Công ty này nhận định người Việt Nam có xu hướng tích trữ vàng để đề phòng lạm phát. Đây cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ giữ vàng cao nhất châu Á. Trong khi đó, tiền đồng lại thường xuyên chịu áp lực giảm do nhu cầu gom đôla Mỹ để nhập lậu vàng, trong bối cảnh thiếu vắng các kênh nhập khẩu chính thức.
Cameron Alexander, nhà phân tích cấp cao tại GFMS cho biết: "Chúng tôi nhận thấy có sự sụt giảm mạnh về nhu cầu vàng miếng nửa cuối năm 2012, khi Chính phủ Việt Nam kiểm soát mạnh hơn hoạt động dập vàng". Vì vậy, đầu tư, vốn chiếm 85% nhu cầu vàng tại quốc gia tiêu thụ vàng thứ 9 thế giới, được dự đoán giảm 22%-25% năm 2013.
Nhu cầu đầu tư vàng tại Việt Nam sẽ giảm mạnh năm 2013. |
Theo GFMS, tiêu thụ vàng ở Việt Nam, gồm cả vàng trang sức và vàng miếng, đã giảm 24% năm ngoái. Số liệu này năm 2012 là 77 tấn, thấp hơn nhiều 100,8 tấn cùng kỳ, do Chính phủ kiềm chế đầu cơ vàng nhằm ổn định tỷ giá.
Nhu cầu này được dự báo dựa trên nguồn cung và các số liệu vàng không chính thức chảy vào Việt Nam. Việt Nam là nước tiêu thụ vàng nhiều thứ 4 châu Á, sau Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa chính thức nhập khẩu thêm vàng kể từ cuối năm 2011.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) cho biết sẽ trực tiếp nhập khẩu và giao dịch vàng với các công ty và ngân hàng để kiểm soát thị trường trong nước. Jonathan Pincus - Chủ nhiệm Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP.HCM cho biết: "Người Việt hiện sử dụng tới 3 loại tiền tệ: Đồng Việt Nam, USD và vàng. SBV muốn ngăn chặn nạn đầu cơ vàng, đồng thời từng bước giảm vai trò của USD và kim loại trong giao dịch - tích trữ. Kiểm soát nguồn cung vàng trong nước là một phần của chiến lược này".
Chính phủ đã có một vài bước đi nhằm kiểm soát thị trường này. Điển hình là số điểm được phép giao dịch vàng bị giảm gần 80% xuống còn 2.500 cuối năm 2012. Các ngân hàng cũng được yêu cầu dừng dịch vụ gửi tiết kiệm và cho vay bằng vàng đến giữa năm 2013.
SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn trở thành thương hiệu vàng miếng duy nhất và thuộc quyền kiểm soát của nhà nước. Việc này nhằm kiềm chế lượng vàng buôn lậu từ các quốc gia lân cận.
Tuần trước, chênh lệch giữa giá vàng miếng Việt Nam và thế giới đã lên kỷ lục hơn 5 triệu đồng mỗi lượng, khiến nhu cầu mua vàng giảm mạnh. Nguyên nhân là nguồn cung vàng nhập khẩu thiếu hụt.
Tuy nhiên, nhu cầu có thể tăng trở lại trong tuần này khi chênh lệch hôm qua (28/2) chỉ còn hơn 2 triệu đồng mỗi lượng. Anh Phạm Hoàng Anh Tuấn, một nhà đầu tư tại TP.HCM cho biết: "Tôi vẫn giữ vàng, dù thị trường trong nước có thế nào đi nữa. Nếu chênh lệch bị thu hẹp, tôi sẽ mua thêm".
Theo VnExpress