Thiếu đơn hàng, công nhân lo mất việc

Thứ sáu, 01/03/2013, 07:52
Đây là điều lo lắng của không ít công nhân trong ngành sản xuất linh kiện điện tử, cơ khí khi trò chuyện với chúng tôi về tình hình việc làm đầu năm 2013.

Tương tự, đại diện một doanh nghiệp cũng thốt lên “đầu năm công nhân đi làm đủ 100% nhưng công ty không vui lắm, vì không có đủ việc cho công nhân”.

Làm việc cầm chừng…

Chị VTB, công nhân tại Công ty TNHH Nidec Copal Việt Nam, chuyên về sản xuất các linh kiện điện tử (KCX Tân Thuận, quận 7, TP.HCM), nhận xét: “Các năm trước trong quý I là thời điểm tăng ca dồn dập, thu nhập rất ổn định. Còn năm nay, ngay từ ngày sản xuất đầu năm, đơn hàng đã giảm rõ rệt, chúng tôi không tăng ca thêm giờ nào. Công nhân đi làm thưa hẳn, không còn đông đúc như trước đây lúc nào cũng duy trì khoảng 5.000 công nhân”.

Theo chị B. chính vì không tăng ca nên thu nhập công nhân bị sụt giảm. Cụ thể với sáu năm làm công nhân, gần đây chị chuyển sang bộ phận chất lượng sản phẩm nhưng thu nhập của vỏn vẹn 4 triệu đồng/tháng, giảm 1/2 so với thời điểm tăng ca. Còn với công nhân mới vào làm, thu nhập trọn gói trên 3 triệu đồng/tháng. Chị lo ngại: “Cứ đà này em sợ sẽ bị mất việc hoặc chuyển sang làm ở bộ phận khác”.

Tương tự, chị TTKT, công nhân lắp ráp thuộc Công ty TNHH Delvaux Việt Nam, chuyên sản xuất phụ kiện thời trang cao cấp, cho hay “hàng về chưa nhiều nên công việc cũng cầm chừng, không tăng ca”.

Theo chị T., một phần do công việc ít nên công nhân bắt đầu nghỉ việc lác đác để đi tìm chỗ làm mới, vì mức lương cơ bản của công ty so với mặt bằng chung còn thấp, 2,4-2,5 triệu đồng/tháng, nếu cộng thêm tăng ca thì mức lương cũng chỉ trên 3 triệu đồng/tháng.

công nhân cơ khí
 Ngành cơ khí đang đối mặt tình cảnh thiếu đơn hàng, công nhân làm việc cầm chừng để chờ doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng mới.

Co kéo để công nhân có việc

Chị TTML, công nhân Công ty TNHH Mtex, vốn đầu tư Nhật Bản, chuyên sản xuất thiết bị bán dẫn và phụ tùng ô tô, bày tỏ: Do thiếu đơn hàng nên công ty đã sắp xếp lại các bộ phận làm việc. Thông tin em nắm được qua tháng 3, công ty sẽ cho công nhân nghỉ việc trong hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Theo đó, công nhân chỉ được hưởng 70% lương/tháng. Với tình cảnh này, không chừng em bị mất việc và cầm cự để qua ngày với thu nhập còm cõi”.

Đây cũng là điều băn khoăn của ông Nguyễn Xuân Thủy, đại diện Công ty Mtex tại Việt Nam. Ông Thủy cho biết ngay từ đầu năm, 700 công nhân của công ty đã trở lại làm việc nhưng doanh nghiệp lại rơi vào tình cảnh thiếu đơn hàng.

Ông lo ngại: “Quả thực công nhân đi làm đầy đủ nhưng công ty không vui lắm. Công ty phải sắp xếp lại thời gian làm việc để ai cũng có việc làm, thay vì sản xuất ồ ạt như trước đây. Với tình cảnh này, chúng tôi đang dôi dư lao động nhưng không biết phải làm thế nào. Nếu cắt giảm, những công nhân đã gắn bó với chúng tôi lâu nay sẽ đi đâu về đâu lúc này. Tuyển đã khó, nay tính đến bài toán cho nghỉ việc lại càng khó hơn gấp bội”.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Võ Minh Thư, Trưởng phòng Quản lý lao động Ban Quản lý các KCX-KCN TP.HCM (Hepza), đánh giá:

“Qua các đợt khảo sát về tình hình lao động, việc làm sau tết cho thấy một số doanh nghiệp thiếu đơn hàng khiến họ phải bố trí lại sản xuất. Doanh nghiệp trong các ngành giày gia, dệt may lượng đơn hàng tương đối ổn định nên vẫn có nhu cầu tuyển thêm lao động với số lượng vừa phải.

Ngược lại, ngành cơ khí thì gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng, tạo việc làm cho công nhân. Ban đã có kế hoạch để Trung tâm Giới thiệu việc làm Hepza kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng và doanh nghiệp cắt giảm lao động. Qua đó, sẽ nhanh chóng tìm kiếm việc làm cho người lao động. “Đây là khối lao động phổ thông nên khi bị mất việc đơn vị tiếp nhận sẽ mất thời gian đào tạo tay nghề rất ngắn là có thể làm việc bình thường” - bà Thư nói.

Mới đây, tại buổi làm việc với các doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoài nước trong KCX-KCN trên địa bàn TP, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân chỉ đạo:

Năm 2013, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, thử thách. Theo đó, các doanh nghiệp cần dự báo trước những khó khăn để định liệu tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như những giải pháp để duy trì và ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho người lao động.

Theo ông Quân, năm nay TP sẽ tiếp tục tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp như tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chăm lo người nghèo…

Theo PLTP

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích