Giá xăng dầu: Trao quyền có sợ độc quyền hơn?

Thứ bảy, 07/07/2012, 08:33
Được trao quyền tự định giá xăng đầu, các doanh nghiệp đầu mối vẫn phải để cơ quan quản lý hối thúc giảm giá khi giá dầu thế giới đã “lao dốc” từ lâu.

>> Không bù lỗ 5.000 tỷ cho xăng dầu
>> Doanh nghiệp không được “tự tung tự tác” giá xăng 

Cần có cơ chế giám sát 

Sau một thời gian gián đoạn quyền được tự quyết định giá (2010), từ 1/7/2012, Bộ Tài chính - Công Thương đã cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối quyền quyết định giá xăng cũng như tần suất điều chỉnh giá theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Đi kèm với Thông báo, Liên Bộ Tài chính – Công thương cũng lưu ý, “ Do hiện tại mức thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu đang được Nhà nước điều hành, giữ ở mức thấp hơn nhiều so với barem thuế quy định nên Liên Bộ yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, trong trường hợp giá cơ sở có biến động tạo chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành cần phải xem xét điều chỉnh giá, thì trước khi điều chỉnh giá các doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đăng ký giá với Liên Bộ Tài chính – Công Thương. Mục đích để Liên Bộ xem xét, lựa chọn phương án xử lý hài hòa việc điều hành thuế, phí, Quỹ Bình ổn và giá xăng dầu cho phù hợp…”.

Bộ tài chính: chưa trị tận gốc độc quyền trong xăng dầu

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, trong khi điều hành, quản lý giá xăng dầu cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu còn nhiều bất cập, thì việc trao quyền quyết định giá cho doanh nghiệp sẽ khiến càng khó quản lý, thị trường càng rối hơn và quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng hơn. 

Có thể điểm lại một số nội dung quan trọng của Nghị định 84/2009/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 84), đó là, thể chế hóa một bước về điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường bằng việc giao doanh nghiệp được quyền quyết định giá bán buôn, điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo nguyên tắc, trình tự quy định tại Điều 27 của Nghị định 84, có trách nhiệm tham gia bình ổn giá theo quy định của pháp luật hiện hành và được bù đắp lại những chi phí hợp lý khi tham gia bình ổn giá.

Nghị định cũng đưa ra một số công cụ kinh tế công khai, minh bạch thay thế cho công cụ hành chính trong điều hành kinh doanh xăng dầu như Quỹ bình ổn xăng dầu, giá cơ sở và công thức tính giá cơ sở…

Nhìn lại quãng thời gian ngắn từ khi được trao quyền tự quyết định giá xăng dầu (Nghị định 84 có hiệu lực vào cuối năm 2009 đến tháng 3/2010), các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối vẫn "được" liên Bộ nhắc nhở về việc tăng giá phải tính đến yếu tố bình ổn thị trường.

Trong quãng thời gian đó, tính sơ sơ, nhà cung cấp xăng dầu lớn nhất Việt Nam Petrolimex đã ít nhất 3 lần tăng giá xăng, tổng cộng khoảng 1.340 đồng mỗi lít, trong khi đó số lần giảm tổng cộng chỉ khoảng 350 đồng/lít. Nếu như không có sự can thiệp của cơ quan quản lý, giá xăng thời điểm đó sẽ còn được  các doanh nghiệp tiếp tục điều chỉnh tăng.

Trong lần tăng giá cuối cùng lên 590 đồng mỗi lít trước khi bị “tước”quyền định giá của các doanh nghiệp, nhiều tranh luận giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và dư luận đã làm “nóng” thêm giá xăng. Bởi, dù được quyền định giá nhưng doanh nghiệp cũng cần tính đến sự hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát gia tăng.
 
Mới đây, hôm 2/7, giá xăng được điều chỉnh giảm lần thứ 5 liên tiếp trong vòng 3 tháng, với tổng cộng khoảng 3.200 đồng mỗi lít. Trong khi, chỉ cần 2 lần tăng hồi đầu năm giá xăng đã nhanh chóng tăng tổng cộng khoảng 3.000 đồng mỗi lít. Hơn nữa, tất cả những lần điều chỉnh giảm vừa qua đều do liên Bộ chủ động thông báo. 

Điều này cho thấy, có công cụ điều chỉnh giá trong tay, doanh nghiệp dễ dàng tự quyết tăng giá nhiều hơn, nhanh hơn. Trong khi đó, nếu thị trường trông chờ giảm giá thì cứ phải từ từ… chờ cơ quan chủ quản thúc giục.
 
Bộ tài chính: chưa trị tận gốc độc quyền trong xăng dầu

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, xăng, dầu là những mặt hàng nhạy cảm, ảnh hưởng nhiều tới đời sống xã hội, do đó khi chưa xây dựng được thể chế  để điều hòa lợi ích giữa người mua và người bán thì không nên vội trao quyền định giá cho doanh nghiệp.Còn nếu đã trao quyền thì đi kèm với đó là cơ chế quản lý đủ chặt chẽ, chế tài xử phạt đủ nghiêm.

Tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng thừa nhận, hiện nay nhiều nước trên thế giới quy định doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần tối đa không quá 12%, nếu có cao hơn hoặc nhà nước giám sát, quản lý giá để đảm bảo ổn định thị trường hoặc sẽ giải thể doanh nghiệp đó.

Vì vậy, quyết định kiểm soát giá của Bộ Tài chính đối với xăng dầu hiện nay là giải pháp tình thế khi chưa trị được tận gốc sự độc quyền trong xăng dầu.

Ông Tuấn cho rằng, “giá xăng hiện nay gốc rễ do Petrolimex chiếm 63%, không có sự cạnh tranh cho nên từng bước nhà nước kiểm soát và giảm dần. Đó chỉ là giải pháp tình thế, vì chưa xử lý được gốc. Tới đây giao cho các doanh nghiệp quyền định giá theo quy định của Chính phủ, nhưng vì là mặt hàng thiết yếu quan trọng tác động tới toàn nền kinh tế nên không thể không giám sát, quản lý”, ông khẳng định.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng khẳng định, khi đã giao quyền định giá cho doanh nghiệp thì mọi phương án tăng giá doanh nghiệp phải công khai, từ mức giá cơ sở, thời điểm.

 
Theo VnMedia

Các tin cũ hơn