Ngân hàng rộ “mốt” sáp nhập

Thứ hai, 21/04/2014, 13:57
Sau thương vụ nhận sáp nhập thành công Habubank, đại hội cổ đông (ĐHCĐ) ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội cuối tuần qua tiếp tục thông qua chủ trương sẽ nhận sáp nhập một Công ty tài chính.

Nguồn tin từ ngân hàng cho hay, đơn vị được nhận sáp nhập sẽ được tái cấu trúc thành một đơn vị trực thuộc SHB nhưng tên tuổi của đơn vị tài chính này cho đến nay vẫn chưa được tiết lộ.

Đại diện SHB chia sẻ, động thái của ngân hàng được thực hiện theo chủ trương tiếp tục tái cấu trúc đối với các Công ty tài chính của NHNN. Mà theo đó, sau khi được tái cấu trúc, đơn vị trực thuộc SHB nói trên sẽ tập trung phát triển mảng dịch vụ ngân hàng phục vụ tiêu dùng, vốn được coi là một trong những dịch vụ có xu hướng phát triển mạnh trong thời điểm hiện nay.

SHB là ngân hàng thứ hai chỉ trong ít ngày qua công bố thông tin về định hướng sáp nhập hoặc nhận sáp nhập với một đơn vị hay ngân hàng khác.

sáp nhập ngân hàng
SHB tiếp tục thông qua chủ trương sẽ nhận sáp nhập một Công ty tài chính.

Cùng thời điểm với SHB, ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) tuần qua cũng thông qua nội dung nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Mekong (MDB). Đây là nội dung đáng chú ý trong phiên họp ĐHCĐ lần thứ 22 của nhà băng này cuối tuần qua.

Dù chỉ mới dừng ở chủ trương song một lãnh đạo Maritime Bank khẳng định, ngân hàng sau sáp nhập dự kiến sẽ nằm trong nhóm 5 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam, với số vốn điều lệ hiện tại của Maritime Bank là 8.000 tỉ đồng và vốn điều lệ của MDB là 3.750 tỉ đồng.

Nhà băng sau sáp nhập đồng thời cũng sẽ có mạng lưới lớn thứ 3 trong khối các NHTM cổ phần mà nhà nước không nắm cổ phần chi phối với gần 300 điểm trên toàn quốc.

“Việc sáp nhập này sẽ giúp phát huy thế mạnh, gia tăng lợi thế cạnh tranh cho cả hai bên và mang lại nhiều lợi ích cộng hưởng cho ngân hàng sau sáp nhập” – đại diện Maritime Bank chia sẻ. Với định hướng này, các cổ đông của Maritime Bank chính thức ủy quyền cho HĐQT xây dựng, triển khai đề án sáp nhập và trình NHNN xem xét phê duyệt theo quy định.

“Mốt” sáp nhập trong giới ngân hàng dường như vẫn chưa đến cao trào bởi trong ngày 23.4 tới đây, Vietcombank cũng dự kiến xin ý kiến cổ đông về việc sáp nhập một ngân hàng khác. Nhà băng này ngoài ra khẳng định cũng sẵn sàng tham gia tái cơ cấu, sắp xếp lại các NHTMkhi có chủ trương của Chính phủ và NHNN.

Một đại gia đình đám khác là Vietinbank cũng đang nhận được “lời mời” sáp nhập từ PG Bank. Phương án hoán đổi cổ phiếu đang được đề xuất mà theo đó VietinBank có thể sở hữu 99% cổ phần PG Bank nhưng vẫn giữ nguyên mô hình PG Bank là một ngân hàng.

M&A trong giới ngân hàng đang được khởi động rất sớm và có thể sẽ thực sự sôi động, nóng bỏng trong các ngày tới đây.

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn