Nghị định 24/CP tạo sự độc quyền cho các đại lý
Từ sau khi Nghị định 24 ra đời, vàng miếng SJC trở thành thương hiệu độc quyền trên thị trường do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sản xuất.
Cũng theo Nghị định, từ ngày 10/1/2013, mạng lưới kinh doanh vàng miếng trên cả nước bị siết lại từ hơn 8.000 doanh nghiệp (DN) xuống chỉ còn trên 2.500 điểm giao dịch của các ngân hàng thương mại và DN được phép. Sau gần 2 tháng triển khai, giá vàng SJC có xu hướng hạ nhiệt, tính tới thời điểm sáng 1/3, giá vàng trong nước đã “đổ đèo”, lùi sâu về mức 43 triệu đồng/lượng.
Các nỗ lực can thiệp của Ngân hàng Nhà nước đang cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc đưa giá vàng trong nước về sát thế giới. Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới chỉ còn 2,4 triệu đồng/lượng, trong khi trước đó, vào gần cuối tháng 2/2013, giá vàng “nội” vênh gần 5 triệu đồng so với giá vàng “ngoại”.
Chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Kiến Thành. |
Tín hiệu bước đầu cho thấy có phần khả quan, tuy nhiên, trên thị trường, một số DN vàng bị cấm kinh doanh đã phản ứng lại bằng cách lùi về hoạt động ngầm, bán chui vàng miếng.
Trong khi đó, trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng: Nghị định 24 này của Chính phủ đã tạo điều kiện cho giới đầu cơ làm ăn với nhau.
Không có cớ gì để tiếp tục kinh doanh vàng miếng!
Các chuyên gia kinh tế đã phân tích rằng: Người dân đi mua vàng và găm giữ là do tâm lý bất ổn. Nếu kinh tế phát triển, ổn định, doanh nghiệp ăn nên làm ra, quản lý của các cơ quan chức năng về thị trường tốt thì người dân sẽ chọn kênh đầu tư khác chứ không phải là vàng.
Ông Thành cho rằng, Việt Nam nên cấm hoàn toàn việc kinh doanh vàng miếng. Nguyên nhân là do nếu để vàng miếng lưu thông trên thị trường thì chúng ta phải dùng một lượng ngoại tệ rất lớn của nền kinh tế, vì được chế tác, dập từ vàng thỏi nhập khẩu để cung cấp cho thị trường.
“Hàng năm, chúng ta xuất khẩu được 1–2 tỷ USD gạo, trong khi đó, lại bỏ ra hơn tỷ USD để mua vàng về, đem về lợi ích cho ai trong số 90 triệu dân của Việt Nam? Chắc chắn không phải anh nông dân hay chị nông dân mua vàng, bởi họ chỉ mua 1–2 chỉ để đeo trang sức, chứ vàng miếng, nông dân không cần, thậm chí, trong hoàn cảnh này, không phải đại gia nào cũng có thể mua vàng…” – TS.Thành nói.
Vậy tự hỏi ai là người thường xuyên mua vàng miếng trên đất nước Việt Nam này? – Câu trả lời: Phần lớn là người đầu cơ, hôm nay mua vào giá thấp để ngày mai bán giá cao, mục đích là đầu cơ chứ không phải nhu cầu thực sự về kinh tế.
Vì vậy, theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, trong khi chính sách của Việt Nam ngăn cấm phát triển đầu cơ, việc tiếp tục kinh doanh vàng miếng đang đi ngược lại với lợi ích và chính sách quốc gia.
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng: Việt Nam nên chấm dứt kinh doanh vàng miếng! |
“Tôi nghĩ: Nhà nước đừng cho kinh doanh vàng miếng nữa. Người dân muốn bán vàng thì sẽ bán cho Ngân hàng Nhà nước hoặc một tổ chức/ngân hàng nào đó, để rồi sau đó, tổ chức này sẽ nộp lại cho Ngân hàng Nhà nước, chứ chuyện đi bán, đầu cơ tích trữ là không nên” – TS.Thành lưu ý.
Biện pháp này sẽ không gây khó khăn cho người dân trong vấn đề huy động tiền trở lại, cũng như cấm cản tuyệt đối việc mua đi, bán lại vàng miếng trên thị trường.
Sau một thời gian, vàng trong dân sẽ trở lại Ngân hàng nhà nước - Đây là một cách tốt nhất để huy động số vàng của dân về, từ đó, nhân dân có tiền, khuyến khích nhân dân hoạt động với vốn của mình, không khuyến khích nhân dân mua vàng tích trữ.
Bên cạnh đó, theo TS.Thành, nhà nước cũng cần tạo điều kiện để nhân dân hoạt động kinh tế có hiệu quả. Bởi lẽ, người dân từ trước tới nay mua vàng vì sợ đồng tiền mất giá. Người dân đi mua vàng là tìm nơi trú ẩn để bảo vệ tài sản. Hay nói cách khác, người dân không tin tưởng nền kinh tế, không tin tưởng giá trị của đồng tiền phát triển ổn định.
Chính vì vậy, “Nhà nước phải tổ chức môi trường đầu tư, hoạt động kinh tế như thế nào cho phù hợp để người dân không phải lo lắng, không đầu cơ vàng để hoạt động kinh tế hiệu quả” – TS.Thành cho biết.
Theo Giáo Dục