Ngày 5-7, Bộ Tài chính họp báo. Hai vấn đề tăng giá điện 5% và điều hành giá xăng được nhiều báo quan tâm. Đến nỗi một đại diện Cục Quản lý giá phải thốt lên: Bộ Công Thương đã họp báo rồi (thực tế không họp) sao báo chí còn hỏi giá điện?
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay: Việc tăng 5% giá điện vì sao thì hôm họp báo Chính phủ Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nói rồi.
Về mặt chuyên môn, cá nhân tôi cho rằng phải đánh giá khách quan toàn diện. Điện là sản phẩm thiết yếu cho toàn quốc gia. Nếu cứ để giá bán thấp hơn giá thành là không được. Đối với ngành điện về giá phải tính đúng tính đủ.
Việc công khai giá thành sản xuất điện là đòi hỏi chính đáng của người tiêu dùng.
Nhưng qua phân tích, việc EVN tăng giá điện 5% được xem là không có cơ sở (giá than chỉ chiếm 20% trong sản xuất điện và trước 1-7 cũng chưa tăng giá; tỷ giá ổn định; nước cho thuỷ điện không thiếu...). Còn việc tăng giá để bù lỗ cho EVN là không thoả đáng, vì không thể bắt người dân gánh lỗ do điều hành kém, đầu tư ngoài ngành...?
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Nói giá điện tăng không có cơ sở là chưa thấu đáo. Không có chuyện người dân phải gánh chi phí do EVN để thất thoát bởi đầu tư ngoài ngành.
Liên quan đến việc đầu tư của EVN, qua thanh tra cũng đã biết, khoản lỗ do đầu từ ngoài ngành ở EVN Telecom hơn 1.000 tỷ đồng nhưng khoản lỗ này không tính vào tổng chi phí lỗ. Sau khi loại trừ khoản lỗ ngoài ngành đó thì EVN vẫn chịu lỗ.
Như vậy, việc cần làm là phải đảm bảo đủ chi phí bù đắp cho sản xuất điện. Điều chỉnh giá điện là cần thiết.
Việc tăng giá điện lần này vẫn bất ngờ với dư luận bởi trước đó khi được hỏi EVN vẫn nhất mực khẳng định không tăng giá. Bộ Công Thương cũng nói chưa có đề xuất gì cả. Bộ Tài chính lúc đó cũng lên tiếng nói là chưa tăng giá. Vậy việc tăng giá thời điểm này có hợp lý?
Bà Nguyễn Thị Thuý Nga (Cục phó Quản lý giá): Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ đã cho phép việc tăng giá 5% hoàn toàn thuộc quyền của EVN.
Vấn đề này Bộ Công Thương đã họp báo nói rồi sao báo chí còn hỏi (giá điện-pv) ở đây nữa...(thực tế lần tăng giá này Bộ Công Thương không tổ chức họp báo-PV)
Tăng giá điện 5% sẽ tác động đến nền kinh tế, cụ thể ở đây là chỉ số giá tiêu dùng như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Thuý Nga: Với điều kiện giá cả các mặt hàng khác ổn định, theo tính toán của Cục quản lý giá thì sẽ tác động vòng 1 đến các mặt hàng có sử dụng điện là 0,123%; tác động tới vòng 2 là 0,246% và tính chung tác động tới CPI cả năm là 0,369%.
Giá xăng dầu: Giao vẫn cần kiểm soát
Vừa qua Bộ Tài chính đã trả lại cơ chế tự điều chỉnh giá cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 84, liệu có đảm bảo tính minh bạch hay không? Bộ Tài chính sẽ xử lý ra sao với khoản lỗ 5.000 tỷ đồng của các DN này?
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Việc giao cho doanh nghiệp quyền điều chỉnh giá trong bối cảnh này là để từng bước tiến đến một thị trường cạnh tranh. Giải pháp hiện nay vẫn là giải pháp tình thế thôi. Tuy nhiên, vẫn nên để doanh nghiệp có một phần chủ động.
Việc trước đây từng giao cho DN tự quyết định giá rồi lại đòi lại, giờ lại trao trả doanh nghiệp thể hiện sự loay hoay trong chính sách. Liệu tới đây với quyền tăng - giảm chủ động có e ngại các DN kinh doanh xăng dầu sẽ bắt tay nhau không?
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Hiện Bộ Tài chính đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến thị trường thế giới để điều chỉnh giá bán trong nước cho phù hợp. Nguyên tắc điều hành giá xăng, dầu sẽ dựa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội.
Tôi xin nói rõ là việc chính thức giao quyền tự quyết về giá xăng do chưa xử lý được vấn đề gốc nên chưa có giải pháp lâu dài. Việc giao quyền phải trên cơ sở quản lý của nhà nước, có phương thức và cơ chế giám sát do đây là mặt hàng quan trọng, thiết yếu với nền kinh tế.