Bất lực quản trị, “ông chủ” thành bù nhìn

Thứ năm, 17/04/2014, 16:47
Về lý thuyết, Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyền lực cao nhất trong công ty cổ phần. Tuy nhiên, trong đa phần doanh nghiệp, cơ quan quyền lực này chỉ là một cái vỏ vô hồn và… bất lực.

Tại Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Dệt Gia dụng Phong Phú, chủ trương của HĐQT đưa ra về kế hoạch sáp nhập vào công ty mẹ là Tổng công ty cổ phần Phong Phú dù bị nhiều cổ đông phản ứng gay gắt (do công ty mẹ kinh doanh kém hiệu quả hơn công ty con), nhưng cuối cùng vẫn được thông qua với đa số phiếu.

Kết quả này cũng không khó hiểu, bởi đa số cổ đông của Dệt Gia dụng Phong Phú là cán bộ, công nhân viên trong Công ty. Đây là nhóm cổ đông rất ít khi có ý kiến trái chiều với HĐQT và thường biểu quyết thông qua mọi vấn đề của HĐQT.

ông chủ bù nhìn
HĐQT Vinexad không chứng minh được việc chuyển nhượng tòa văn phòng là có lợi cho Công ty.

Một ví dụ khác là trường hợp Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Thương mại (Vinexad). Nhiều ý kiến phản đối về chủ trương chuyển nhượng tòa văn phòng công ty tại số 9 - Đinh Lễ và Chủ tịch HĐQT Vinexad - ông Nguyễn Khắc Luận, cũng không đưa ra được luận cứ thuyết phục và khả thi để chứng minh việc chuyển nhượng tòa văn phòng này là có lợi cho Công ty. Tuy nhiên, khi biểu quyết, chủ trương này vẫn được thông qua, do số lượng cổ đông là cán bộ trong công ty chiếm tỷ lệ áp đảo.

Trường hợp như Dệt Gia dụng Phong Phú và Vinexad dù sao vẫn là những biểu hiện tích cực, bởi trong Đại hội, vẫn còn có những tiếng nói phản biện, ít nhiều cũng buộc HĐQT phải giải trình. Trong khi đó, nhiều Đại hội đồng cổ đông khác chỉ là cuộc độc diễn nhàm chán của HĐQT và cuộc họp chỉ để diễn cho đúng thủ tục pháp lý.

Vai trò của cổ đông quá mờ nhạt đang dẫn đến một hệ quả xấu, một số cổ đông có tâm lý chán nản và buông xuôi, khiến chất lượng giám sát của cổ đông đi xuống.

Ở mức độ tệ hại hơn, có những công ty thậm chí còn không tổ chức Đại hội đồng cổ đông và cũng không thông báo với cổ đông về tình hình công ty.

Công ty cổ phần Bất động sản Lilama (Lilama Land) là một ví dụ. Công ty này được thành lập từ năm 2008. Thế nhưng, suốt hơn 5 năm qua, Công ty không tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên và cổ đông không biết Công ty đang hoạt động ra sao.

Trong khi Đại hội đồng cổ đông chỉ như một ông chủ bằng… rơm, thì công cụ của cổ đông là ban kiểm soát cũng như một món hàng phù phiếm.

Theo quy định tại Điều 123, Luật Doanh nghiệp, ban kiểm soát có nhiệm vụ giám sát HĐQT và tổng giám đốc công ty trong việc quản lý và điều hành. Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít ban kiểm soát thể hiện đúng vai trò này.

Hiện nay, pháp luật cũng không cấm thành viên ban kiểm soát là người trong công ty, nên nhiều doanh nghiệp bầu luôn một số cán bộ trong công ty làm thành viên ban kiểm soát. Đương nhiên, thật khó cho những người này khi bị trao nhiệm vụ phải giám sát các “sếp” của mình.

Quyền lực yếu ớt của Đại hội đồng cổ đông không còn chỉ là câu chuyện riêng của từng doanh nghiệp, mà đang trở thành vấn đề lớn của nền kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2014 do Ngân hàng Thế giới công bố, Chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư là lĩnh vực yếu nhất trong 10 lĩnh vực thuộc môi trường kinh doanh của Việt Nam. Trong đó, Chỉ số Trách nhiệm của thành viên HĐQT tại Việt Nam chỉ đạt 1 điểm (trong thang điểm 10), Chỉ số Mức độ dễ dàng để cổ đông khiếu kiện chỉ đạt 2/10 điểm…

Trong khi nhiều lĩnh vực khác được xếp hạng khá cao như Cấp phép xây dựng (29), Đăng ký tài sản (51), Vay vốn tín dụng (42), Thực thi hợp đồng (46)…, thì Chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư đứng gần đội sổ với xếp hạng 157. Điều này đã kéo tụt đáng kể điểm xếp hạng chung về môi trường kinh doanh Việt Nam.

Theo Đầu Tư

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích