Tái cấu trúc PVN: tập trung năm lĩnh vực kinh doanh chính

Thứ tư, 11/07/2012, 08:07
Việc tái cấu trúc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) hướng tới sự minh bạch, công khai hoạt động sản xuất kinh doanh, tổng nguồn vốn, tổng thu, lợi nhuận, báo cáo kiểm toán hàng năm… và sẵn sàng tiếp nhận sự cạnh tranh sòng phẳng.
Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Phùng Đình Thực 
Đó là khẳng định của Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Phùng Đình Thực trong cuộc trao đổi với báo giới.
 
Thưa ông, hoạt động triển khai tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Hội nghị Trung ương 3, khóa XI, đã được Tập đoàn triển khai đến đâu?
 
Đề án tái cấu trúc PVN đã được Tập đoàn hoàn thiện và đã lấy các ý kiến của các cơ quan bộ, ngành, và các nội dung của đề án cơ bản được tán thành cùng một số góp ý cụ thể. Hiện chúng tôi đã hoàn thiện và sẽ báo cáo Chính phủ đề án trong tháng 7.
 
Theo đó, PVN sẽ tập trung vào năm lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính là: thăm dò khai thác dầu khí, lọc - hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao, trong đó thăm dò khai thác dầu khí là cốt lõi. Tất cả các lĩnh vực khác không thuộc năm lĩnh vực trên sẽ được PVN xây dựng lộ trình thoái vốn đến năm 2015.
 
Việc tái cơ cấu sẽ tiếp tục xây dựng Tập đoàn trở thành doanh nghiệp nhà nước chủ lực, là trụ cột của kinh tế nhà nước, công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an sinh xã hội, tích cực tham gia giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển.
 
Thưa ông, vấn đề khó nhất của các tập đoàn và tổng công ty trong việc thoái vốn tại các ngành nghề không thuộc lĩnh vực chính là phải bảo toàn nguồn vốn nhà nước, vấn đề này diễn ra tại PVN ra sao và hướng xử lý của tập đoàn thế nào?
 
Với khoảng 5.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành, chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ thoái xong vốn tại các lĩnh vực ngoài ngành, nhưng thực tế nếu có thời cơ, thị trường tốt mà không bị mất vốn nhà nước chúng tôi sẽ tiến hành sớm hơn.
 
Cũng còn một trường hợp nữa, nếu càng để càng lỗ thì có thể chọn phương án cắt lỗ, tức chấp nhận lỗ ít hơn thay vì mất vốn. Phương án này cũng phải tính, nhưng làm sao phải minh bạch để không bị hiểu lầm.  
 
Có ý kiến cho rằng PVN nên thoái vốn 100% ra khỏi hai đơn vị là tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm dầu khí (PVI) và tổng công ty Tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (PVFC) bởi không liên quan gì tới lĩnh vực kinh doanh chính của Tập đoàn?
 
Ở đây có đặc trưng, PVI và PVFC là hai đơn vị lớn của tập đoàn. Hai Tổng công ty này nếu xếp ra ngoài ngành chúng tôi cũng băn khoăn, bởi mục đích thành lập PVFC từ năm 2000, nhằm thu xếp vốn cho PVN, đó là nhiệm vụ cần thiết.

Vì vậy, chúng tôi đang kiến nghị Chính phủ không thoái vốn hoàn toàn với công ty này mà kiến nghị phương án thoái vốn xuống 20%. Bởi trong quy định của Nhà nước có nêu: nếu kinh doanh ngành nghề không liên quan đến ngành nghề chính thì phải thoái vốn 100%, trừ trường hợp đặc biệt Chính phủ cho phép.
 
Tương tự, với PVI chúng tôi cũng đề nghị đến năm 2015 thoái vốn xuống còn 18%, đây là doanh nghiệp bảo hiểm chuyên ngành được hình thành từ năm 1986 thực hiện trách nhiệm tham gia quản lý rủi ro các tài sản công trình dầu khí. Trong trường hợp không được chấp thuận chúng tôi sẽ thoái vốn 100% tại hai đơn vị trên.
 
Vậy bức tranh của PVN sau tái cấu trúc tới đây sẽ như thế nào?
 
Tập đoàn sẽ còn 14 doanh nghiệp cấp 2, các Tổng công ty cũng tập trung vào năm nhiệm vụ chính như đã nói ở trên. Các doanh nghiệp sau khi bị thoái vốn sẽ không còn được mang thương hiệu PVN nữa.
 
Về quản trị doanh nghiệp, PVN sẽ tiếp tục quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế, và điều quan trọng nhất đó là hướng tới sự minh bạch và sẵn sàng tiếp nhận một sự cạnh tranh bình đẳng. Minh bạch ở đây là công khai hoạt động sản xuất kinh doanh, tổng nguồn vốn, tổng thu, lợi nhuận, báo cáo kiểm toán hàng năm… 

 
Theo Chính Phủ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích