HNX30 – chỉ số của thanh khoản

Thứ sáu, 06/07/2012, 13:31
Cuối cùng thì danh sách HNX30 cũng đã lộ diện. Sẽ là khập khiễng nếu so sánh VN30 với HNX30 xem chỉ số nào sẽ được chú ý hơn. Khác biệt lớn nhất và hiệu quả nhất của HNX30 chính là tính thanh khoản.
Thanh khoản – tiêu chuẩn đầu tiên

Tiêu chí quan trọng nhất của chỉ số VN30-Index là vốn hóa thị trường. Do đó cũng không có gì lạ khi những cổ phiếu giao dịch khó hiểu như MSN hay VIC có vai trò quan trọng trong chỉ số này.

Tiêu chí này là hợp lý khi VN30 được xây dựng cũng nhằm một phần để giải tỏa những bức xúc của giới đầu tư lâu nay khi một số mã vốn hóa quá lớn chỉ cần giao dịch một vài lô cổ phiếu tối thiểu cũng có thể “điều khiển” được VN-Index.

 
Công khai, minh bạch thông tin là cách quảng bá tốt nhất cho chỉ số HNX30.

Cách tiếp cận của HNX30 có điểm khác, khi chú trọng nhiều hơn đến tính thị trường của chỉ số. Theo Tiến sĩ Vương Quân Hoàng, thành viên Hội đồng chỉ số, với một thị trường có giới hạn biên độ, tức là dao động giá không thể đáp ứng kỳ vọng trong một thời điểm nào đó, thì tính thanh khoản trở nên cực kỳ quan trọng.

“Tôi nhận thấy nhà đầu tư lớn rất khó mua được nhiều cổ phiếu trong rổ VN30. Do ưu tiên tiêu chí vốn hóa nên rổ VN30 toàn cổ phiếu lớn là điều dễ hiểu. HNX30 chú trọng đến khả năng đầu tư được, tức là khả năng nhà đầu tư có thể giao dịch dễ dàng đối với rổ cổ phiếu nên tính thanh khoản được đặt cao hơn”, ông Hoàng cho biết.

Yếu tố thanh khoản thể hiện rất rõ trong các bước lựa chọn rổ cổ phiếu vào HNX30. Trong 5 bước lựa chọn, xếp theo thứ tự ưu tiên và tiên quyết, yếu tố vốn hóa thị trường xếp thứ 2. Cụ thể, bước 1, tính giá trị bình quân phiên trong 12 tháng gần nhất của tất cả các cổ phiếu đáp ứng điều kiện (như không bị kiểm soát, dừng giao dịch…) để chọn ra 100 mã có giá trị giao dịch bình quân phiên lớn nhất. Bước 2, trong 100 mã này, chọn ra 70 mã có mức vốn hóa thị trường (sau khi điều chỉnh tỉ lệ tự do chuyển nhượng) bình quân 12 tháng gần nhất lớn nhất. Bước 3, trong Top 70 này, loại bỏ các cổ phiếu nếu 6/12 tháng có tỉ lệ khối lượng giao dịch trung vị trong mỗi tháng so với khối lượng lưu hành của ngày cuối tháng nhỏ hơn 0,02%.

Như vậy có thể thấy yếu tố thanh khoản là tiêu chí quan trọng nhất sàng lọc đáng kể các cổ phiếu ra khỏi rổ HNX30. Thống kê với khối lượng giao dịch thực tế của rổ VN30 so với VN-Index thì tỉ lệ khớp lệnh bình quân 20 ngày gần nhất chỉ chiếm 37,24%. Cao điểm nhất mức bình quân 20 ngày của VN30 cũng chỉ chiếm 44% thanh khoản của sàn. Với HNX30, mức thanh khoản bình quân 20 ngày gần nhất chiếm khoảng 57% so với HNX-Index và thời điểm cao nhất chiếm trên 68%.

Bám sát thị trường

Thông thường một chỉ số trong con mắt của giới đầu tư cần đáp ứng hai yếu tố đôi khi trái ngược nhau: Vừa phải có tính ổn định tương đối, vừa phải phản ánh đúng thực trạng của đa số cổ phiếu trong rổ tính, cả về giá lẫn giao dịch. Sẽ là không thể đầu tư được theo chỉ số nếu chỉ số đó bị thay đổi liên tục, biến động rổ tính quá thường xuyên. Ngược lại, một chỉ số “méo mó” quá mức thì cũng không được coi là hiệu quả.

Điểm linh hoạt của HNX30 là vừa được xem xét điều chỉnh rổ cổ phiếu định kỳ, vừa có thể được điều chỉnh đặc biệt mang tính “phản ứng nhanh”. Các điều chỉnh định kỳ được tiến hành 6 tháng một lần để loại bỏ những cổ phiếu vào diện kiểm soát, thanh khoản không đạt chuẩn và lặp lại các bước sàng lọc ban đầu. Các kỹ thuật điều chỉnh vốn hóa và tỉ lệ tự do chuyển nhượng được thực hiện 3 tháng một lần.

Ngoài ra các điều chỉnh đặc biệt được tiến hành ngay khi có một sự kiện xảy ra mà Hội đồng chỉ số thấy cần thiết. Đó là các hoạt động thâu tóm, sáp nhập, chia tách công ty. Các cổ phiếu mới niêm yết (chưa đủ tiêu chuẩn tối thiểu 6 tháng) có giá trị vốn hóa lớn và thanh khoản cao tới mức nếu bỏ qua sẽ làm tác động lớn và tiêu cực tới chỉ số có thể được đưa ngay vào rổ tính. Điều này giúp không tạo nên những trường hợp cá biệt như cổ phiếu GAS trên HSX.

Các phản ứng nhanh liên quan đến tỉ trọng cổ phiếu, tỉ lệ tự do chuyển nhượng cũng được thực hiện ngay. Nếu tỉ trọng cổ phiếu vượt qua 20% sẽ được điều chỉnh về 15% khi giá cổ phiếu tăng liên tiếp 10 phiên hoặc do khối lượng tự do chuyển nhượng có thay đổi lớn. Ngày điều chỉnh sẽ là ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện. Các điều chỉnh dù là định kỳ hay đột xuất đều được công bố thông tin trước và công khai.

Ngoài ra, Hội đồng chỉ số cũng cho biết mặc dù yếu tố cơ bản của doanh nghiệp niêm yết không được đưa vào tiêu chuẩn chọn cổ phiếu, nhưng cũng sẽ là yếu tố theo dõi để có những điều chỉnh bất thường nhằm đảm bảo chỉ số phản ánh sát thị trường. Chẳng hạn một cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn, thanh khoản cao, ảnh hưởng lớn đến thị trường mà doanh nghiệp phát hành có vấn đề tài chính đột xuất thì vẫn có thể phải xem xét loại bỏ.

Chưa phải là hoàn hảo

Đương nhiên vẫn có thể tìm thấy những hạn chế nhất định trong rổ HNX30. Điều này do mặt bằng chung của các cổ phiếu niêm yết trên HNX không đồng đều. Ngay trong yếu tố thanh khoản, vẫn có sự khác biệt tương đối lớn. Một số cổ phiếu hàng đầu như VND, PVX, KLS, SCR có thể giao dịch nhiều triệu cổ mỗi phiên. Ngược lại, khá nhiều cổ phiếu trong rổ HNX30 có tính thanh khoản thực tế trên thị trường khá yếu như SDU, NTP, QNC, PLC…

Ngoài ra, việc hạn chế mức độ tập trung theo nhóm ngành trong rổ cổ phiếu tuy giúp chỉ số hài hòa hơn, nhưng cũng có thể gián tiếp loại bỏ hoặc chấp nhận những cổ phiếu chưa phải là tiêu biểu. HNX30 được quy định số lượng chứng khoán trong mỗi nhóm ngành không vượt quá 20% số chứng khoán trong rổ. Chuẩn phân ngành được HNX xây dựng dựa trên chuẩn phân ngành quốc tế ISIC phiên bản 4.

Những hạn chế này không xuất phát từ phương pháp luận, mà do đặc thù của mặt bằng cổ phiếu niêm yết. Điều quan trọng là HNX30 đã tạo được một cơ sở tương đối hoàn chỉnh cho phép chỉ số tiến tới sự hoàn thiện hơn khi thị trường tăng trưởng cả về quy mô lẫn tính đa dạng của doanh nghiệp niêm yết. Hơn hết, tính hiệu quả của chỉ số phải do thị trường đánh giá.
 
Theo VnEconomy

Các tin cũ hơn