Cập rập chuyện thu phí
Gần 2 tháng sau ngày NH Nhà nước ban hành Thông tư 35 quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa (28/12/2012) và vẻn vẹn 1 ngày trước khi quy định này chính thức có hiệu lực thi hành (1/3/2013), con số được ông Bùi Quang Tiên - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN - công bố sáng ngày 27/2 cho thấy, mới có 34 trên tổng số 50 ngân hàng (NH) báo cáo các biểu phí dịch vụ thẻ dự kiến thu.
Dù rằng sau văn bản đầu tiên phát đi hôm 30/1, trong đó yêu cầu các NH phải công bố công khai và báo cáo về NHNN biểu phí dịch vụ thẻ trước ngày 20/2, cơ quan NH trung ương đến ngày 25/2 lần thứ hai có văn bản đốc thúc các NH sớm báo cáo biểu phí với cái hẹn mới: Trước ngày 28/2.
Sẽ có một tỉ lệ nhỏ các NH bắt đầu tiến hành thu phí giao dịch ATM nội mạng kể từ ngày hôm nay (1/3). |
Dường như một quyết định quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn tới hàng chục triệu người dân - khách hàng vốn đang sở hữu hơn 50 triệu trẻ ghi nợ nội địa lại nhận được sự hưởng ứng và thái độ cộng tác “kém lửa” của không ít các NH.
Có ý kiến cho rằng, sự chậm trễ của không ít NH khi mà thời hạn thực hiện của một quy định với yêu cầu rất cao về tính công khai, minh bạch chỉ còn tính bằng một, hai ngày tạo cảm giác rằng, quá trình chuẩn bị và thực hiện quá cập rập, gấp gáp. Chưa kể, người dân - khách hàng có quyền được biết trước rằng, kể từ ngày hôm nay (1/3), họ sẽ phải mất chính xác bao nhiêu tiền cho mỗi lần rút tiền hay giao dịch trên hệ thống ATM, rất đông các chủ thẻ vốn là công nhân đang lao động trong các KCN, KCX.
Sòng phẳng
Dù không công bố tên tuổi cụ thể của các NH song theo thông báo của lãnh đạo Vụ Thanh toán NHNN sáng ngày 27/2, sẽ có 2 NH dự kiến thu 200-500 đồng cho một giao dịch rút tiền nội mạng và 10 đơn vị dự kiến mức thu 1.000 đồng/giao dịch, theo đúng trần giá cho phép của NHNN áp dụng trong năm nay. Số đông còn lại trong số 34 NH gửi báo cáo lên NHNN quyết định tiếp tục miễn phí rút tiền nội mạng, thậm chí liên mạng nhằm hỗ trợ, khuyến khích khách hàng sử dụng thẻ.
Quyết định của các NH về việc thu, không thu và thu với mức phí khác nhau, theo giải thích của ông Nguyễn Văn Tuân - Chủ tịch Hội thẻ NH VN - là do các NH căn cứ vào hiệu quả hoạt động, tình hình kinh doanh dịch vụ thẻ của từng ngân hàng. Các mức phí cụ thể cũng được tính toán tùy theo năng lực tài chính và chiến lược phát triển dịch vụ thẻ của mỗi ngân hàng.
“Song chúng tôi tính toán, chi phí trung bình NH bỏ ra cho một giao dịch ATM hiện lên đến 7.000-9.000 đồng. Có nghĩa, nếu thu tối đa tới 1.000 đồng cho một giao dịch rút tiền, chúng tôi vẫn lỗ 6.000-8.000 đồng”.
Người đứng đầu Hội thẻ Ngân hàng cũng nhìn nhận rằng, không nên đặt ra mệnh đề thu phí đồng nghĩa chất lượng giao dịch ATM phải tăng lên. “Dù có thu phí hay không, chúng tôi vẫn phải đảm bảo chất lượng dịch vụ ATM, bởi đây là câu chuyện cạnh tranh giữa các NH với nhau. Chất lượng chỉ cần suy giảm một chút, khách hàng sẽ chạy sang ngân hàng khác ngay” - ông Nguyễn Văn Tuân nói.
Dẫu vậy, dù việc cho phép thu phí được nhìn nhận sẽ tạo động lực cho các ngân hàng tiếp tục đầu tư vào hoạt động thẻ và mức phí tùy thuộc vào từng NH, vẫn còn một số điểm gợn liên quan đến số tiền tối đa khách hàng được rút mỗi lần và mức phí cụ thể.
Có một thực tế rằng, các NHTM hiện quy định rất khác nhau và không thống nhất về số tiền tối đa được rút, nơi 2 triệu đồng, nơi đến 5 triệu đồng. Ngay tại một số NHTM quy mô lớn nhất nhì hệ thống, mức rút tối đa tới 5 triệu đồng có thực hiện được hay không còn tùy thuộc vào mệnh giá loại tiền đang còn trong ATM. Một chủ thẻ sở hữu nhiều thẻ ghi nợ của các NH khác nhau cho rằng, có sòng phẳng không nếu rút 2 triệu cũng mất 1.000 đồng và rút 5 triệu đồng cũng mất ngần ấy?
Có thể chỉ vì một vài điểm gợn nhỏ, một quy định với tầm ảnh hưởng lớn sẽ mất đi nhiều sự ủng hộ.
Không thể chắc chắn 100% ATM không trục trặc. Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) – ông Bùi Quang Tiên đưa ra ý kiến trên trước các thắc mắc về việc NH thu phí nhưng chất lượng dịch vụ ATM không đảm bảo. Người đứng đầu Vụ Thanh toán cho hay, cùng với quy định về thu phí, NHNN cũng có văn bản (thông tư 36) quy định về trang bị, quản lý, vận hành và bảo đảm an toàn hoạt động của ATM với các quy định khá cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với ATM. Đồng thời yêu cầu các chi nhánh NHNN tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các NHTM. Ông Bùi Quang Tiên hy vọng, sau ngày 1/3, chất lượng dịch vụ ATM sẽ được nâng lên và hạn chế tối đa những tình huống không an toàn khi rút tiền ATM. “Song để khẳng định sẽ không còn hiện tượng xếp hàng chờ rút tiền hoặc ATM bị trục trặc thì không ai dám chắc chắn 100%” - ông Bùi Quang Tiên nói. Theo biểu phí và hạn mức giao dịch thẻ ghi nợ nội địa vừa được BaoVietBank công bố, NH này sẽ tiếp tục duy trì chính sách miễn phí rút tiền tại hệ thống ATM của tất cả các NH trên toàn quốc. Điều này sẽ giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, chi phí khi có thể rút tiền tại bất kỳ ATM nào thay vì phải xếp hàng chờ đợi hoặc tìm đúng cây ATM của chính BaoVietBank. Bên cạnh đó, hạn mức rút tiền cũng được nâng lên ở mức 3 triệu đồng/giao dịch đối với thẻ BVLink hạng chuẩn, 5 triệu đồng đối với thẻ BVLink hạng vàng và 15 triệu đồng đối với thẻ BVIP. Theo đó, chính sách phí giao dịch ATM nội mạng và liên mạng của TienPhong Bank từ ngày 1/3 không thay đổi so với trước đây. TienPhong Bank vẫn tiếp tục miễn phí giao dịch ATM nội mạng và liên mạng cho chủ thẻ của NH. Theo lãnh đạo NH, việc thu phí nội mạng không khó khăn song NH vẫn tiếp tục miễn phí giao dịch ATM nội và liên mạng với mục tiêu khuyến khích, mở rộng cơ sở khách hàng sử dụng thẻ. Từ đó cung cấp các dịch vụ GTGT trên chính tài khoản của khách hàng như thanh toán hóa đơn, nạp tiền, chuyển khoản, mua hàng trực tuyến, mua vé máy bay... Ngày 28/2, NH Đông Á cho biết, sẽ tiếp tục không thu phí ATM nội mạng từ 1/3, đồng thời sẽ nỗ lực hoàn thiện sản phẩm và dịch vụ nhằm duy trì chất lượng dịch vụ tài chính tốt nhất.Đây là quan điểm kiên trì và xuyên suốt nhiều năm qua của NH. Ông Trần Phương Bình, TGĐ DongA Bank cho biết: DongA Bank có số lượng thẻ phát hành lên đến 6 triệu, nếu thu phí sẽ có thêm một nguồn doanh thu không nhỏ. Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế khó khăn, mọi người đều phải “thắt lưng buộc bụng”, nhất là đối với nông dân, công nhân nghèo, thì 1.000 đồng cũng có giá trị. Bên cạnh đó, NH cũng đang khuyến khích người dân tiếp cận với những tiện ích hiện đại, vì vậy, dù ủng hộ chủ trương thu phí giao dịch ATM nội mạng, DongA Bank vẫn tạm thời chưa thu. NHTMCP Sài Gòn (SCB) cũng cho biết sẽ tiếp tục miễn phí rút tiền nội mạng và ngoại mạng qua máy ATM. Cụ thể, SCB miễn phí rút tiền mặt đối với chủ thẻ SCB thực hiện giao dịch rút tiền tại ATM của SCB và NH liên minh. Ngoài ra, SCB còn miễn nhiều loại phí khác như: Phí chuyển khoản (nội mạng), phí phát hành thẻ, phí thường niên... SCB cũng miễn phí cung cấp dịch vụ truy vấn số dư qua kênh Internet Banking. |
Theo Lao Động