Đầu tư công kém hiệu quả - Gánh nặng tài khóa tương lai ra sao?

Thứ hai, 09/07/2012, 15:10
Giai đoạn 2006 – 2009 Việt Nam đã huy động một lượng lớn vốn TPCP phục vụ đầu tư, nhưng có chênh lệch dương khá lớn giữa số huy động và giải ngân.
 
Ảnh minh họa
 
Trong tuần qua, Bộ Tài Chính Việt Nam đã cảnh báo về khả năng ngân sách nhà nước sẽ thất thu do tình trạng trì trệ của nền kinh tế đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục đưa ra thông điệp sẽ giải ngân khoảng 22.000 tỷ đồng/tháng vốn ngân sách phục vụ  đầu tư trong 6 tháng cuối năm 2012.

Rõ ràng, xét về mặt bản chất có thể xem Việt Nam đi theo hướng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ - điều thường thấy ở các quốc gia phát triển hay, các nước có tài chính quốc gia lành mạnh.

Nhưng với  tình trạng dàn trải, phân tán, hiệu quả thấp, tốn kém, lãng phí, thiếu đồng bộ trong đầu tư công và thâm hụt ngân sách ở mức cao  những năm vừa qua, đặt ra quan ngại về khả năng tái lạm phát, bất ổn vĩ mô trong thời gian tới.

Dù cho nhiều thành viên Chính phủ khẳng định rằng, việc giải ngân 22.000 tỷ đồng/tháng hoàn toàn nằm trong kế hoạch mà Chính phủ đã dự liệu từ trước, không lo lạm phát, thì hoài nghi khác về khả năng bất ổn vĩ mô đến từ thâm hụt ngân sách, nợ công cao và vốn đầu tư không mang lại giá trị đóng góp thu cho tương lai là khó tránh khỏi.

Nợ công của Việt Nam hiện đang là bao nhiêu?
 
Năm
2003
2004
2005
2006
2007
2008
2009
2010
Nợ công/GDP (%)
40,4%
42,3%
43,7%
45,4%
48,9%
48,9%
51%
51,7%
Nợ nước ngoài khu vực công/GDP
N/a
29,9%
27,8%
26,7%
28,2%
25,1%
29,3%
31,1%
 
Nợ công Việt Nam qua các năm. Nguồn EIU

Rõ ràng đây là câu hỏi khó trả lời. Bởi trong khi các tổ chức quốc tế uy tín cho rằng nợ công Việt Nam năm 2010 đang ở mức khoảng 51% GDP, trong khi đó Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết nợ công ở mức 57,3% GDP, nợ Chính phủ 47,5% GDP...

Tuy nhiên, 51% hay 57,3% đều phản ánh một tình trạng chung đó là nợ công Việt Nam đang tăng khá nhanh. Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thì năm 2007 nợ công Việt Nam ở mức 33%GDP, đến 2010 nợ công ở mức khoảng 56,7% GDP.

Liệu việc chi mạnh tay cho đầu tư công trong quá khứ sẽ còn ảnh hưởng như thế nào đến tương lai?

Theo báo cáo quyết toán hàng năm của Bộ Tài chính, chi đầu tư phát triển nếu chỉ tính trong NSNN sẽ không có vấn đề. Vấn đề là vốn đầu tư được sử dụng như thế nào, quản lý và triển khai dự án. Bởi, thu từ thuế, phí, lệ phí hàng năm lớn hơn chi thường xuyên và tạo ra khoản thặng dư lớn tài trợ cho chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên tăng lên hàng năm.

Tuy nhiên, ngân sách nhà nước vẫn phải chi trả cho các khoản chi đầu tư nguồn trái phiếu Chính phủ. Vì vậy, nếu tính cả khoản chi này, ngân sách đã dành tỷ trọng tương đối lớn cho đầu tư. Bình quân giai đoạn 2003 – 2010 chi đầu tư khoảng 10,91% GDP trong đó bình quân chi đầu tư giai đoạn 2003 – 2006 là 10,1% GDP; giai đoạn 2007 – 2010 là 11,72% GDP.

Huy động TPCP phục vụ đầu tư phát triển xã hội là cần thiết. Nhưng có chênh lệch lớn giữa số vốn được huy động và giải ngân vốn đầu tư hàng năm. Dù cho rằng huy động vốn qua phát hành TPCP trong nước không làm tăng gánh nặng nợ nần cho các thế hệ tương lai, việc bố trí, giải ngân vốn thừa công suất lớn sẽ gây lãng phí, gánh nặng ngân sách do trả lãi TPCP cũng tăng lên.
 

Nguồn: Số liệu Bộ Tài Chính, Kiểm toán Nhà nước
 
Bên cạnh đó, từ năm 2006 huy động vốn TPCP của Việt Nam gặp thuận lợi hơn đã đẩy số vốn huy động quy đổi sang đồng Việt Nam tăng khá mạnh; TPCP huy động chủ yếu kỳ hạn 5 năm và 10 năm. Kỳ trả nợ gốc của các khoản vay giai đoạn 2006 bắt đầu từ năm 2011. Điều này cho thấy, tiềm ẩn nguy cơ tăng thâm hụt ngân sách từ năm 2011 do chi trả nợ gốc tăng, và nợ Chính phủ vẫn duy trì ở mức cao.

Như vậy, với bối cảnh hiện nay, giải ngân vốn phục vụ đầu tư xây dựng cơ bản đối với Chính phủ là hết sức thận trọng nhằm đảm bảo vốn đầu tư vào các dự án không thâm dụng vốn, sẽ mạng lại nguồn thu trong tương lai gần. Bởi nguy cơ thâm hụt ngân sách cao do chi trả nợ gốc đến từ việc chi mạnh tay cho đầu tư và giải ngân vốn thừa công suất lớn trong quá khứ cũng như nguồn thu bị đe dọa do doanh nghiệp và người dân khó để vượt qua tình trạng trì trệ của nền kinh tế  một cách nhanh chóng.

 
Theo TTVN

Các tin cũ hơn