Dù luôn khẳng định sẽ cân nhắc thời điểm xin tăng giá điện để không làm ảnh hưởng đến lạm phát và ảnh hưởng đến kinh tế xã hội nhưng thực tế EVN làm ngược lại.
Trong văn bản gửi lãnh đạo các cơ quan báo chí hồi tháng 3 vừa qua về việc có tin đồn sẽ tăng giá điện, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Phạm Lê Thanh khẳng định ngành điện luôn khẳng định, giá điện là mặt hàng đặc biệt, có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, xã hội nên giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định và được kiểm soát chặt chẽ.
Lãnh đạo ngành điện cũng khẳng định, theo các quy định, cụ thể là Thông tư số 31 do Bộ Công Thương ban hành, giá điện có thể được điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản biến động so với thông số đã sử dụng để xác định giá bán điện và phải được thực hiện công khai, minh bạch, chịu sự kiểm tra, xác nhận, giám sát của bộ, ngành.
EVN làm ngược lại so với những gì đã tuyên bố.
"Trong quá trình thực hiện điều chỉnh giá bán điện của EVN đều phải báo cáo và được sự cho phép, chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ, căn cứ vào sức chịu đựng của nền kinh tế đất nước, đảm bảo thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội"- Ông Thanh cho biết.
Tuyên bố hùng hồn của EVN giúp dư luận được trấn an khá nhiều nhưng chỉ hơn 2 tháng sau, giá điện âm thầm được thông báo tăng giá, được gửi cho phóng viên vào lúc gần 20 giờ ngày thứ sáu (29-6) trong khi thời điểm chính thức tăng giá là từ 1-7.
EVN lãi lớn từ khai thác thủy điện
Ngoài những bất hợp lý quanh việc xin tăng giá điện của EVN, nhiều báo cáo của ngành điện cho thấy việc EVN được hưởng lợi khá lớn từ việc khai thác thủy điện với cường độ cao trong năm 2011.
Ngay trong báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch năm 2011, nhiệm vụ và các giải pháp triển khai kế hoạch năm 2012 của ngành điện cũng nói rõ việc ngành điện trong năm qua đã khai thác một cách có hiệu quả các yếu tố thuận lợi về nước để phát điện.
"Đặc biệt, nhiều nhà máy thủy điện đã phát huy rất cao khả năng chạy máy nên đã tận dụng được nguồn nước, hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng ở mức cao, đóng góp vào cải thiện tình hình tài chính của tập đoàn. Tiêu biểu là các nhà máy Ialy, Bản Vẽ, Thác Mơ, Sê San 4, Buôn Kuốp, Srepôk 3"- Văn bản nêu rõ.
Diễn biến giá điện cho thấy trong những năm gần đây giá điện luôn được điều chỉnh tăng và được cho là trái với nguyên lý thị trường. So với giá điện bình quân năm 2005, giá điện bình quân hiện hành tăng gần 50%. Còn nếu so với tốc độ tăng giá tiêu dùng, giá điện bình quân cũng tăng nhanh hơn trong vài năm trở lại đây.
Năm 2008, chỉ số giá tăng 22,97% trong khi giá điện chỉ điều chỉnh tăng khoảng 1,3%. Đến năm 2011, chỉ số giá tăng 18,22% trong khi giá điện được điều chỉnh tăng hơn 21%.
Không chỉ lần tăng giá này, mà kể cả giá thành sản xuất điện của EVN hiện khá tù mù. Nhiều ngày qua, phóng viên Tiền Phong liên lạc với lãnh đạo EVN để có câu trả lời thoả đáng cho bạn đọc về cơ sở tăng giá điện lần này. Tuy nhiên, những người có trách nhiệm của EVN đều không thể liên lạc được.