Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam: Cắt "sở hữu chéo" trị nợ xấu

Thứ năm, 05/07/2012, 11:28
"Chặn" vốn vào sản xuất, rủi ro hệ thống do tỷ lệ vượt quá giới hạn an toàn... Sức ép giải quyết nợ xấu là có thật. Tuy nhiên, nếu không phân loại nợ xấu và "cắt" tình trạng "sở hữu chéo" ở các ngân hàng (NH), xử lý nợ xấu sẽ rơi vào tình trạng "quýt làm cam chịu" và không "trị" tận gốc căn bệnh này trong hệ thống NH của chúng ta.
Sở hữu chằng chịt
 
Theo NHNN, nợ xấu chiếm khoảng 10% trong toàn hệ thống, tương đương với 258.000 tỉ đồng (khoảng 12 tỉ USD). Đây là một tỷ lệ rất cao và rủi ro. Nếu không giải quyết món nợ này, các NH vẫn tiếp tục huy động, nhưng để nuôi nợ xấu chứ không thể cấp vốn cho sản xuất. 

Cần tách bạch các loại nợ xấu của ngân hàng khi xử lý - Ảnh: D.Đ.Minh

Nói vậy để thấy, sức ép giải quyết nợ xấu là hết sức cấp thiết. Tuy nhiên, chúng ta đều biết, bản chất của các NH cổ phần tại VN là sở hữu chéo chằng chịt. Chuyện một cổ đông lớn, một nhóm đầu tư sở hữu cổ phần ở nhiều NH; NH này sở hữu NH kia; các tập đoàn, doanh nghiệp sở hữu NH, thành lập các mô hình công ty cổ phần đầu tư tài chính để làm "sân sau" cho NH... rất phổ biến, gây ra một loạt các hệ lụy.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia: Minh bạch, công khai các khoản nợ xấu
 
Chúng ta có thể thành lập công ty mua bán nợ xấu thuộc NHNN nhưng để tránh tiêu cực, lợi ích nhóm, hoạt động của nó phải được công khai, minh bạch thông qua việc lập thêm hội đồng liên ngành về xử lý nợ. Vì đáng ngại nhất khi xóa nợ là không thể xóa được tiêu cực. Phải đưa ra tiêu chí, căn cứ cụ thể để mua, xóa nợ. 

Ví như, DN nợ, thua lỗ do nguyên nhân khách quan (thiên tai, hỏa hoạn, bão lũ, dịch bệnh) thì được khoanh, xóa nợ hoặc với các DN khác, nợ nần do kinh doanh yếu kém, chủ quan, cùng lắm chỉ khoanh lại, không cho vay mới và từ từ đòi nợ. DN nào thấy hỗ trợ cũng không thể phát triển được thì phải chấp nhận cho phá sản, coi như cái giá phải trả cho chương trình tái cơ cấu.
 
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng: Xử lý nợ tránh làm thất thoát vốn nhà nước
 
 Nếu NHNN tính đến phương án mua lại nợ xấu của các tổ chức tín dụng yếu kém cần cân nhắc 3 vấn đề: nguồn lực tài chính; hoàn thiện môi trường pháp lý về việc mua bán nợ; và phải tính toán cụ thể mức giá mua và dự kiến sau này thoái vốn như thế nào để đảm bảo không quá thiệt thòi cho vốn ngân sách nhà nước. 

Phải xây dựng được thị trường mua bán nợ để xử lý khoản nợ được mua lại, vì khi mua chẳng ai muốn ôm cục nợ đó. Bên cạnh đó, NHNN cũng cân nhắc việc cử người tham gia giám sát, điều hành ở các NH thương mại và các công ty này phải có chuyên gia giỏi về xử lý nợ. 

Công ty mua bán nợ này nên được hoạt động độc lập nhưng phải có sự giám sát của một cơ quan nào đó, như Quốc hội chẳng hạn.
Đơn cử, theo quy định, NH không được cho chính người sở hữu vay vốn nhưng nhờ "sở hữu chéo" như nói trên, hầu hết các NH cổ phần đều cho chính chủ của mình vay vốn thông qua việc cho công ty con, công ty trực thuộc, công ty liên đới, công ty bạn, công ty của những công ty con... vay. Vào thời điểm kinh tế tăng trưởng thuận lợi, ai cũng có tiền để quay vòng thì mọi chuyện đều ổn.
 
Nhưng vào lúc kinh tế gặp khó khăn như mấy năm gần đây, nhiều khoản vay này trở thành nợ xấu khi "sân sau" gặp khó khăn không thể trả; thậm chí nhiều khoản nợ xấu, NH cũng không ráo riết thu hồi vì "người nhà vay". 

Uớc tính của chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, người thành lập NH First Vietnamese-American Bank, NH người Việt đầu tiên tại Mỹ, khoản nợ xấu từ các "sân sau" này chiếm không dưới 25% trong tổng nợ xấu của toàn hệ thống NH, tương đương giá trị 65.000 tỉ đồng.
 
Với bản chất "sở hữu chéo" này, nếu xử lý nợ xấu theo cách mà chúng ta đang đưa ra hiện nay (giãn nợ, gia hạn nợ, mua nợ xấu cho toàn hệ thống NH) sẽ dẫn đến tình trạng tiền thuế của dân được sử dụng để "cứu" các ông chủ NH, các nhóm lợi ích.
 
Không chỉ vậy, "sở hữu chéo" còn đẩy hệ thống NH của ta đến tình trạng cực kỳ rủi ro. Đơn cử theo quy định hiện nay, vốn pháp định tối thiểu của NH phải là 3.000 tỉ đồng. Nhưng với sở hữu chéo, các NH hoàn toàn có thể "lách" thông qua việc vay vốn từ NH này, góp cho NH kia và ngược lại. 

Cả 2 NH này đều báo cáo tăng vốn, các ông chủ NH cũng tăng sở hữu nhưng thực chất chỉ là tăng ảo. Như vậy, quy định an toàn vốn bị vô hiệu hóa. Cũng có nghĩa là, nếu loại bỏ yếu tố “sở hữu chéo”, vốn thực chất của các NH bị rút xuống thấp hơn nhiều so với con số công bố hiện nay. 

“Sở hữu chéo” cũng giúp các NH "phù phép" nợ xấu khi cần thiết. Họ có thể chuyển khoản nợ này từ NH này sang NH kia. Thay vì nói là dư nợ cho vay thì gọi là tài sản khác, ủy thác đầu tư... Bằng cách này, không chỉ các quy định nợ xấu bị vô hiệu hóa, NH còn không phải trích dự phòng rủi ro.
 
Tác hại của chuyện "sở hữu chéo" là đổ vỡ. Đó là lý do Mỹ và hầu hết các nước trên thế giới tuyệt đối cấm “sở hữu chéo” trong ngành NH.
 
Không mua nợ "sân sau"
 
Giải quyết nợ xấu là cần thiết nhưng vì sở hữu chằng chịt như phân tích trên, nợ xấu của hệ thống NH nhất thiết phải được phân loại cụ thể trước khi xử lý. Nợ xấu nào nhà nước có thể đứng ra "dọn dẹp" nhằm khơi vốn vào sản xuất; loại nợ xấu nào NH tự chịu trách nhiệm phải tách bạch, rõ ràng để không lấy vốn ngân sách phục vụ nhóm lợi ích.
 
Tiến sĩ Lê Trọng Nhi, chuyên gia tài chính NH, cho rằng không khó để nhận dạng các loại nợ xấu này, vấn đề là NHNN muốn làm hay không. Sử dụng khái niệm "nợ xấu giả" cho loại nợ xấu từ "sân sau" của các NH cổ phần; nợ từ việc cho vay quá số vốn cần thiết ở các dự án công... ông Nhi cho rằng nếu làm đúng, đủ, các loại nợ xấu này đã "ăn cụt" vốn của không ít NH.
 
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng khẳng định khi vấn đề nợ xấu được giải quyết trên tầm mức quốc gia, nên tách bạch loại nợ xấu. Những món nợ đúng quy định, với một giới hạn tối đa dựa trên vốn chủ sở hữu của NH cho vay (15% cho một khách hàng có liên quan, và 25% cho nhóm khách hàng có liên quan). Những loại tín dụng đã giúp doanh nghiệp có vốn làm ăn và đóng góp nhiều cho nền kinh tế; Nợ trong trường hợp người đi vay gặp khó khăn thật sự, cần được hỗ trợ hoặc xử lý công bằng và nghiêm túc. 

Còn những món nợ xấu cho vay trong mối quan hệ chồng chéo, quan hệ "sân sau" thì các NH phải chịu trách nhiệm. "Với loại nợ xấu mà người đi vay là những bên liên quan, đã vay được những món tiền hậu hĩnh với những điều kiện ưu đãi. Nay những người này lại mất khả năng thanh toán lại được nhà nước cứu thì hóa ra cả nền kinh tế đang “vỗ béo” cho các đại gia, các nhóm lợi ích và các NH được sử dụng như là một sân sau của các thế lực tài chính", ông Hiếu nói. 
 
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công của Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, phân tích doanh nghiệp đầu tư sai thì bị siết nợ, NH cho vay sai thì cũng phải chấp nhận phá sản, sáp nhập. Không thể có chuyện, NH kinh doanh có lãi thì hưởng, nhưng nợ xấu cao lại được nhà nước đứng ra dọn dẹp hộ rồi NH đó, các ông chủ NH đó, vẫn tiếp tục tồn tại, tiếp tục là ông chủ.
 
Xử lý nợ xấu từ “sở hữu chéo” là động chạm đến các nhóm lợi ích. Nhưng vấn đề này không chỉ dừng ở nghịch lý việc lấy tiền thuế của dân phục vụ "sân sau" của các NH. Với vị trí độc quyền cung cấp vốn cho nền kinh tế, "sức khỏe" của hệ thống NH có tác động trực tiếp tới sức khỏe nền kinh tế. Nếu vẫn để tình trạng này tiếp diễn, rủi ro hệ thống là rất lớn. Xử lý nợ xấu NH một cách minh bạch, sòng phẳng, công khai để thực hiện quyết tâm tái cơ cấu NH của Chính phủ, người dân đang chờ đợi câu trả lời từ NHNN.
 
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính: Nguyên tắc là mua nợ xấu giá rẻ
 
 
Để tiến trình xử lý nợ xấu được nhanh hơn thì có thể thành lập công ty mua bán nợ của quốc gia. Nguyên tắc là mua lại nợ giá rẻ vì DN và NH tạo ra nợ xấu phải chịu thiệt hại do kinh doanh yếu kém. Ngoài ra, chỉ tập trung mua những khoản nợ quan trọng có tác động thúc đẩy kinh tế, tạo sức lan tỏa.  

Nếu NHNN cho rằng hiện nay nợ xấu khá lớn, là “cục máu đông” gây nguy hiểm cho nền kinh tế, thì không thể để các NH thương mại yếu kém tiếp tục tái cấu trúc theo hướng tự nguyện mà phải can thiệp mạnh, trong đó có sử dụng công cụ công ty mua - bán nợ quốc  gia.

 
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi): Cần thiết thì cho phá sản
 
 
Việc xử lý nợ xấu trong hệ thống NH đòi hỏi nhanh chóng, cấp bách để dòng vốn trong hệ thống NH được lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên phương án thành lập công ty mua bán nợ xấu NH sẽ ngốn vài năm. 

Có nhiều giải pháp khác có thể triển khai nhanh được đó là việc tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài với tư cách là cổ đông chiến lược vào các NH yếu kém. 

Một biện pháp khác là quốc hữu hóa các NH yếu kém. NHNN có thể giao NH yếu kém cho các NH khỏe hơn thông qua việc cho vay tái cấp vốn ưu đãi để tái cơ cấu lại hệ thống NH yếu kém. Còn cho các NH yếu kém sáp nhập lại với nhau hoặc xóa nợ cũng sẽ không giải quyết được vấn đề nội tại của chính họ. 

Sau khủng hoảng tài chính châu Á, các NH nhỏ, yếu kém gần như biến mất (qua hình thức giải thể, phá sản, thôn tính). Châu Âu cũng vậy, họ chỉ cứu NH lớn, còn NH nhỏ tự để phá sản. Việt Nam cũng nên vậy, những NH nhỏ cần cho phá sản thì phá sản chứ không nên nuông chiều như thời gian qua khi viện dẫn lý do ảnh hưởng đến nguồn tiền gửi của người dân.
 
Nhà nước không cần bỏ tiền xử lý các khoản nợ xấu NH mà nên có những giải pháp như không đánh thuế thu hút khối tư nhân tham gia vào lĩnh vực mua bán nợ.
 
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn: Mua nợ xấu bằng trái phiếu
 
Quá trình tăng trưởng kinh tế sẽ dẫn theo việc tăng trưởng nợ là điều tất yếu. Việc mua lại nợ xấu thực chất là mua lại các tài sản nên có thể trả bằng trái phiếu có sự bảo lãnh của NHNN hoặc Chính phủ, lãi suất thấp chỉ 1-2%/năm. 

Chúng ta không chi trả nợ xấu bằng tiền tươi thóc thật nên sẽ không gây áp lực gia tăng lạm phát. Giải quyết được nợ xấu là giúp cho những DN có khả năng tiếp cận được vốn vay mới để hoàn tất các dự án dang dở, góp phần phục hồi kinh tế.

Điều quan trọng nhất là phải có cơ chế mua bán nợ công bằng, đảm bảo khách quan và cần thiết phải có sự giám sát của Quốc hội.
 
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank): Vì lợi ích chung
 
Nên lập công ty có thể 100% vốn nhà nước, hoặc cổ phần nhà nước chi phối thông qua NHNN. Các NH có nợ xấu phải đóng góp một phần tiền của mình dưới dạng ký quỹ có hưởng lãi suất, để tạo nguồn vốn hoạt động cho công ty này. 

Công ty hoạt động theo luật doanh nghiệp, nhưng phải hoạt động dựa trên sự giám sát, thanh tra, kiểm toán thường xuyên. Tất cả tài sản tồn đọng đều sẽ được mua, có cái mua giá cao, cái mua giá thấp. 

Tất cả mọi thành phần đều phải chịu thiệt, NH, DN và xã hội đều phải chịu thiệt một chút vì cái chung của cả nền kinh tế, để lợi ích tất cả cùng hưởng.

 
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn