Bản “hợp tác chiến lược” này có sáu nội dung chủ yếu: Hợp tác về quy hoạch phát triển ngành; Hợp tác trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện; Hợp tác trong lĩnh vực đầu tư khai thác và vận chuyển than trong nước và ở nước ngoài; Hợp tác trong việc vận hành các nhà máy điện; Hợp tác trong việc sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, bản hợp tác còn có nội dung thứ sáu: Hợp tác trong lĩnh vực truyền thông.
PVN đang là chủ nợ của EVN
|
Việc thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa các tập đoàn với nhau là điều tốt để các tập đoàn tận dụng và khai thác các thế mạnh của nhau, nhất là trong vấn đề đảm bảo an ninh cho hệ thống năng lượng: Điện, than, dầu khí của đất nước – hiện là những lĩnh vực nằm gần như toàn bộ trong ba tập đoàn lớn nhất này.
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến lo ngại bản thoả thuận hợp tác chiến lược trên sẽ là khởi đầu cho một hình thức liên kết độc quyền.
Tuy là ba tập đoàn hoạt động trong ba lĩnh vực cơ bản khác nhau nhưng thực ra, cũng có những lĩnh vực mà cả ba tập đoàn đều đã có đầu tư lớn và có thế mạnh để khai thác, ví dụ như điện năng, trong khi lý ra với lĩnh vực này, các tập đoàn trên vẫn cần sự độc lập, cạnh tranh để có thể có được những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho người tiêu dùng.
Vậy, với bản “hợp tác chiến lược” về một số nội dung khá cụ thể, như đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện, vận hành các nhà máy điện, không phải không có cơ sở cho sự lo ngại về một sự bắt tay nhau nhằm “phân chia thị trường” giữa các tập đoàn. Nếu thật sự có điều đó, các nhà đầu tư yếu thế không nằm trong “quy hoạch” của các tập đoàn này chắc sẽ gặp không ít khó khăn.
Ông Nguyễn Đình Cung, phó viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, khi biết sự việc này cũng bày tỏ sự lo ngại về “một dạng liên kết độc quyền” và theo ông, đây là điều mà Nhà nước nên hạn chế.
Điều đáng chú ý khác là trong bản thoả thuận hợp tác chiến lược nói trên lại có cả nội dung hợp tác về truyền thông.
Lâu nay đã từng có vụ này, việc kia liên quan đến các tập đoàn trên; song lãnh đạo các bên xem ra không thống nhất quan điểm nên dẫn đến tình trạng có tiếng nói khác nhau trên mặt báo. PVN từng lên tiếng về việc EVN nợ hơn 12.000 tỉ đồng tiền điện, Vinacomin thì tố EVN chỉ ưu tiên mua điện của các công ty thuộc EVN mà không mua hết hoặc mua điện với giá thấp của các công ty điện thuộc Vinacomin…
Chính sự “khác nhau” ấy – dẫu ít dẫu nhiều – đã giúp dư luận hiểu thêm về hoạt động của các tập đoàn. Giờ đây, một bản thoả thuận hợp tác có nội dung hợp tác về truyền thông khiến báo giới và dư luận xã hội không thể không thắc mắc: Phải chăng các tập đoàn này đang muốn hướng đến “sự thống nhất tiếng nói” nhằm hạn chế việc công kích, phê phán “vạch áo cho người xem lưng... nhau” trên mặt báo?
Nếu hợp tác về truyền thông là nhằm mục đích ấy thì xem ra việc hợp tác này, ngoài mục tiêu riêng của các tập đoàn, sẽ không đem lại điều gì tốt đẹp cho xã hội. Bởi vì, giữa các thực thể kinh tế, có hoạt động là phải có mâu thuẫn, có ý kiến trái chiều, qua lại để qua đó dư luận, các cơ quan chức năng có thể giám sát, điều chỉnh.
Còn nay, các tập đoàn “đóng cửa bảo nhau” thì báo chí, dư luận, thậm chí đến các cơ quan dân cử cũng sẽ khó có được thông tin nhiều chiều hòng giám sát và qua đó, lên tiếng yêu cầu các đơn vị thay đổi, chấn chỉnh hoạt động cho đúng quy định pháp luật, đảm bảo hiệu quả kinh tế cho đất nước, xã hội.
Việc ký kết văn bản hợp tác nói trên không được thông tin rộng rãi, cụ thể, nhất là về nội dung hợp tác, càng dễ khiến người ta suy luận không hay. Bỏ qua một bên những kiểu suy diễn, vẫn nghĩ sẽ không thừa nếu các cơ quan có liên quan chịu khó “để mắt”, tìm hiểu kỹ nội dung hợp tác này để có thể ngăn ngừa, điều chỉnh và chấm dứt những điểm chưa minh bạch, đặc biệt là những điểm vi phạm quy định nghiêm cấm liên kết độc quyền của luật pháp, nếu có.
Theo SGTT