Doanh nghiệp hạn chế vay
Dư nợ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng đến ngày 19/2 giảm 0,16% so với cuối năm 2012. Trong khi đó mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 12% trong năm nay. Theo ông tín dụng âm là mang tính chu kỳ hay là do doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận nguồn vốn?
Tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào 2 yếu tố. Đầu tiên là lãi suất và tiếp đến là khả năng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Hiện nay các ngân hàng cũng bắt đầu giảm lãi suất nhưng giảm trong ngắn hạn. Hơn nữa ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay cá nhân hơn so với cho vay doanh nghiệp vì dư địa vay vốn của các doanh nghiệp đầy rồi.
Năm 2013 được dự báo là năm còn nhiều khó khăn. Do đó công việc của doanh nghiệp là phải thực hiện tái cấu trúc đạt hiệu quả.
Lãi suất huy động xuống 8%/năm là hết cửa giảm nữa rồi. Như vậy, lãi suất cho vay của các ngân hàng kéo xuống sẽ ở mức khoảng 11-12%. Mức lãi suất này so với 2007 trở về trước thì doanh nghiệp vẫn hoạt động được nhưng bức tranh kinh tế hiện nay lại đang gặp khó về việc tiêu thụ sản phẩm nên doanh nghiệp sẽ hạn chế vay vốn.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng Trường Đại học Mở TP.HCM. |
Thực ra, để đạt được mức tăng trưởng tín dụng như chỉ tiêu thì còn phụ thuộc lớn vào thị trường bất động sản, vào kế hoạch, chiến lược giải quyết nợ xấu thị trường này.
Chính phủ vừa phê duyệt đề án tái cấu trúc nền kinh tế. Doanh nghiệp có thể hy vọng gì vào đề án này. Liệu có phải là động lực để mọi vấn đề, ách tắc sớm được giải quyết hanh thông?
Trong đề án tái cấu trúc hiện nay thì doanh nghiệp không phải là đối tượng, mà tái cấu trúc là nhằm ổn định vĩ mô trong đó có đầu tư công. Phải thực hiện đầu tư công thế nào và tiến trình giải ngân đầu tư công để tạo kích cầu cho nền kinh tế.
Thứ hai là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Quá trình này còn lâu dài, làm sao cố gắng xử lý nợ xấu và đưa lãi suất cho vay về khoản 10-12%. Đối với doanh nghiệp vấn đề đầu tiên là lãi suất, tiếp đến là hiệu quả đầu tư công.
Nếu không thì sẽ lặp lại vòng luẩn quẩn đầu tư không hiệu quả và dẫn đến lạm phát. Mục tiêu hiện nay là phải kích thích nền kinh tế, tăng tổng cầu thì doanh nghiệp mới có thể mở rộng sản xuất kinh doanh.
Bất động sản: 3 bên
Kết quả kinh doanh 2012 của các ngân hàng sụt giảm mạnh do nợ xấu tăng cao, trích lập dự phòng nhiều. Ông đánh giá như thế nào về tình hình nợ xấu hiện nay của các ngân hàng Việt Nam?
Nợ xấu của ngân hàng Việt Nam là một bài toán khó. Chính phủ chủ trương giải quyết nợ xấu bắt đầu từ thị trường bất động sản.
Theo tôi việc triển khai sẽ còn mất nhiều thời gian và kéo dài. Bước đầu phải phân định được nợ xấu một cách rõ ràng và xác định xem dự án nào, dư nợ nào nằm trong gói hỗ trợ Nhà nước để được giải ngân và tìm cách thu hồi vốn.
Giải quyết nợ xấu bất động sản cần sự hợp tác của 3 bên, là công ty mua bán nợ, ngân hàng và doanh nghiệp để kích thích tiêu thụ bất động sản với giá hợp lý.
Ngân hàng phải chịu thiệt, doanh nghiệp cũng phải chịu thiệt thì mới bán được sản phẩm. Ngoài ra, nợ xấu nằm trong các ngành sản xuất khác cũng cần phải có lộ trình mới giải quyết được.
NHNN vừa tuyên bố sẽ rót 20.000 tỷ đồng cho vay mua bất động sản. Theo ông điều này có ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát?
Nếu 20.000 tỷ đồng đó thực sự gắn với thị trường bất động sản, với vấn đề tiêu thụ thì hoàn toàn không có vấn đề gì vì sau đó doanh nghiệp, ngân hàng sẽ thu hồi nợ. Bơm ra số tiền như vậy nói thì đơn giản nhưng bơm như thế nào, vào dự án nào thì còn phải bàn bạc.
Việc giải quyết hàng tồn kho thông qua tài trợ cho người dân vay nhà thực tế sẽ chậm chứ không nhanh được. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thông điệp đưa ra còn quá trình thực hiện đến hiện tại vẫn chưa thấy rõ đường nét cụ thể.
Tỷ giá, vàng - ứng xử thế nào?
Gần đây nhiều nhận định cho rằng nên điều chỉnh tăng tỷ giá 3-5% để hỗ trợ xuất khẩu. Theo ông, năm 2013 có chịu áp lực tăng tỷ giá không?
Theo quan điểm cá nhân tôi điều này hoàn toàn có thể. Mình đang định giá tiền đồng quá cao so với USD, như vậy là đang tự gây thiệt thòi cho doanh nghiệp trong xuất khẩu.
Có thể trong năm nay tỷ giá sẽ tăng 2-4%, đây là điều cần thiết và với biên độ đó thì cũng là điều bình thường chứ không có gì ghê gớm lắm. Vấn đề hiện nay là tăng ở thời điểm nào để phù hợp với tâm lý người dân. Trong quý đầu năm thì có thể vẫn chưa.
Từ tháng 3 năm nay, NHNN sẽ tham gia mua bán vàng với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng để can thiệp thị trường, nhằm kéo giá vàng trong nước về sát giá vàng thế giới. Cách điều hành này có ổn?
Vấn đề kéo giá vàng trong nước bằng giá vàng thế giới là chuyện phải làm để củng cố niềm tin của người dân. Nếu cứ tiếp tục để sự chênh lệch lớn thì niềm tin của người dân vào NHNN cũng bị giảm đi rất nhiều.
Bởi vì người dân thường đặt vấn đề ngắn gọn là ai được hưởng lợi từ sự chênh lệch này. Đối với dân chúng mua vàng để tích lũy, bảo toàn vốn thường họ không quan tâm nhiều đến việc có nên bán hay không khi sắp tới giá vàng về bằng giá vàng thế giới. Vấn đề là ở dân đầu tư vàng.
Còn về cơ chế can thiệp của NHNN thì còn phải bàn bạc nhiều. Nhà nước mua bán với mục tiêu bình ổn giá trên thị trường thì hoàn toàn tốt nhưng tình trạng lời lỗ thì ai chịu trách nhiệm? Đây cũng là vấn đề khá nhạy cảm mà NHNN phải tính toán, phải cân đối được quyền lợi NHNN, doanh nghiệp thương mại và ngân hàng.
Xin cảm ơn ông!
Theo Tiền Phong