Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: Cơ chế tạo ra dối trá

Thứ sáu, 06/07/2012, 10:50
Sau khi có một loạt bài đăng về sự bất cập trong công tác cán bộ cơ sở ở cấp xã, nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt đã có những kiến giải thú vị xung quanh vấn đề này.

>> Vụ xã có 500 cán bộ: Không thể bắt người dân è cổ nuôi cán bộ
>> Từ xã 500 cán bộ đến nỗi lo 'cường hào mới'
>> Rùng mình một xã có 500 cán bộ

Giả vờ đi làm, giả vờ nhận lương

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt

Thưa ông, dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu, ông nhìn thấy gì đằng sau bộ máy cồng kềnh, với số lượng cán bộ khổng lồ của chính quyền cấp cơ sở hiện nay?
 
Đúng là hiện nay chúng ta có một chính quyền cấp cơ sở cồng kềnh. Tuy nhiên, theo tôi chính quyền cơ sở rất quan trọng, vì chính quyền cơ sở là giai đoạn đầu tiên, là khâu đầu mối trực tiếp giữa Nhà nước với nhân dân. Cấp huyện trở lên là gián tiếp. Vấn đề đặt ra là rất quan trọng nhưng thuộc về ai, làm thế nào, cấu trúc ra sao thì đó là vấn đề lý luận về nhà nước. 
 
Cấp chính quyền cơ sở bị thả lỏng với một chế độ lương rất thấp với số lượng vô tận cán bộ như thế làm cho chính quyền cấp cơ sở thành đầu mối của các tội ác xã hội nếu vẫn để tình trạng này phát triển. Nên phải xác lập lại, nghiên cứu một cách có lý luận đầy đủ về vai trò của nó và ngân sách dành cho nó.
 
Chính quyền cơ sở mà lỏng lẻo như ông nói thì sẽ dẫn đến hệ quả gì?

Hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Nếu chúng ta chỉ gồm những công chức thông thường, chỉ biết làm quan thì dẫn đến vấn đề tối đa là tham nhũng. Họ đe nẹt, áp bức người dân, làm cho mối quan hệ giữa Nhà nước và dân xấu đi trông thấy. Phải nói là trong tất cả các mâu thuẫn mà chế độ chúng ta đang phải đối mặt trong quan hệ với nhân dân, vấn đề chính quyền địa phương là vấn đề cơ bản. Chúng ta chưa gặp phải trường hợp xấu là chính quyền địa phương lãnh đạo nhân dân địa phương đối đầu với chính quyền cấp trên, nhưng đừng chủ quan.
 
Nhiều người lập luận rằng, một bộ phận cán bộ do lương không đủ sống nên mới sinh ra ăn cắp?
 
Tôi không nghĩ thế. Vì chúng ta đã có những giai đoạn không lương. Trước đây chính quyền cơ sở không có lương chỉ có phụ cấp ít thôi. Mặc dù về lâu dài vấn đề tiền lương phải được giải quyết để chính quyền không còn nhếch nhác nữa, nhưng nếu chỉ giải quyết vấn đề tiền lương không thôi thì xem công chức như một kẻ đi buôn lao động là không được. Bản thân cách đặt vấn đề như vậy là sai rồi.
 
Vấn đề cốt lõi ở đây là sự tha hóa của quyền lực không được kiểm soát. Chúng ta đã có khái niệm và quan điểm không đúng về quản lý quyền lực.
 
Nhưng nói gì thì nói, cơ chế về tiền lương hiện nay của chúng ta bộc lộ nhiều bất cập?
 
Tất cả khái niệm tiền lương của chúng ta không được xếp vào hệ thống lý thuyết nào về tiền lương và quan hệ xã hội cả. "Giả vờ đi làm và giả vờ trả lương", từ thời Tổng Bí thư Lê Duẩn người ta đã nói rồi. Đó là căn bệnh mãn tính của xã hội ta. Nhưng nếu chỉ giải quyết tiền lương thôi thì không chống được tham nhũng.
 
Cán bộ tham nhũng, đè nén người dân bằng các khoản thu. Nhiều người đang lo ngại đến vấn đề niềm tin giữa người dân và chính quyền cơ sở?
 
Không dễ gì làm mất niềm tin với nhân dân đâu. Phải có một sự tha hóa khủng khiếp lắm, vì nhân dân có hàng ngàn năm nô lệ, sự thuần phục, kính trọng chính quyền là bản năng tiêu cực của người Việt trong quá khứ.

Cho nên để mất uy tín của chính quyền với nhân dân trong một nước nhân dân rất có kinh nghiệm làm nô lệ là rất khó.

Rõ ràng là chúng ta đang có một cuộc “thi đua” khổng lồ thì mới tạo ra trạng thái mất uy tín rộng lớn như thế này.

Chúng ta có ½ thế kỷ là chiến tranh, là những người anh hùng, vốn tự có của những người cộng sản Việt Nam đối với xã hội suốt thời kỳ cách mạng như vậy là một đóng góp khổng lồ mà tôi không hiểu tại sao người ta đang thi đua tàn phá nhanh đến mức mất uy tín rộng lớn trong xã hội. Đó là một câu hỏi khổng lồ.

 
Ông vừa nói đến vấn đề tham nhũng. Nhưng câu hỏi hóc búa hiện nay trong chống tham nhũng là ai chống ai?
 
Chúng ta đang cãi nhau. Tôi không hiểu tại sao lại giao cơ quan hành pháp nắm cơ quan chống tham nhũng? Tôi không hiểu sao lại để như thế 6-7 năm nay. Chúng ta đã có thay đổi bằng Nghị quyết TƯ 5 nhưng thay đổi ấy là theo quyết định của Đảng, còn Nhà nước chưa triển khai, chưa công khai điều ấy, có lẽ cần phải làm rõ.
 
Ngay cả đối với những kẻ tham nhũng thì việc tách cơ cấu tham nhũng ra một nhánh quyền lực khác là rất cần thiết. Vì trong khi mải mê tham nhũng họ có thể đi ra ngoài giới hạn làm sụp đổ hệ thống chính trị trong đó có họ. Nên đừng nói là chống tham nhũng chỉ liên quan đến quyền lợi của những người là nạn nhân của tham nhũng mà liên quan đến cả sự sụp đổ của những kẻ tham nhũng nữa. Về mặt lý thuyết không thể kéo dài mãi tình trạng như thế được. Bây giờ đã mấp mé sự sụp đổ của những kẻ tham nhũng rồi. Nghị quyết TƯ 5 cần phải triển khai kỹ càng hơn.
 
Người dân xã nghèo Quảng Vinh (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) phải góp thóc để nuôi bộ máy cán bộ khổng lồ (khoảng 500 người)
 
Cơ chế tạo ra dối trá
 
Tham nhũng, dối trá, trí trá là những "người bạn" song hành. Người dân đang rất lo ngại về căn bệnh này. Quan điểm của ông ra sao?
 
Ở đâu có tham nhũng ở đó có dối trá. Vì tham nhũng đang ở giai đoạn con người phát triển đến trình độ văn minh đáng kể rồi. Người ta không thể công khai, không thể khoe khoang tham nhũng.

Tham nhũng không những chỉ được giấu giếm ở trong quan điểm của luật pháp mà cả văn hóa. Kẻ đưa tiền và nhận tiền đều dối trá, điều đó thể hiện áp lực của nền văn minh nhân loại. Cơ chế tạo ra dối trá. Nói dối thì mới tồn tại được thì tại sao không nói dối? Giáo dục càng đầy đủ thì dối trá càng tinh vi càng phát triển. Nếu nói không có giáo dục không phải. Càng có giáo dục bao nhiêu thì dối trá càng khủng khiếp bấy nhiêu. Sự dối trá lớn nhất hiện nay là sự phái sinh của thị trường tài chính trên thế giới hiện nay. Sự dối trá được thể hiện trong sự phát triển đầy đủ của trí tuệ, của khoa học.

 
Cứu vãn điều đó thì phải làm thế nào?
 
Phải luôn luôn cải cách hành chính, tư pháp, hành pháp và phải bổ sung hàng ngày các biện pháp kiểm soát quyền lực. Nếu chúng ta nghĩ làm quan rồi thì không muốn nhức đầu nữa, chỉ muốn nhàn hạ là chết. Làm quan là quá trình lao động khổ sai. Đừng nghĩ rằng người ta chỉ hạn chế hai nhiệm kỳ tức là hạn chế chiều dài của cầm quyền. Không phải như thế vì đến đó năng lực cụ thể của con người là hết "đát" rồi, vừa lạc hậu về nội dung, vừa hạn chế về hình thức, kiệt quệ về sức lực.
 
Nhưng thực tế hiện nay có những người suốt đời chỉ có nghề "làm cán bộ", thưa ông?
 
Nếu là lao động thật thì không ai lao động khủng khiếp như thế được. Suốt đời làm cán bộ cũng có thể là không làm gì. Đó là thực tế, không phải ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Nó đẻ ra khủng hoảng kinh tế công và nợ công toàn cầu. Sự tham nhũng ở các nước phát triển đã đến tầm triết học, tham nhũng ở ta ở mức ăn cắp vặt thôi và đang đến chuyên nghiệp.

Xin cám ơn ông!
 

Điều gì ông thấy lo ngại khi nghĩ về nông thôn hiện nay?
 
Bi kịch lớn nhất của xã hội chúng ta là không nhiều lãnh đạo am hiểu nông thôn, có người sinh ra ở nông thôn cũng không hiểu, vì con người chóng quên, cho nên nhiều chính sách không cùng ngôn ngữ với nông dân. Ví dụ chúng ta biến việc lấy đất nông nghiệp để công nghiệp hóa là chúng ta đã biến quan hệ đó thành quan hệ đối kháng giữa phát triển công nghiệp và nông thôn. Đấy là một sự vụng về, ngốc nghếch về chính trị. Phải nhìn nhận lại một cách có hệ thống. Đó là vấn đề lớn.
 
Phải nhớ rằng nông thôn Việt Nam là vườn ươm của nền văn hóa Việt Nam. Nếu cứ lấy đất, biến nông dân thành cửu vạn là chúng ta đang tiến công tiêu diệt nền văn hóa của Việt Nam.
 
Theo NNVN

Các tin cũ hơn