Lãi suất cao, hàng hóa tồn kho ngày một nhiều khiến DN may mặc HG ở Q.8, TP.HCM phải xoay xở khắp nơi để có tiền trả nợ ngân hàng - Ảnh: Đình Dân
|
Ông Bùi Kiến Thành
Ông Bùi Kiến Thành (chuyên gia tài chính):
Doanh nghiệp “sống” mới trả được nợ
Nợ xấu gia tăng do DN không có khả năng trả được nợ. Nếu không có biện pháp giải quyết ngay giúp DN tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất hợp lý để sống, phục hồi và phát triển thì cả nền kinh tế sẽ khó khăn.
Nợ xấu đang làm đóng băng nguồn tín dụng chảy về DN. DN có nợ xấu quá hạn thì không được vay tiếp và ngân hàng có nợ xấu quá hạn thì không được cho vay tiếp. Như vậy, nguồn vốn từ ngân hàng không thể chảy đến DN được bất chấp lãi suất là bao nhiêu.
Đến lúc này, dù có đem lãi suất thấp thì DN cũng không vay được khi không có tài sản thế chấp. Đã có nhiều cảnh báo đưa ra rằng DN chỉ có thể sống với lãi suất khoảng 10%, trên 10% là lãi suất có vấn đề, còn 20% là lãi suất chết.
Ngân hàng phải tự cứu mình bằng cách ngồi lại với các DN, rút lãi suất cho vay xuống như chỉ đạo của thống đốc Ngân hàng Nhà nước. DN sống, bình phục để hoạt động kinh doanh bình thường thì mới trả nợ được cho ngân hàng.
Do vậy, ngân hàng phải tạo mọi điều kiện để cho DN sống chứ không thể tìm cách xiết nợ, phạt người ta. Nếu áp dụng lãi suất phạt 150% so với lãi suất vay trước đây thì khác nào bóp cổ cho người ta chết.
Nợ xấu chiếm 4,4% tổng dư nợ
Ông Nguyễn Đồng Tiến, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết tính đến cuối tháng 5, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tổng nợ xấu của toàn hệ thống chiếm 4,47% tổng dư nợ cho toàn nền kinh tế, tương đương khoảng 100.000 tỉ đồng. Nợ xấu gia tăng là do phát sinh từ các khoản nợ trước đây, khi tình hình tài chính của bên đi vay yếu đi, không có khả năng trả nợ cho ngân hàng.
Tuy nhiên, theo số liệu giám sát của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, 84% nợ xấu của hệ thống ngân hàng được đảm bảo bằng tài sản thế chấp và tổng giá trị của các tài sản thế chấp này bằng 135% giá trị nợ xấu. Tính đến cuối tháng 55, các tổ chức tín dụng đã tiến hành trích dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu được khoảng 67.000 tỉ đồng.
Một trong những giải pháp thực hiện trong sáu tháng cuối năm để ngăn sự gia tăng của nợ xấu, theo Ngân hàng Nhà nước, là các tổ chức tín dụng phải tích cực phối hợp với khách hàng để rà soát đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vốn vay, cho vay mới trả nợ cũ không nhằm che giấu nợ xấu...
Đồng thời, theo ông Tiến, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các địa phương và bộ ngành để rà soát, sửa đổi những quy định liên quan đến giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm, để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu, tăng thanh khoản, tăng khả năng cấp vốn cho nền kinh tế. |