Lương kém osin, sếp Miliket muốn hồi sinh ‘Vua mỳ tôm'

Thứ tư, 16/04/2014, 14:06
Chấp nhận hưởng lương siêu thấp và đẩy mạnh đầu tư, các sếp lớn Miliket đang nỗ lực hồi sinh “Vua mỳ tôm”.

Đối thủ không ngừng lớn mạnh

Từng được mệnh danh “Vua mỳ tôm”, vào những năm 90, Miliket của Công ty Cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – MILIKET, tiền thân là Xí nghiệp Lương Thực Thực Phẩm Colusa và Xí Nghiệp Lương Thực Thực Phẩm Miliket gần như chiếm thị phần tuyệt đối. Thế nhưng sự xuất hiện của các đại gia lắm tiền, nhiều của và nhiều kinh nghiệm quốc tế, thị phần của Miliket ngày càng teo tóp. Đến bây giờ, lượng tiêu thụ của “Vua mỳ tôm” chỉ bằng số lẻ của một số đối thủ cạnh tranh.

Masan Comsumer, Vina Acecook hay Asia Food đang là những gương mặt có sức ảnh hưởng lớn nhất trên thị trường. Trong đó, Vina Acecook được đánh giá là công ty sản xuất các sản phẩm mỳ ăn liền chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam hiện nay. Sản phẩm của công ty gồm có 5 dòng chính. Đó là mì, phở, bún, miến và hủ tiếu với tất cả 27 sản phẩm được người tiêu dùng Việt Nam biết đến nhiều.

miliket
Miliket yếu thế so với các đối thủ

Công suất của Vina Acecook rất lớn. Cứ mỗi phút, 1 line sản xuất của nhà máy cho ra đời 600 gói mì. Tổng sản lượng của 10 nhà máy thuộc Vina Acecook hàng năm khoảng 4,5 tỷ gói mì các loại.

Vina Acecook dành quỹ rất lớn cho quảng cáo. Vì vậy những nhãn hiệu như Hảo Hảo, Yummi, miến Phú Hương, phở Đệ Nhất, mì Udon, mì Đũa tre, Hảo 100, mì Bốn Phương, mì Sao Sáng, phở Xưa nay,… thường xuyên xuất hiện trên truyền hình.

Không mạnh như Vina Acecook nhưng Asia Food cũng nằm trong Top các công ty sản xuất thực phẩm ăn liền có thị phần lớn. Các sản phẩm chủ đạo của Asia Food là mì sợi phở vàng, mỳ Gấu yêu và nhãn hiệu Gấu đỏ với các sản phẩm mì gấu đỏ, phở, hủ tiếu, cháo.

Về mảng thực phẩm ăn liền, Masan Consumer là công ty ồn ào nhất với những TVC gây nhiều tranh cãi. Đi cùng với sự “nổi tiếng” là sự gia tăng mạnh về doanh thu, lợi nhuận. Thời gian qua, công ty tiếp tục duy trì được sức mạnh tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận trong hoàn cảnh thị trường có nhiều khó khăn. 

Cụ thể, doanh số thuần năm 2013 của Masan Consumer đạt doanh thu 11.943 tỷ đồng, tăng 15% so với 2012; lợi nhuận sau thuế đạt 3.270 tỷ đồng, tăng 15% so với 2012. Kết quả này đạt được chủ yếu nhờ sự thành công của các kế hoạch kinh doanh trên thị trường và khả năng kiểm soát tốt giá thành, chi phí.

Năm 2013, Masan Consumer giới thiệu, tích hợp thành công các nhãn hiệu mới ra thị trường. Ngoài Chinsu, Omachi, Nam Ngư, Tam Thái Tử; các nhãn hiệu Kokomi, Sagami, B’fast, Wake-up và Vinacafe đã tạo ra các nền tảng vững chắc cho công ty trong việc tiến tới khẳng định vị trí số 1 (>51%) về thị phần trong các thị trường tương ứng. Hiện tại, Masan Consumer đang cạnh tranh vị trí số 1 với Vina Acecook.

Ở Masan Consumer, mảng nước chấm dẫn đầu về doanh thu và lợi nhuận. Đứng ngay sau nước chấm là thực phẩm ăn liền (trong đó có mì tôm). Doanh thu từ bộ phận thực phẩm ăn liền mang lại cho Masan Consumer doanh thu 4.041 tỷ đồng và lợi nhuận 1.273 tỷ đồng, cao hơn Miliket 727,35% về doanh thu và cao hơn 4.947,5% về lợi nhuận. Những con số này cho thấy Miliket yếu thế hơn Masan Consumer như thế nào.

Chính vì muốn chạy đua với Vina Acecook nên Masan Consumer đang rất nỗ lực cho năm 2014. 

Masan Consumer cho biết Masan Consumer sẽ: “Tiếp tục tái cấu trúc tổ chức hoạt động của công ty, xây dựng các cơ sở hạ tầng nền tảng đảm bảo năng lực hiện thực hóa các kế hoạch kinh doanh năm 2014 trên tinh thần Masan Consumer Transformation”.

Miliket nhích từng bước

miliket
Năng lực sản xuất của Miliket thấp hơn đối thủ

Trong khi các đối thủ cạnh tranh liên tục đưa ra những con số hoạt động khả quan thì tình hình tại Miliket chưa có nhiều biến động lớn.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 2013 đã được kiểm toán, đa số các chỉ tiêu của Miliket đều tăng rất nhẹ, ngoại trừ lợi nhuận sau thuế. Lợi nhuận sau thuế 2013 chỉ đạt 25,73 tỷ đồng, giảm 5,52 tỷ đồng, tương ứng 17,7%.

Lợi nhuận sau thuế giảm chủ yếu do chi phí thuế thu nhập hiện hành tăng vọt, tăng từ 6,1 tỷ đồng năm ngoái lên 17,68 tỷ đồng năm nay. Nếu chỉ tiêu này không tăng mạnh, chắc chắn 2013 Miliket sẽ có tăng trưởng về lợi nhuận sau thuế.

Ngoài lợi nhuận sau thuế, tất cả các chỉ tiêu khác của Miliket đều được cải thiện nhẹ. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ 2013 đạt 555,58 tỷ đồng, tăng 18,54 tỷ đồng, tương ứng 3,5%. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 151,53 tỷ đồng, tăng 28,71 tỷ đồng, tương ứng 23,38%. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 43,47 tỷ đồng, tăng 6,15 tỷ đồng, tương ứng 16,5%.

Miliket vẫn loay hoay với vấn đề thị phần. Lượng tiêu thụ 2013 dù tăng trưởng so với 2012 nhưng vẫn không đạt kế hoạch đề ra trước đó. Cụ thể, tổng sản lượng 2013 là 17.078 tấn, chỉ hoàn thành 94,5% kế hoạch và tăng 103,2% so với 2012.

Năm 2013, Miliket nhích từng bước. Tới 2014, tình hình chưa hứa hẹn có bước đột phá khi Miliket đặt chỉ tiêu kinh doanh rất khiêm tốn. Miliket cho biết 2014 là năm Miliket “ổn định bền vững về các chỉ tiêu sản lượng, doanh số và lợi nhuận và tập trung đầu tư các thiết bị để giảm chi phí giá thành, đảm bảo lợi nhuận và tỷ lệ chia cổ tức năm 2014”

Theo đó, tổng sản lượng dự kiến là 19.800 tấn, tăng 2.722 tấn, tương ứng 15,9% so với 2013, lợi nhuận dự kiến đạt 43 tỷ đồng. Tuy nhiên, Miliket không xác định rõ đây là lợi nhuận trước thuế hay sau thuế. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 35%, giảm 1% so với thực chi năm 2013. Trước đó, tỷ lệ cổ tức dự kiến 2013 cũng là 35%.

Lương sếp thấp hơn osin

Mặc dù so với đối thủ cạnh tranh, Miliket đang tiến lên chậm chạp hơn nhưng Miliket vẫn khá hài lòng với những gì công ty đạt được khi khẳng định: “Từ sau khi cổ phần đến nay, tình hình hoạt động sản xuất của công ty ngày một phát triển và bền vững, đặc biệt chỉ tiêu lợi nhuận. Từ đó tỷ lệ chia cổ phần của doanh nghiệp cũng đạt khá cao”.

Tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt cao là điểm tốt nhưng nó cũng thể hiện một điểm yếu chính là khả năng kiểm soát dòng tiền không được tốt của Miliket. 

Trong khi nhiều doanh nghiệp đau đầu vì thiếu vốn mà không vay được ngân hàng thì Miliket dư dả tiền không biết làm gì. 

So 2012, trong năm 2013, Miliket thậm chí quản lý dòng tiền kém. Tính tới ngày 31/3/2013, tiền mặt tồn quỹ và các khoản tiền tương đương của Miliket là 83,1 tỷ đồng, chiếm 52,1%. Tỷ lệ này năm 2012 là 32,12%.

Đây là một trong những điểm yếu mà Miliket chưa khắc phục được. Tuy nhiên, bên cạnh điểm yếu, năm 2013, Miliket đã có nhiều tiến bộ. 

Ông Nguyễn Văn Út, Tổng giám đốc Miliket cho biết: “Trong năm 2013, Hội đồng quản trị đánh giá cao nỗ lực của ban điều hành và toàn thể cán bộ nhân viên công ty trong việc thực hiện sản xuất kinh doanh mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng sản lượng và doanh số có tăng trưởng và đặc biệt thực hiện tốt về kế hoạch lợi nhuận”.

Công ty kiểm soát chặt định mức sản xuất, đảm bảo thu hồi thành phẩm, đảm bảo giảm tiêu hao nguyên vật liệu. Kết quả là sản lượng tăng nhưng giá vốn hàng bán lại giảm. Giá vốn hàng bán đạt 404,14 tỷ đồng, giảm 10,08 tỷ đồng, tương ứng 2,4%. Điều này góp phần không nhỏ giúp lợi nhuận thuần tăng trưởng.

Bên cạnh đó, công ty đã mạnh dạn chi tiền cho máy móc và quảng cáo. Tổng kế hoạch đầu tư năm 2014 được Miliket đặt ra là 16,42 tỷ đồng. Nguồn đầu tư được trích từ quỹ đầu tư phát triển nếu thiếu lấy từ vốn kinh doanh của Công ty. Năm 2013, khoản này chỉ là 6,1 tỷ đồng. Một trong những khoản đầu tư đáng lưu ý là Miliket đẩy mạnh quảng cáo. 

Không chỉ cải thiện hoạt động sản xuất, Miliket còn nhận được sự đóng góp lớn từ ban lãnh đạo. Các sếp trong Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát chỉ nhận mức lương vô cùng khiêm tốn, không bằng thu nhập của người giúp việc.

Cụ thể, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Thành viên Hội đồng quản trị và Trưởng Ban Kiểm soát nhận lương 5 triệu/tháng – không bằng mức lương phổ biến của osin cho gia đình ngoại quốc. Thành viên ban kiểm soát nhận lương 3 triệu đồng/tháng, không bằng thu nhập bình quân của osin. Năm 2014 mức lương này dự kiến được giữ nguyên.

Theo VTC News

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích