“Chưa có bất cứ kế hoạch nào sáp nhập Phương Nam vào Sacombank”
Thứ sáu, 06/07/2012, 07:15
Sau hai tháng những đại diện của nhóm cổ đông mới tham gia ban lãnh đạo, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) hiện như thế nào? Có hay không việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam và “Phương Nam hóa” Sacombank?
Những tin đồn, quan điểm trái chiều, dư luận…. tất cả được ông Kiều Hữu Dũng, Thành viên HĐQT độc lập, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank, trao đổi thẳng thắn trong cuộc trả lời phỏng. Ông cho biết:
Về cơ bản mô hình quản trị của Sacombank được giữ nguyên, chỉ thay đổi một số khiếm khuyết để nó hoàn thiện hơn. Sáu tháng đầu năm, Sacombank đạt 1,700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Tháng 9/2012, ngân hàng dự kiến tăng vốn 14% bằng cổ phiếu, sau đó sẽ bán 10% cổ phiếu quỹ cho nước ngoài. Mục tiêu là bán cho nước ngoài 15% vốn, nên sẽ phát hành thêm 5% để bán cho đủ.
Nguồn thặng dư có được từ bán cổ phần cho nước ngoài sẽ dùng để chia thưởng bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15%. Việc chọn lựa đối tác nước ngoài đang được xúc tiến và chúng tôi sẽ công bố ngay khi có kết quả thương lượng cụ thể.
Cám ơn ông đã cho biết những con số thuần túy dữ liệu. Tuy nhiên mối quan tâm của giới đầu tư là liệu có một sự hòa hợp giữa các thành viên ban lãnh đạo cũ và mới không, thưa ông?
Có sự đồng thuận giữa ban lãnh đạo cũ và mới. Tất cả chúng tôi xác định mục tiêu cao nhất là vì quyền lợi của cổ đông, của ngân hàng, của người lao động và khách hàng.
Trong đại hội cổ đông, Sacombank đã bổ sung một định hướng hoạt động là tham gia mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Định hướng này hiện đang được triển khai như thế nào? Nó có liên quan gì đến phỏng đoán ngân hàng Phương Nam sẽ sáp nhập vào Sacombank, nhất là khi khá nhiều lãnh đạo của Phương Nam đang tham gia điều hành Sacombank?
Cho đến nay chưa có bất cứ một ý tưởng hay kế hoạch nào trong việc sáp nhập Phương Nam vào Sacombank. Ban lãnh đạo mới tập trung ổn định hệ thống bộ máy nhân sự cấp trung và cấp cơ sở.
Với kinh nghiệm đã từng tham gia giám sát các ngân hàng khi còn công tác tại Ngân hàng Nhà nước (ông Kiều Hữu Dũng nguyên là vụ trưởng vụ Các ngân hàng, NHNN – NV), tôi thật sự ngạc nhiên khi nhận thấy bộ máy nhân sự cấp cơ sở và cấp trung của Sacombank khá tốt, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ.
Còn nhân sự cấp cao thưa ông?
Về kiến trúc thượng tầng, Hội đồng quản trị nỗ lực hoạt động theo chuẩn mực hiện đại, công khai minh bạch, tạo không khí làm việc thân mật, cởi mở.
Trên thực tế bộ máy nhân sự cấp cao của Sacombank thay đổi nhiều, kể cả vị trí chủ chốt như Tổng giám đốc. Liệu thực tế này có minh chứng cho sự đồng thuận như ông khẳng định ở trên?
Thay đổi bộ máy cấp cao không phải là điều bất thường trong mua bán sáp nhập (M&A). Kết hợp bộ máy cũ và mới có tác dụng bổ sung ưu, khuyết điểm của nhau; đồng thời giúp kiểm soát, phát hiện, xử lý những bất hợp lý.
Xây dựng lòng tin lẫn nhau là cả con đường dài phải đi, nó đòi hỏi thời gian. Song trước mắt các cuộc họp Hội đồng quản trị đều mang tính đối thoại thẳng thắn.
Nghe ông nói thì hình như không có mâu thuẫn giữa cổ đông cũ và mới. Nhưng hẳn ông cũng nghe dư luận từ cả năm nay vẫn sử dụng từ “thâu tóm” khi đề cập đến nhóm cổ đông mới của ngân hàng?
Trong kinh doanh xây dựng định chế ngày càng lớn, qui mô ngày càng to, thì càng tạo được lợi thế cạnh tranh. Việc một số cổ đông lớn tham gia vào Sacombank là để tận dụng qui luật đó. Cụ thể là tận dụng một hệ thống tốt để nhân rộng nó ra.
Nhận xét một cách công bằng, hoạt động của Sacombank trước đây ở thượng tầng chưa hoàn chỉnh lắm dẫn đến những cổ đông chiến lược nước ngoài rời khỏi ngân hàng. Điều đó chứng tỏ hệ thống quản trị cần phải được củng cố và xây dựng theo chuẩn mực quốc tế để thu hút đầu tư nước ngoài lâu dài.
Ý ông là không phải “thâu tóm”?
Dùng từ “thâu tóm” hay “đầu tư” không quan trọng, vấn đề cốt lõi là tạo ra một thể chế tốt hơn, có lợi cho nhiều phía, nhiều người, cả cổ đông cũ và mới, một sự có lợi cân bằng.
Nhìn lại việc các cổ đông mới vay tiền những ngân hàng khác để mua cổ phiếu, cứ cho là đầu tư lâu dài vào Sacombank, trong khi tỷ lệ tiền tươi thóc thật tương đối hạn chế, ông có nghĩ động thái đó chứa đựng rủi ro?
Sử dụng các công cụ tài chính được luật pháp cho phép trong đầu tư là bình thường. Cái chính là việc đầu tư mang lại lợi ích lớn hơn, đủ khả năng sinh lời và tạo nên thặng dư.
M&A Sacombank là khoản đầu tư có lời và đem lại lợi nhuận lớn nếu Sacombank trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu của Việt Nam.
Giả sử không có từ “nếu”, Sacombank không vươn tới được vị trí hàng đầu, giá trị khoản đầu tư sụt giảm…?
Trong bất cứ thương vụ M&A nào, nhà đầu tư bao giờ cũng tính toán biên độ giá trung bình mà họ có thể chấp nhận được. Suốt quá trình đó, giá cổ phiếu có lúc xuống có lúc lên.
Nhóm cổ đông mới đã đầu tư vào Sacombank trong giai đoạn khá dài, giá biến động từ 21,900 đồng đến 11,900 đồng/cổ phiếu. Tôi cho rằng đó là mức giá hợp lý căn cứ trên giá trị Sacombank và bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Ý của ông là…?
Kinh tế Việt Nam đang trong thời điểm khó khăn. Thông thường lúc này hoạt động M&A diễn ra mạnh mẽ. Các thương vụ M&A lớn hầu hết được tiến hành trong thời điểm kinh tế khủng hoảng vì ba lý do: giá mua bán tốt, quá trình M&A thuận lợi và tạo ra sức cạnh tranh trong tương lai cho doanh nghiệp để giá trị đầu tư nhân lên khi kinh tế phục hồi.
Xin được hỏi một câu mà nếu cảm thấy không thoải mái, ông không cần trả lời. Có ý kiến rằng với một thương vụ M&A tầm cỡ như Sacombank, không thể nào tránh khỏi sự đụng chạm của các nhóm lợi ích. Ông có chia sẻ ý kiến này?
M&A làm phát sinh các mối quan hệ phải xử lý, thậm chí có mâu thuẫn khác biệt giữa các bên. Tôi cho rằng doanh nhân nào cũng đặt mục tiêu lợi nhuận phù hợp với luật pháp. Với đích ấy, các mâu thuẫn cần và phải được thu xếp hài hòa, đảm bảo lợi ích các nhóm và tôn trọng pháp luật.
Đến nay các bên ở Sacombank đều có mục tiêu chung là bảo đảm sự ổn định và phát triển của ngân hàng.
Câu hỏi cuối. Cá nhân ông có tin Sacombank sẽ trở thành một trong những định chế tài chính hàng đầu và vận hành theo chuẩn mực quốc tế?
Sau hơn một tháng tham gia vào Hội đồng quản trị, tôi ấn tượng trước hệ thống cung cấp dịch vụ và phục vụ khách hàng của Sacombank – điểm nhấn của một ngân hàng bán lẻ. Đấy không phải ngợi khen quá lời.
Song như tôi đã nói, Sacombank cần cải thiện quản trị cấp cao. Ban lãnh đạo hiện hành đang phấn đấu để đạt được điều ấy và một khi đạt được, Sacombank sẽ tạo được khoảng cách với những ngân hàng phía sau. Cá nhân tôi sẽ cố gắng góp sức vào quá trình đó.