Sau nhiều lần thất bại với mô hình nuôi ếch, Phú lân la khắp các tỉnh ĐBSCL để tìm một mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế, diện tích đất không nhiều (350 m2) và anh đã chọn mô hình nuôi lươn để thử nghiệm.
Năm 2011, Phú vay 60 triệu đồng từ nguồn vốn của quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Hội LHTN TP.HCM). Tiền vay cùng số vốn của gia đình Phú đầu tư xây dựng hệ thống bể xi măng, mua lươn giống về nuôi. Ban đầu anh chỉ nuôi một ít để rút kinh nghiệm, sau thấy khả quan nên mạnh dạn đầu tư lớn hơn.
Nguyễn Ngọc Phú kiểm tra lươn nuôi trong bể. |
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi lươn, Phú nói: “Dễ lắm, ai cũng có thể nuôi được cả, thả nuôi 50 con giống cho 1m2 trong hồ là vừa vặn. Lươn sợ ánh sáng nên ta có thể dùng gạch, bèo, tre hay rơm để làm nơi trú ẩn cho chúng. Mỗi ngày chỉ cho lươn ăn một lần là đủ. Thức ăn của lươn là cá, cua, ốc bươu vàng nấu chín xay nhuyễn trộn với men vi sinh. Mỗi tuần thay nước một lần. Sau gần 4 tháng từ khi thả con giống là mình có thể thu hoạch để bán cho thương lái được rồi”.
Phú mong ước: “Hiện diện tích đất của gia đình còn hơn 200 m2. Nếu được Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp “tiếp sức” thêm thì mình sẽ xây dựng thêm hồ để phát triển trang trai nuôi lươn quy mô hơn. Và mình tin rằng lợi nhuận mỗi tháng thu về sẽ còn cao hơn hiện tại rất nhiều”.
Không chỉ biết làm giàu cho bản thân, Phú còn phối hợp Hội LHTN huyện Củ Chi triển khai, nhân rộng mô hình này đến với các bạn trẻ. “Mình sẵn sàng hỗ trợ cách chọn con giống và kỹ thuật nuôi lươn cho những bạn trẻ khó khăn nhưng có ý chí vươn lên trong cuộc sống”, Phú cho biết.
Theo Thanh Niên