>> Chứng khoán Bản Việt tăng vốn điều lệ lên 396,9 tỷ đồng
>> "Chứng khoán chưa khởi sắc khi vĩ mô chưa ổn"
>> Khoảng lặng chứng khoán
>> Chứng khoán SBS cam kết làm rõ nguyên nhân thua lỗ
Cùng với việc giá trị giao dịch tăng 25%, thị trường niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trong quý 2 đã chứng kiến sự bùng nổ trong giao dịch của khối ngoại khi giá trị giao dịch của khối này tăng gấp hơn 10 lần so với quý 1.
Như vậy, trái với sự thờ ơ đến vô cảm của giới đầu tư trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài lại trở nên hào hứng hơn với thị trường và kết quả giao dịch trong quý 2 đã phần nào chứng minh được sự hấp dẫn của thị trường niêm yết HNX, ít nhất là vẫn còn trong mắt khối ngoại.
Sau quý 1 ảm đạm, thị trường chứng khoán đã có phục hồi tương đối trong quý 2. Tại HNX, thanh khoản đã liên tục tăng qua các tháng và sự tăng điểm liên tục của HNX-Index. Ngoài việc thanh khoản và quy mô thị trường tiếp tục tăng theo đà tăng của quý 1, chỉ số HNX-Index trong quý 2 cũng đã có thời điểm vượt mốc 80 điểm, mốc cao nhất kể từ tháng 6/2011.
Quý 2/2012, khối ngoại đã giao dịch tổng cộng 144,88 triệu cổ phiếu
với tổng giá trị 1.897,9 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với quý 1.
Bên cạnh những giao dịch sôi động, thị trường giao dịch cổ phiếu niêm yết tại HNX còn đón nhận một loạt những sự kiện quan trọng, có ý nghĩa tạo tiền đề cho sự phát triển của thị trường trong đó có việc khai trương hệ thống CIMS và giới thiệu chỉ số HNX30...
Vượt trên đà tăng trưởng của thị trường, kết quả thực hiện giao dịch khối ngoại đạt được khá ấn tượng trong quý 2 trên sàn HNX. Theo thống kê, từ mức thấp trong quý 1, 14,9 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương đương giá trị đạt 142 tỷ đồng, giao dịch của khối ngoại đã tăng đột biến trong quý 2.
Cụ thể, khối ngoại đã giao dịch tổng cộng 144,88 triệu cổ phiếu với tổng giá trị 1.897,9 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với quý 1. Những mã chứng khoán được khối ngoại giao dịch nhiều nhất là: KLS, NTP, PGS, PVS, PVX, SHB, VCG...
“Đây có lẽ là kết quả của những tín hiệu tích cực về sự hứa hẹn của thị trường niêm yết trên HNX khi liên tục tăng trưởng trong 3 tháng đầu tiên năm 2012. Sự bùng nổ này của nhà đầu tư nước ngoài dường như đã trở thành một cú huých đẩy mạnh thanh khoản của thị trường trong quý 2”, đại diện HNX nhận xét.
Trong quý 2, giao dịch cổ phiếu tại thị trường niêm yết HNX đạt 4.079 triệu cố phiếu (tăng 13,18% so với quý 1), tương đương giá trị giao dịch đạt hơn 42.000 tỷ đồng (tăng 25% so với quý 1). Tính trung bình, sau 62 phiên giao dịch, khối lượng giao dịch trung bình trong quý đạt 65,79 triệu cổ phiếu/phiên và giá trị giao dịch trung bình đạt 688,52 tỷ đồng/phiên. Trong đó, top 10 cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất là: HBB, PVX,VND, KLS, SCR, SHB, SHS, VCG, PVS và WSS với tổng khối lượng giao dịch đạt 1,973 triệu cổ phiếu chiếm 48,3% khối lượng giao dịch toàn thị trường.
Những tín hiệu vĩ mô tích cực như: hạ lãi suất ngân hàng, lạm phát giảm, CPI giảm..., những nỗ lực tích cực trong việc phát triển thị trường chứng khoán cộng thêm sự hấp dẫn của các cổ phiếu khi giá giao dịch giảm xuống mức không thể rẻ hơn được nữa, là một lý do quan trọng quyết định phần nào tới giao dịch của khối ngoại.
Đại diện các quỹ đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam đều có chung một dự báo khi cho rằng, thị trường sẽ tăng điểm bền vững trong quý 3/2012. Đại diện một quỹ đầu tư còn nhấn mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam, mặc dù tăng điểm cao thứ 3 tại châu Á từ đầu năm 2012 đến nay, nhưng vẫn còn rẻ và có thể tăng điểm mạnh trong các quý tới.
thị trường chứng khoán Việt Nam đang được định giá thấp nhất so với giá trị thực tại khu vực Đông Nam Á và thị trường đang hồi phục và sẽ tăng gấp đôi, thậm chí là hơn thế trong vòng 2 năm tới. Các chuyên gia cũng đặc biệt lưu ý tới cổ phiếu của các ngân hàng, chứng khoán, công ty bất động sản và công ty xây dựng, bởi việc đầu tư vào những mã này vào lúc này, dù mạo hiểm, nhưng rất có thể sẽ có “siêu lợi nhuận” trong 3 năm tới.
Dòng vốn ngoại, vốn đã từng có những khả năng dẫn dắt, thậm chí quyết định tới xu hướng của thị trường. Nhưng đó là trong quá khứ. Còn bây giờ, vai trò của vốn ngoại và ảnh hưởng của nó tới quyết định của các nhà đầu tư nội ít nhiều đã suy giảm. Và diễn biến tưởng như trái chiều trong quý 2 đã minh chứng phần nào sự thay đổi đó.
Theo VnEconomy