Chuyên gia kinh tế có tiếng Jonathan Pincus vừa lên tiếng nói rằng khởi động lại tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam sẽ không dễ do thể lực yếu kém của các công ty và ngân hàng.
Gần đây đã có những bình luận lạc quan về kinh tế Việt Nam sau khi lạm phát đã giảm xuống dưới 7% từ con số 23% của tháng Tám năm ngoái và Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất xuống 10%.
Trong bài viết trên báo Financial Times của Anh, ông Pincus, hiện là chuyên gia tư vấn cho Chương trình Việt Nam của Trường Harvard Kennedy, viết:
“Việc thắt chặt tín dụng tiếp theo [các đợt mở rộng] cho thấy các công ty của Việt Nam đã lệ thuộc vào tín dụng dễ dãi tới mức nào.
“Như câu đùa có tiếng của Warren Buffett, khi thủy triều rút đi người ta sẽ thấy ai bơi không áo tắm.
“Ở Việt Nam, gần như ai ai cũng thế.”
Lạm phát đã giảm xuống dưới 7% từ con số 23% của tháng Tám năm ngoái
Người từng là chuyên gia kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam nói các công ty nội địa nợ chồng chất trong khi các ngân hàng cho vay quá mức.
Ông Pincus dẫn nguồn Bộ Tài chính nói tổng nợ của 12 công ty nhà nước đã lên tới gần 10,5 tỷ đôla và 10 công ty có số nợ gấp hơn 10 lần tài sản.
Báo cáo của chính phủ trong tháng Sáu, nói riêng Tổng công ty Hàng hải Vinalines đã nợ tới hơn hai tỷ đôla và là chủ nhân của một đội tàu vô giá trị bên cạnh một loạt sai phạm tài chính.
‘Ước tính khiêm tốn’
Các công ty của Việt Nam sẽ phải mất ít nhất một, thậm chí hai năm để giảm nợ, theo ông Pincus, và điều tệ hại là tình trạng vay nợ cao không chỉ giới hạn trong khu vực nhà nước.
Những khó khăn của công ty thủy sản Bình An là một ví dụ và Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản nói có tới một nửa thành viên của họ đối mặt nguy cơ phá sản.
Ông Pincus nói tín dụng ngân hàng tính trên GDP đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2005-2010, từ 62% lên 136%.
Theo chuyên gia kinh tế này, đợt vay nợ đầu tiên của các doanh nghiệp là hậu quả không lường trước của dòng tư bản đổ vào Việt Nam trong hai năm 2007 và 2008.
Đợt tăng tín dụng thứ hai là có chủ đích khi chính phủ đưa ra gói kích thích kinh tế để đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu trong năm 2009.
Ông Pincus nói Việt Nam cũng còn có một gói kích cầu nhỏ nữa trong năm 2010 nhằm tăng độ hưng phấn trước Đại hội Đảng trong tháng Giêng năm 2011.
Các ngân hàng của Việt Nam đã cho vay quá mức trong giai đoạn kinh tế bùng nổ và giờ đang thiếu vốn trong khi nợ xấu tăng cao.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói tại Quốc hội rằng nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam ở mức 10% GDP nhưng ông Pincus nói các chuyên gia quốc tế cho rằng ngay cả con số báo động này vẫn còn là ước tính khiêm tốn.
‘Can thiệp chính trị’
Theo ông Pincus, các ngân hàng Việt Nam không đủ sức để cho vay hàng loạt ngay cả khi chính phủ nới lỏng tín dụng.
Lý do, ông nói, là các ngân hàng cổ phần đang cố gắng cân đối tài chính trong khi một số ngân hàng khác có tiền thì lại không tìm được những con nợ còn chưa bị vay quá mức.
Ông Pincus nói một số ngân hàng sẽ hài lòng với việc lấy lời từ mua trái phiếu chính phủ trong lúc cố gắng giảm nợ xấu.
Chuyên gia kinh tế này nói Việt Nam đang chuẩn bị quỹ để tái cơ cấu ngân hàng nhưng ông cho rằng tinh giản thủ tục phá sản công ty sẽ quan trọng hơn là giải cứu doanh nghiệp hay ngân hàng.
Ông dẫn một báo cáo của Ngân hàng Thế gới mà theo đó Việt Nam xếp thứ 142/183 nước trong lĩnh vực xử lý tình trạng phá sản.
Theo ông, đây là lĩnh vực mà Việt Nam nên tập trung giải quyết bên cạnh chuyện tăng năng lực cho hệ thống tư pháp và giảm can thiệp chính trị vào nền kinh tế.