Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc thu mua tạm trữ 500.000 tấn gạo trong vụ hè thu năm nay nhằm tháo gỡ khó khăn cho người nông dân trong việc tiêu thụ lúa.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo cho đến nay có khá nhiều bất cập, chỉ có lợi cho doanh nghiệp hơn là chính người nông dân.
Trong vụ đông xuân đầu năm nay, khi giá lúa xuống thấp, Chính phủ cũng cho phép thực hiện tạm trữ 1 triệu tấn gạo, theo phương án Nhà nước hỗ trợ bù lãi suất cho các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) trong vòng 3 tháng với giá thu mua tối thiểu 5.000 đồng/kg.
Việc thu mua tạm trữ 500.000 tấn gạo có thể biến thành cơ hội kiếm tiền cho một số doanh nghiệp
Tính ra, các doanh nghiệp được “ăn không” lãi suất của 5.000 tỷ đồng trong 3 tháng (khoảng 200 tỷ đồng).
Lần này, các doanh nghiệp thuộc VFA lại tiếp tục được Nhà nước bù lãi suất để thu mua 500.000 tấn gạo với giá 5.200 đồng/kg (tương đương 2.600 tỷ đồng), phần lãi suất mà doanh nghiệp được hưởng là gần 100 tỷ đồng.
Có thể thấy, chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo hiện nay đã không còn tác động đáng kể tới thị trường. Bằng chứng là dù được hỗ trợ thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong vụ đông xuân, song giá lúa thực tế trên thị trường vẫn rất “lẹt đẹt”, dao động quanh mức 4.900-5.050 đồng/kg, tức dưới hoặc chỉ bằng giá sàn.
Nắm bắt được bất cập này, đã có nhiều ý kiến đề xuất cần thay đổi phương án thu mua tạm trữ lúa gạo trong vụ hè thu này theo hướng hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân thu mua lại chính lúa gạo của mình. Nhưng khó khăn là người nông dân lại không có kho để chứa, và phương án cuối cùng là lại hỗ trợ qua doanh nghiệp.
Chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo đã được thực hiện từ nhiều năm nay với 1-2 đợt mỗi năm. Song cho đến nay, vẫn chưa hề có một báo cáo, đánh giá tổng kết về những hiệu quả của chính sách này.
Đặc biệt, trong suốt quá trình thu mua tạm trữ, các cơ quan chức năng cũng không có sự giám sát nào đối với các doanh nghiệp, mà cứ để cho họ muốn mua thế nào thì mua. Thậm chí số lượng thực mua vào cũng không được kiểm tra, nên có thể doanh nghiệp mua vào số lượng thấp hơn thực tế, trong khi họ vẫn được cấp bù lãi suất.
Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại hiệu quả thực tế của chính sách này để có những điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp, đảm bảo lợi ích cho những người nông dân trực tiếp sản xuất ra lúa gạo cho đất nước.