Nhân sự cấp cao ngân hàng: Vị trí mới cho các gương mặt cũ

Thứ hai, 09/07/2012, 10:13
Trong tuần qua, liên tiếp xuất hiện thông tin ngân hàng bổ nhiệm tổng giám đốc mới. Điều đáng nói, ngồi ghế mới là các gương mặt không mới, chủ yếu đến từ các ngân hàng khác.
Ông Nguyễn Đức Vinh, nguyên tổng giám đốc Techcombank, vừa được bổ nhiệm, trở thành tổng giám đốc (CEO) của ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Trong khi đó, ông Nguyễn Hưng, nguyên tổng giám đốc VPBank, lại về đầu quân trở thành người lèo lái ngân hàng TienPhong Bank. Đây là lần thay tổng giám đốc thứ ba trong vòng hai năm trở lại đây của ngân hàng mới thành lập bốn năm nhưng đã phải tái cơ cấu sau khi có nhà đầu tư mới là Doji.

Gần hai năm qua, ngành ngân hàng chứng kiến nhiều sự thay đổi người lèo lái ngân hàng. Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, giám đốc điều hành, công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search, các nguyên nhân của biến động này liên quan đến việc thay đổi chủ sở hữu, cơ cấu lại tổ chức, hợp nhất các ngân hàng… và xu hướng này còn tiếp tục trong tương lai gần.


Sự thay đổi CEO từ ngân hàng này qua ngân hàng khác, cho thấy thị trường nhân sự cấp cao không có nhiều sự lựa chọn.

Trong khi các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam không có nhiều thay đổi đột biến đối với nhân sự cấp cao, thì thay đổi nhân sự xảy ra nhiều nhất tại các ngân hàng thương mại cổ phần. Họ đang tìm kiếm CEO, thành viên ban điều hành và các trưởng/phó phòng khác.
 
Tuy nhiên, theo bà Vân Anh, việc tìm kiếm nhân tài tại một thị trường mới nổi có tốc độ phát triển GDP như Việt Nam trong mấy năm vừa qua là không dễ, đặc biệt đối với những vị trí quản lý cấp cao như CEO (tổng giám đốc), CFO (giám đốc tài chính), COO (giám đốc điều hành/phó tổng giám đốc)….

“Thời gian qua, thị trường chứng kiến một số CEO chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác hoặc một số ngân hàng tuyển CEO “ngoại”, cho thấy rằng thị trường không có nhiều sự lựa chọn”, bà nói.

Theo đó, tuyển dụng những vị trí cấp C (CEO, CFO, COO, CIO (giám đốc công nghệ) là khó nhất. Ngoài nền tảng đào tạo, kinh nghiệm làm việc, khả năng lãnh đạo, tư duy, tầm nhìn rộng... các ông chủ ngân hàng luôn đòi hỏi người lãnh đạo này như một thuyền trưởng, có thể chèo lái con thuyền ngân hàng đến đích, và đến đích sớm hơn những con thuyền khác trong một môi trường ngày cạnh tranh hơn. “Họ còn phải có khả năng làm việc được với HĐQT đồng thời họ phải có khả năng làm việc và xoay xở trong môi trường kinh doanh của Việt Nam khi mọi chính sách còn đang trong quá trình hoàn thiện”, bà nói.

 
Theo bà, việc tưởng thưởng cho các CEO không là vấn đề khi các ngân hàng sẵn sàng tưởng thưởng xứng đáng cho nhân tài.

Bà cho rằng, nếu các ông chủ ngân hàng tìm được CEO và nhân sự chủ chốt là người Việt Nam, họ sẽ tuyển người Việt Nam thay vì người nước ngoài. Do nhân sự cấp cao của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu nên tuyển nhân sự người nước ngoài là một giải pháp hiện nay. Tuy nhiên, môi trường làm việc và kinh doanh ở Việt Nam có sự khác biệt về văn hoá, ngôn ngữ nên không dễ đối với các nhân sự “ngoại” và không phải tất cả đều thành công.
 


Theo SGTT

Các tin cũ hơn