Ứng viên thì không ít, nhưng hầu hết vẫn đang trên đường tìm kiếm cơ hội thành công.
Gần 2 năm sau sự kiện IPO đình đám của Facebook, giới công nghệ toàn cầu lại được dịp xôn xao trước quyết định IPO tại Mỹ của công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc Alibaba. Thị trường thương mại điện tử Trung Quốc đang vượt qua cả Mỹ, và người khổng lồ đang thống trị nơi đây là Alibaba.
Năm 2012, hai cổng thương mại điện tử lớn nhất của Alibaba là Taobao.com và Tmall.com đã thực hiện khối lượng giao dịch trị giá 170 tỉ USD, lớn hơn cả eBay và Amazon (hai công ty thương mại điện tử nổi tiếng của Mỹ) cộng lại. Không chỉ vậy, đợt IPO sắp tới của Alibaba còn được đặc biệt chú ý vì các chuyên gia ước tính giá trị vốn hóa thị trường của công ty này có thể đạt hơn 120 tỉ USD, vượt qua cả sự kiện IPO đình đám nhất lịch sử ngành công nghệ của Facebook.
Ra đời từ năm 1999, chỉ trong vòng 15 năm, Alibaba đã phát triển mạnh mẽ từ một công ty khởi nghiệp công nghệ với 18 người trở thành một đế chế thương mại điện tử 24.000 nhân viên, cung cấp hàng loạt sản phẩm từ B2B, B2C, C2C cho đến cổng thanh toán và dịch vụ tìm kiếm trực tuyến. Sự kiện IPO sắp tới của Alibaba cũng sẽ biến hàng loạt nhân viên của công ty công nghệ này trở thành triệu phú USD.
Dù khó so sánh với với Alibaba, nhưng có lẽ nhiều người sẽ đặt câu hỏi đến khi nào Việt Nam mới có được một công ty khởi nghiệp công nghệ tầm cỡ thế giới, nhất là khi công nghệ thông tin từ lâu đã được chọn là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Thuyền nhỏ, sóng lại lớn
“Sẽ rất khó, hoặc phải mất rất lâu để một công ty công nghệ của Việt Nam có thể đạt đến tầm như vậy. Tuy Việt Nam nằm trong danh sách 20 thị trường internet hàng đầu thế giới, nhưng vẫn là nằm ở phía cuối bảng xếp hạng này. Trung Quốc là một thị trường rộng lớn, các công ty công nghệ nước này đã có sẵn một nền tảng tốt để khai thác, sau đó vươn ra thế giới.
Ông Lê Hồng Minh, nhà sáng lập VNG, công ty khởi nghiệp công nghệ được đánh giá là thành công nhất Việt Nam cho đến nay.
|
Còn Việt Nam, quy mô thị trường khá hạn hẹp, không đủ làm bàn đạp để vươn ra thế giới. Ở những thị trường như Việt Nam, tốt nhất là tập trung khai thác những cơ hội tại chỗ”, Bryan Pelz, chuyên gia khởi nghiệp công nghệ người Mỹ được Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Mạo hiểm IDGVV Nguyễn Bảo Hoàng mời về cộng tác với Lê Hồng Minh sáng lập VNG, nhận định.
Tròn một thập kỷ kể từ khi VNG ra đời, môi trường khởi nghiệp cũng đã có những biến chuyển tích cực. Nếu như trước kia chỉ có mỗi IDGVV thì bây giờ đã xuất hiện hàng chục quỹ đầu tư lớn nhỏ. Từ các quỹ mạo hiểm vốn ngoại như Sumitomo, CyberAgent Ventures (Nhật) đến các quỹ trong nước như DFJ VinaCapital, BTIC hay PVNi…, tất cả đều tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các công ty khởi nghiệp có khả năng thành công trong tương lai.
Tuy vậy, bất chấp môi trường khởi nghiệp ngày càng được cải thiện, số lượng các công ty khởi nghiệp thất bại vẫn đáng kể.
Định hướng sản phẩm sai lầm cùng với khả năng thu hút nhân lực kém cỏi được người trong nghề nhận định là hai nguyên nhân lớn nhất thường khiến cho công ty khởi nghiệp thất bại. Đây cũng là hai lý do được Bryan Pelz nhấn mạnh khi nói về giai đoạn khởi nghiệp thành công của VNG.
Ông Đỗ Hoài Nam, đồng sáng lập Emotiv.com, công ty thương mại hóa thiết bị đọc sóng não Epoc.
|
Còn đối với Đỗ Hoài Nam, nhà khởi nghiệp thành công tại Mỹ và từng khiến giới công nghệ thế giới kinh ngạc với thiết bị đọc sóng não Epoc, thì nguyên nhân khiến cho phần lớn các công ty khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam thất bại là người sáng lập thường thiếu kiến thức chuyên sâu về thị trường mà họ muốn khai thác.
“Khi mà công nghệ đã trà trộn vào mọi ngõ ngách cuộc sống, ý tưởng chỉ là bước thứ 10, hoặc cùng lắm là thứ 9, dẫn đến thành công. Bước đầu tiên và quan trọng giúp các nhà sáng lập thành công là kiến thức chuyên sâu ở lĩnh vực họ tham gia. Được tiếp xúc nhiều với cộng đồng khởi nghiệp trong nước, tôi nhận thấy chúng ta vẫn còn thiếu điều này. Những công ty khởi nghiệp đáng chú ý của Việt Nam phần lớn đều có kiến thức rất sâu và vững ở thị trường và mô hình kinh doanh của mình”, Đỗ Hoài Nam nhận xét.
Có thể nói, những lý do nội tại có thể khiến cho công ty khởi nghiệp thất bại như khả năng định hướng sản phẩm, thu hút nhân tài hay kiến thức chuyên môn đều có thể được khắc phục. Tuy nhiên, theo Bryan Pelz, vẫn tồn tại những nguyên nhân khách quan đang kìm hãm sự phát triển của nhiều công ty khởi nghiệp tiềm năng tại Việt Nam.
Ông Bryan Perlz, đồng sáng lập VNG
|
“Sau trò chơi trực tuyến, thương mại điện tử là tương lai của ngành internet Việt Nam. Nhưng tôi vẫn chưa nhìn thấy công ty khởi nghiệp làm thương mại điện tử nào của các bạn đạt được thành công thực sự. Lý do đầu tiên là thị trường quảng cáo trực tuyến, luôn song hành với thương mại điện tử, đang phát triển quá chậm. Đáng lẽ thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam phải đạt được mức độ phát triển như hiện nay từ 6-7 năm về trước”, Bryan Pelz nhận định.
Giai đoạn 2003-2004, Việt Nam bắt đầu được tiếp cận với hình thức quảng cáo trực tuyến, bằng những banner quảng cáo đầu tiên xuất hiện trên các trang mạng tiếng Việt. Tuy nhiên, suốt từ đó đến nay, khi mà ngành quảng cáo thế giới đã chuyển hướng tập trung chủ yếu vào môi trường trực tuyến thì phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn sử dụng quảng cáo, tiếp thị qua kênh truyền thống là ti vi và báo giấy.
Theo hãng nghiên cứu iTracker, ngân sách dành cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam năm 2013 tương đương khoảng 51 triệu USD (1.000 tỉ đồng). Trong khi đó, theo Kantar Media, công ty chuyên nghiên cứu về thị trường truyền thông quảng cáo Việt Nam thì 6 tháng đầu năm 2013 tổng doanh thu quảng cáo khoảng 500 triệu USD (10.943 tỉ đồng), trong đó riêng quảng cáo truyền hình đã chiếm 92%.
Khả năng thanh toán khi mua hàng trực tuyến cũng là một vấn đề. Thay vì thẻ tín dụng, thanh toán qua SMS vẫn tiện hơn tiền mặt nhưng lý do vì sao hình thức này ít được áp dụng ở Việt Nam? “Bởi vì các nhà mạng đang chia phần quá nhiều”, Bryan nói.
Đúng như nhận định của Bryan, các công ty thương mại điện tử tại Việt Nam đều sử dụng 5 hình thức thanh toán, bao gồm thanh toán qua công ty viễn thông (SMS), qua các hệ thống ngân hàng, cổng thanh toán trực tuyến, ví điện tử và tiền mặt trực tiếp. Mỗi hình thức đều có ưu khuyết khác nhau, tuy nhiên thanh toán qua SMS và tiền mặt là hình thức phổ biến và dễ dàng nhất đối với người dùng Việt Nam. SMS còn ưu việt hơn vì thuận tiện cho đôi bên lại không phải dùng tiền mặt. Nhưng ở Việt Nam, mức phí 40-60% giá trị mỗi giao dịch doanh nghiệp phải trả cho nhà mạng là quá phi lý, đó là chưa kể nhà mạng còn “giam” tiền thanh toán cho doanh nghiệp đến 4-5 tháng.
Số liệu năm 2013 của Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin Việt Nam (VECITA) cũng phản ánh điều tương tự. Cụ thể, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam mới chạm ngưỡng 700 triệu USD vào cuối năm 2012. Trong đó, chỉ có 11,8% khối lượng giao dịch được thực hiện thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Không chỉ gặp phải cản trở khách quan, các công ty khởi nghiệp làm thương mại điện tử của Việt Nam còn phải cạnh tranh với các đối thủ ngoại quốc có sẵn vốn và kinh nghiệm, trong số đó phải kể đến Rocket Internet. Tại Việt Nam, hãng này đang vận hành những mô hình bán lẻ trực tuyến như Lazada, Zalora và chấp nhận chi đậm cho quảng cáo trực tuyến (gần 10.000 USD/tuần) để giành thị phần.
Đại gia thương mại điện tử của Đức này đã bành trướng sang hơn 50 quốc gia và đang phát triển với tốc độ tên lửa ở khu vực Đông Nam Á. Đầu tháng 12.2013, công ty này vừa gọi vốn thành công thêm 120 triệu USD đầu tư cho 2 trang bán lẻ thời trang là Zalora (có mặt tại Việt Nam với phiên bản Zalora.vn) và Iconic (ở Úc), thì chỉ một tuần sau đó họ lại tiếp tục công bố tăng thêm 250 triệu USD vốn đầu tư cho Lazada.
Trong khi đó, các công ty khởi nghiệp làm thương mại điện tử đáng chú ý của Việt Nam chỉ nhận được những khoản đầu tư không thấm vào đâu so với khối ngoại. Tiki.vn, một công ty khởi nghiệp làm thương mại điện tử khá nổi bật trong 2 năm trở lại đây, cũng vừa được rót vốn từ quỹ Sumitomo của Nhật. Tuy không tiết lộ giá trị thương vụ, nhưng theo các chuyên gia thì cũng chỉ 1-2 triệu USD là tối đa.
Bài học từ VNG
Nếu như ở Trung Quốc có Alibaba thì khi nhắc đến lĩnh vực internet tại Việt Nam người ta sẽ nhớ ngay đến VNG. Được sáng lập bởi Lê Hồng Minh và cộng sự vào năm 2004, sau gần 10 năm phát triển, VNG đã góp phần không nhỏ trong việc nâng mức độ đóng góp của internet vào GDP Việt Nam từ số không lên mức 0,9% (hơn 1,2 tỉ USD), theo thống kê của hãng tư vấn Mc Kinsey (Mỹ).
Vượt mốc doanh thu 100 triệu USD vào năm 2012, VNG hiện đã bước qua giai đoạn khởi nghiệp để trở thành một trong những công ty công nghệ lớn nhất Việt Nam.
“Có 2 yếu tố chính khiến cho một công ty non trẻ như VNG thành công, đó là sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường và đội ngũ được lắp ghép hoàn hảo cho việc khởi nghiệp. Thú vị thay, đây lại là 2 nguyên nhân chủ yếu khiến cho hầu hết các công ty khởi nghiệp ngày nay thất bại, dù được họ hưởng nhiều ưu đãi hơn những người đi trước”, Bryan Pelz chia sẻ.
Đầu những năm 2000, các công ty, tập đoàn lớn hoạt động trong ngành công nghệ như VNPT, FPT, Viettel hay VTC đều là những doanh nghiệp nhà nước có tiềm lực và vị thế, nhưng đều chưa nhìn thấy được nhu cầu của thị trường về một sản phẩm giải trí trên nền internet.
Phải đợi mãi đến khi VNG xuất hiện và đạt được những thành công ở mảng trò chơi trực tuyến thì giới công nghệ Việt Nam mới bắt đầu có cái nhìn xác thực hơn về tiềm năng kinh tế mà internet có thể mang lại.
Ông Nguyễn Bảo Hoàng, Tổng giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm IDGVV
|
“Tôi xuất thân là dân kỹ thuật và đã có kinh nghiệm phát triển công ty khởi nghiệp internet ở những thị trường khác nhau trên thế giới, còn Minh lại từng làm việc trong ngành tài chính, hiểu mô hình kinh doanh và là một người rất thông minh. Đặc biệt, chúng tôi hợp nhau ở một điểm: cả hai đều rất nhiệt huyết với trò chơi trực tuyến và internet nên đã cộng tác rất tốt”, Bryan Pelz kể lại.
Nhìn lại các công ty công nghệ lớn trên thế giới, công thức thành công có vẻ như là khởi nghiệp với hai nhà đồng sáng lập sở hữu những khả năng chuyên sâu ở những lĩnh vực khác nhau. Ví dụ như Hewlett và Packard (HP), Jobs và Wozniak (Apple), Gates và Allen (Microsoft), Ellison và Miner (Oracle), Larry và Sergey (Google), hay Thiel và Levchin (PayPal)…
Đi tìm tương lai mới
“Khác với thời VNG khởi nghiệp, sự lên ngôi của những nền tảng di động có độ bao phủ khắp toàn cầu như iOS hay Android đang mở ra cơ hội rất lớn cho các công ty khởi nghiệp. Thậm chí, một lập trình viên độc lập cũng có thể ngồi tại nhà tạo ra những sản phẩm tốt, tung ra thị trường và kiếm doanh thu từ khắp nơi trên thế giới. Đây là một hướng đi mà các công ty khởi nghiệp nên tập trung đầu tư vì khoảng cách công nghệ so với thế giới là không quá xa, cùng lắm chỉ khoảng 1-2 năm”, Vương Quang Khải, Phó Tổng Giám đốc VNG chia sẻ.
Trước Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông, có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ sự kiện tập đoàn Yahoo! chấp nhận chi 30 triệu USD để mua lại ứng dụng đọc tin Summly của cậu bé Nick D’aloisio 17 tuổi, hay quyết định thâu tóm ứng dụng nhắn tin WhatsApp với số tiền lên đến 19 tỉ USD được Facebook thực hiện đầu năm nay. Summly hay WhatsApp đều là những ứng dụng dành cho di động được phát triển bởi những cá nhân ham thích công nghệ và mong muốn biến niềm đam mê đó thành một sự nghiệp, giống như phần lớn những nhà khởi nghiệp công nghệ trẻ của Việt Nam.
Có thể, Việt Nam sẽ chẳng bao giờ có được một công ty khởi nghiệp công nghệ hoành tráng như Alibaba của Trung Quốc. Có thể, các công ty khởi nghiệp làm thương mại điện tử của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn ngay trên sân nhà trước các đối thủ ngoại. Nhưng ở thời đại công nghệ di động mang tính toàn cầu, rõ ràng mảng ứng dụng di động hoàn toàn có thể được các công ty khởi nghiệp mới của Việt Nam nhắm đến để phát triển nhanh chóng mà không gặp quá nhiều bất lợi.
Trong khi đó, ngành thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục tạo được sức hút rất lớn đối với không chỉ các công ty khởi nghiệp. Tập đoàn bất động sản và bán lẻ Vingroup đã công bố thành lập công ty VinE-Com có vốn điều lệ 1.050 tỉ đồng để tham gia thị trường thương mại điện tử. Cuộc chiến thương mại điện tử tại Việt Nam sắp tới có thể sẽ cân sức hơn giữa các ông lớn trong và ngoài nước.
“Việt Nam rồi cũng sẽ có những công ty khởi nghiệp công nghệ vươn đến tầm cỡ như VNG, nhưng chưa phải là bây giờ và càng không phải trong những lĩnh vực như trò chơi trực tuyến. Các công ty khởi nghiệp sẽ tìm thấy cơ hội mới ở các mảng di động, truyền thông và thương mại điện tử. Tôi sẽ chẳng bất ngờ nếu như 5 năm tới, con người sẽ thu nhận thông tin chính từ các kênh trực tuyến. Khi đó, hàng tỉ USD tiền quảng cáo cũng sẽ theo sau. Đó là cơ hội lớn cho tất cả mọi người”, Bryan Pelz dự báo.