Tại Đại hội cổ đông Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) sáng 25/3, các cổ đông đã đặt ra hàng loạt câu hỏi về vấn đề nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank).
Một số cổ đông cho rằng, không phản đối chủ trương sáp nhập nhưng phải tìm kiếm ngân hàng phù hợp. “Phương Nam là ngân hàng có nợ xấu cao, lợi nhuận thấp, chúng ta cần phải suy nghĩ lại”, một cổ đông tổ chức nêu ý kiến.
Còn một cổ đông khác thì quyết liệt rằng, nếu hội đồng quản trị đã xem xét là sáp nhập tốt, thì chỉ có ban lãnh đạo thấy tốt, còn cổ đông không thấy như vậy.
Cổ đông phát biểu tại đại hội sáng nay. |
Một cổ đông nữ lớn tuổi cũng lo rằng, sau khi sáp nhập Sacombank có còn là Sacombank hay không. “Tôi là cổ đông Sacombank, cũng đầu tư vào Ngân hàng Phương Nam từ khi cổ phiếu của ngân hàng này có giá 9.500 đồng, với số vốn bỏ ra là 500 triệu đồng nhưng đến giờ tôi chưa nhận được đồng cổ tức nào”.
"Nếu sáp nhập thì tôi có bán được cổ phiếu lấy lại vốn hay không? Nhiều năm cổ phiếu Phương Nam không có cổ tức. Nếu Phương Nam làm ăn lợi nhuận tốt, hàng năm phải chia cho cổ đông, nay không có gì hết, sáp nhập vào thì lợi ích gì cho Sacombank”, bà bức xúc nói.
Ông Kiều Hữu Dũng, tân Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank cho rằng, khi cạnh tranh gay gắt hơn thì sáp nhập là cách để ngân hàng tăng cường quy mô, mạng lưới nhằm nâng cao tiềm lực.
Theo ông Dũng, trong bất cứ cuộc sáp nhập nào cũng có thuận lợi và khó khăn. Qua nghiên cứu, ban lãnh đạo Sacombank thấy Phương Nam là một trong những ngân hàng có những điểm tương đồng và có thể sáp nhập được.
Ông Kiều Hữu Dũng làm chủ toạ buổi đại hội cổ đông sáng nay. |
Hội đồng quản trị cũng tiến hành xem xét cẩn trọng, nếu sáp nhập được, ngân hàng còn phải thông qua nhiều quy trình, thông qua các cơ quan, nghiên cứu xem liệu sáp nhập có thành công không, có tốt hơn hay không... mới tiến hành.
Theo ông Dũng, việc sáp nhập này cũng là thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại. Từ đó giúp ngân hàng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, song song hoàn thiện công tác quản trị ngân hàng dần phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
"Với mong muốn tạo thêm lợi thế cạnh tranh, có thêm nguồn lực phát triển trong thời gian tới, HĐQT đề nghị cổ đông chấp thuận chủ trương sáp nhập Phương Nam vào Sacombank", ông nói.
Ông Dũng cũng đề nghị cổ đông ủy quyền cho HĐQT triển khai nghiên cứu xây dựng đề án khả thi và thực hiện các thủ tục cần thiết để xin phép các cơ quan chức năng, cũng như quyết định các vấn đề liên quan đến việc sáp nhập này.
"Sau khi đề án sáp nhập được các cơ quan chức năng chấp thuận, HĐQT sẽ trình Đại hội xem xét, quyết định. Thời gian thực hiện đề án và triển khai ngay trong năm 2014 này", ông nói.
Tuy có những băn khoăn về thương vụ sáp nhập, nhưng kết quả cuối cùng vẫn có trên 97% số cổ đông đồng ý thông qua phương án sáp nhập Southern Bank vào Sacombank.
Ngoài ra, vấn đề chia cổ tức cũng được cổ đông quan tâm trước sáp nhập. Theo cổ đông, trước khi xin chủ trương sáp nhập Southern Bank vào Sacombank, HĐQT nên giải quyết xong việc chia thưởng như đã “hứa” từ năm trước.
Ông này cho rằng, Sacombank làm ăn tốt, cách đây 3 năm đại hội cổ đông nói chia cổ phiếu thưởng nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. “Cần phải làm những điều đã hứa, trả quyền lợi cho cổ đông trước khi sáp nhập để cổ đông không bị thiệt thòi”, ông nói.
Ông Nguyễn Miên Tuấn, Phó chủ tịch Sacombank cho rằng, năm 2011 dự kiến chi trả cổ tức bằng cổ phiếu 14% thực hiện trong năm 2012, nhưng thời điểm này Ngân hàng Nhà nước thanh tra toàn diện Sacombank nên việc trả cổ tức 14% không thông qua .
Cũng trong năm 2012, Sacombank phải trích lập dự phòng lớn, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, lợi nhuận giảm. “Nhà băng thống nhất chi trả bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu là 10% từ cổ phiếu quỹ. Nếu thông qua, sẽ chi trả trong năm 2014”, ông nói.
Theo VnExpress