của Bộ tài chính, và là 1 trong 5 giám định viên của 5 Bộ để trả lời rõ ràng về việc ụ nổi có phải là tàu biển hay không.
Ông Sơn cho biết, 5 giám định viên trong kết luận tập trung đã thực hiện giám định theo kết luận 03 của Bộ công an.
Các giám định viên nói rõ, về việc nhập khẩu ụ nổi đã 43 tuổi có đủ điều kiện hay không, khi áp dụng điều 11 Luật Hàng hải định nghĩa về “kết cấu nổi di động trên biển”, họ đã tranh luận về việc “di động giữa điểm A hay B”, “tự hành hay lai dắt”. Kết luận rút ra là bản thân ụ nổi là lai dắt không tự vận hành, “trên biển chỉ nhấp nhổm chứ không di động từ điểm A sang điểm B”. Tuy vây Luật hàng hải không có nghị định và quy đinh hướng dẫn nào ngoài NĐ 49 quy định về việc mua bán tàu biển. Vì vậy, 5 giám định viên đã chấp nhận đồng thuận với điều kiện “ụ là cấu trúc nổi và coi là hoạt động trên biển, coi như tàu biển.”
Nhưng điều kiện để nhập khẩu theo NĐ 49 là với tàu quá 15 tuổi không thỏa mãn điều kiện đăng ký thì trách nhiệm thuộc về công ty nhập khẩu là Vinalines, việc cho phép đăng kiểm hay không là trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm.
Về thủ tục hải quan, Thủ tục hải quan có một bắt buộc là kiểm tra và giám sát hàng hóa, và điều đầu tiên phải biết là hàng hóa đó tên là gì. Hàng hóa ở mỗi quốc gia có tên khác nhau nên đã có công ước HS xác định tên hàng hóa, trên cơ sở tính năng tác dụng của hàng hóa để đặt mã số cụ thể. Ụ nổi là nhóm 89059010 và theo các hướng dẫn của Bộ tài chính cụ thể hóa HS, ông Sơn khẳng định:
“Căn cứ vào HS, tên nó là ụ nổi, tiếng anh có giải thích. Nếu ụ là tàu thì mã số phải trùng nhau, ở đây mã số khác nhau.”
Vì vậy, ông Sơn nhận xét rằng Hải quan đã tuân theo HS.
“Theo Luật Hàng hải, chúng tôi kết luận, ụ nổi coi như là tàu. Nhưng tại khoản 2 điều 2 Luật này cũng ghi rõ, trường hợp Việt Nam có ký công ước, có nội dung khác với Luật Hàng hải thì áp dụng công ước đó, tức là tuân theo công ước HS. Tức là ụ nổi không phải là tàu.”
Như vậy, kết luận thông quan thủ tục hải quan của các cán bộ hải quan – bị cáo trong vụ án này hoàn toàn phù hợp.
“Khi văn bản còn không đồng nhất như thế thì Hải quan không thiếu sót. Đề nghị tòa xem xét. Và khi thao tác nghiệp vụ còn vướng mắc thì nên tham vấn cơ quan chủ quản có trách nhiệm để còn biết mà xử lý những hàng hóa về sau.”
Ngoài ra, công văn số 8915 của thứ trưởng Bộ GTVT cũng khẳng định ụ nổi không phải là tàu.
Theo Trí Thức Trẻ