Bất ngờ thông tin Việt Nam sắp nhập... thịt lợn

Thứ sáu, 06/07/2012, 08:15
Nhập khẩu thực phẩm cho thấy việc quản lý, kiềm chế dịch bệnh, tái đàn trong chăn nuôi còn nhiều vấn đề.
Cuối tháng 6 vừa qua, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, dịch lợn tai xanh đã tấn công nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Cùng với cúm gia cầm, dịch lở mồm, long móng, dịch lợn tai xanh đang là “cơn bão” đối với người chăn nuôi.
 
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cũng bày tỏ sự lo ngại: “Hiện có rất nhiều trang trại chăn nuôi treo chuồng. Nếu tình hình này còn tiếp diễn, có thể 2 tháng nữa hoặc vào dịp cuối năm, chúng ta sẽ phải chi một khoản ngoại tệ để nhập khẩu thực phẩm”. Đây thực sự là tin “sét đánh” đối với người chăn nuôi, người tiêu dùng và nền kinh tế nói chung.
 
Dịch bệnh bùng phát, khó kiềm chế
 
Đại diện bộ NN&PTNT trong cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh gia súc và gia cầm mới đây xác nhận: Dịch cúm gia cầm chưa kiềm chế xong thì dịch lợn tai xanh lại bùng phát ở nhiều địa phương. Diễn biến dịch bệnh rất phức tạp và nguy cơ lây lan rộng tại khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là rất cao.

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân bùng phát là do lây lan từ thực phẩm lậu, thẩm thấu trái phép qua biên giới.

 
Nhiều người chăn nuôi treo chuồng vì sơ dịch bệnh

Thứ trưởng Diệp Kính Tần yêu cầu các địa phương nhanh chóng dập tắt dịch bệnh, đồng thời tìm mọi biện pháp kiểm soát việc xuất lợn thịt tràn lan qua biên giới. Tuy nhiên, trong thời gian qua, khi dịch là lở mồm, long móng và cúm gia cầm chưa chấm dứt thì dịch lợn tai xanh lại bùng phát dữ dội.
 
Như vậy, nguyên nhân bùng phát bắt đầu từ đâu?. Theo các chuyên gia của bộ NN & PTNT, muốn dịch không bùng phát phải phòng chống tận gốc. Cụ thể, công tác này phải được các địa phương tiến hành thường xuyên, liên tục. Thực tế cho thấy, dịch đến địa phương nào, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, kinh tế của địa phương đó.
 
Nhưng nhiều cấp chính quyền vẫn tỏ ra thờ ơ, lơ là trong công tác phòng chống, chỉ đến khi dịch bệnh xảy ra mới cuống cuồng cầu cứu lên trên thì đã muộn. Thiệt hại lớn nhất vẫn là người chăn nuôi. Lợn chết hoặc có thoát bệnh cũng không bán được ra thị trường dẫn đến không thể thu hồi vốn để trả nợ ngân hàng.
 
Để hỗ trợ các địa phương chống dịch, đến nay, bộ NN & PTNT đã cấp gần 300.000 liều vaccine tai xanh, đồng thời cử cán bộ xuống tận cơ sở trực tiếp chỉ đạo công tác chống dịch. Bộ NN & PTNT yêu cầu các tỉnh như Bạc Liêu, Bắc Ninh, Đồng Nai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Điện Biên, Hà Nội, Bình Dương... phải quyết liệt triển khai các biện pháp chống dịch, tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch; giao trách nhiệm cho chính quyền cơ sở quản lý chặt ổ dịch, tạm thời cấm vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn tại các huyện có dịch; tổ chức thường xuyên tiêu độc khử trùng môi trường, không để dịch lây lan.
 
Nguy cơ thiếu thực phẩm, “sốt” giá
 
Đại diện cục Chăn nuôi cho biết: Hiện nay, đàn lợn đã giảm đến 1/3, thậm chí 1/2 so với trước. Nhiều trang trại đã “treo chuồng” được 2 – 3 tháng nay. Người chăn nuôi lớn không dám đầu tư vì sợ dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng đến họ.
 
Vị đại diện này còn tiết lộ: Thực tế những chủ trang trại chăn nuôi lớn, chuyên nghiệp thường biết cách bảo vệ lợn, gia cầm không bị nhiễm dịch dù đang ở trong vùng dịch. Thế nhưng, họ vẫn không dám gối đàn vì sợ phải hứng ảnh hưởng dây chuyền của rớt giá. Chủ trang trại lo sợ không tiêu thụ được thực phẩm chứ không phải sợ dịch bệnh.

Điều này cho thấy, các chủ trang trại của chúng ta hiện nay thực hiện chăn nuôi chuyên nghiệp, chủ động phòng ngừa dịch bệnh tốt hơn. Dịch bệnh thường bùng phát ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, rồi lây lan ra chứ ít khi xuất phát từ các vùng chăn nuôi chuyên nghiệp.

 
Theo nhận định của các cơ quan chức năng thì tại các tỉnh có dịch bệnh (lợn tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm) như Quảng Nam, Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Ninh, Điện Biên hiện nay, tình thực phẩm đang rất hỗn loạn.

Những người hiểu biết về bệnh dịch thì kiêng đến mức không dám mua thịt lợn, thịt gia cầm để ăn, làm cho giá thực phẩm rớt thê thảm, ảnh hưởng trực tiếp đến người chăn nuôi. Có những nơi, thương lái còn “thổi” giá khiến thực phẩm (được cho là thực phẩm sạch) càng trở nên sốt.

 
Ông Trần Văn Đức (cán bộ chuyên theo dõi về giá cả thị trường, đã về hưu, ở Hà Nội) cho biết: Thị trường Hà Nội và các tỉnh có bệnh dịch đều rất “nhạy cảm” với thực phẩm. Khi dịch diễn ra, thương lái co thêm nhiều lý do để “làm hàng” người tiêu dùng. Thực tế, ta chưa có giá chuẩn, chưa có thực phẩm sạch đúng nghĩa.

Vì vậy, trong “cơn bão”, nơi này thương lái “trúng quả”, nơi kia người chăn nuôi bị ghìm giá tới mức thua lỗ (dù lợn không mắc dịch) là chuyện rất bình thường. Bởi thế, theo tôi, việc để thực phẩm “sốt” hoặc thiếu, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, lỗi do chính quyền địa phương, do ngành dọc làm không tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.

 
Lãnh đạo bộ NN & PTNT từng nói rằng: Không phải nhập khẩu thực phẩm, chúng ta thừa sức tự chăn nuôi và cung cấp thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước, thậm chí còn xuất khẩu. Vậy, tại sao, bây giờ lại dự tính rằng, chỉ trong 2 – 4 tháng nữa sẽ nhập khẩu thực phẩm là sao?”
 
Thiệt đơn, thiệt kép nếu phải nhập khẩu
 
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, xuất ngoại tệ để nhập những mặt hàng chúng ta chưa có điều kiện sản xuất được là chuyện bình thường. Nhưng nhập khẩu thực phẩm lại cho thấy có nhiều vấn đề về quản lý trong chăn nuôi của ngành nông nghiệp.

Bởi, nếu làm tốt hơn, chủ động, quyết liệt phòng dịch thì có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ phải nói đến chuyện nhập khẩu thịt lợn như công bố mới đây của ngành nông nghiệp.

Quy luật vận động của nền kinh tế, muốn ổn định vĩ mô thì phải kiểm soát được nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu, hạn chế dùng ngoại tệ mạnh nhập những mặt hàng mà chúng ta có khả năng sản xuất ra.

 
Về chuyện nhập khẩu thực phẩm, nhất là thịt lợn, đầu năm 2012, thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên từng trả lời báo chí: “Trong thời gian gần đây xuất hiện thông tin Bộ Công Thương đề xuất cho phép nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn. Đó chỉ là thông tin thất thiệt. Bộ chưa ban hành kế hoạch hay cấp bất kỳ giấy phép nào về nhập khẩu thịt lợn”. Nhưng, với tình hình dịch bệnh thời điểm hiện tại, nếu dự báo thành hiện thực, liệu chuyện nhập khẩu thịt lợn có xảy ra?
 
Bà Nguyễn Thị Hiền - trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NN & PTNT, Bắc Giang) cho biết: Nửa tháng trở lại đây, một số trang trại đã giảm tổng đàn đến 60-70%, “đầu ra” gặp vô vàn khó khăn và luôn trong tư thế bị ép giá. Nếu kéo dài tình trạng này dẫn đến phải nhập khẩu thịt lợn thì cả Nhà nước và người dân đều thiệt.
 
Chung quan điểm với bà Hiền, ông Hoàng Văn Việt, chủ trại chăn nuôi ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh cho rằng, gói cứu trợ cho chăn nuôi cần được Nhà nước xem xét thực hiện sớm. Còn ngành nông nghiệp phải đẩy việc giải quyết dịch bệnh lên thành vấn đề cấp bách. Làm được như vậy, dịch bệnh mới bị đẩy lùi; việc tái nuôi, gối đàn sẽ trở lại.
 
Giá rớt thê thảm
 
Theo bộ NN &  PTNT thì hiện nay, không chỉ riêng thịt lợn mà giá của các sản phẩm chăn nuôi đều đang xuống rất thấp. So với đầu tháng 3.2012, giá thịt lợn, trứng gia cầm hiện nay giảm mạnh, giá thịt lợn giảm trung bình 18-20%, giá thịt gia cầm giảm, thậm chí giá trứng giảm tới 40%. Như vậy, người chăn nuôi và người tiêu dùng đều đang ở trong cơn “bĩ cực” của dịch.
 


Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn