Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam: Gấp rút khơi thông tín dụng

Thứ năm, 05/07/2012, 09:23
Những đợt hạ lãi suất (LS) dồn dập của Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) dường như không mang lại nhiều tác dụng khi các doanh nghiệp (DN) vẫn không thể hấp thụ, tiêu hóa được vốn.


Ảnh minh họa
 
TS Cao Sĩ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN - bày tỏ lo lắng khi trong khoảng một thời gian quá dài chính sách tiền tệ thắt chặt, đã bóp nghẹt dòng chảy tín dụng, nền kinh tế bị “đói” vốn, DN phá sản hàng loạt. Đến khi mọi sự chịu đựng đã vượt quá giới hạn, LS liên tiếp bị “ép” xuống, nhưng sức khỏe của DN đã quá yếu không thể hấp thụ vốn.

Những “núi” hàng tồn kho với giá thành cao vẫn đang chất chồng, nợ xấu của ngân hàng (NH) ngày một gia tăng, nếu không được giải quyết thì chắc chắn dòng tín dụng còn bị ứ đọng và hy vọng phục hồi nền kinh tế càng trở nên mong manh.

 
Bằng chứng rõ nét nhất là tín dụng sau 6 tháng tăng không đáng kể, chỉ số giá tiêu dùng sau 38 tháng đã “âm”. Giải pháp căn cơ cấp bách nhất hiện nay phải khơi dòng tín dụng, xử lý hàng tồn kho.
 
Tiền “bơm” chảy đi đâu ?
 
TS Cao Sĩ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN
NHNN cho biết đã “bơm” một lượng tiền lên tới hàng trăm nghìn tỉ đồng từ đầu năm đến nay vào nền kinh tế, nhưng theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tín dụng đến 12.6 mới chỉ tăng 0,17% so với mục tiêu 15-17% trong 2012. Vậy nguồn tiền này đã “chảy” đi đâu, thưa ông?
 
Theo như tuyên bố của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, khoản tiền đồng mà NHNN đã bơm ra thị trường là vô cùng lớn. Trong đó, đã mua vào 9 tỉ USD để bơm ra 180.000 tỉ đồng. Ngoài ra, trong tháng 2.2012, cơ quan này cũng đã bơm ra 60.000 tỉ đồng để phục vụ các chương trình nông nghiệp và nông thôn.
 
Trước đó, cuối năm 2011 đưa ra 30.000 tỉ đồng để cứu trợ các NH mất khả năng thanh khoản. Số tiền trên đã góp phần cứu các NH trước nguy cơ vỡ nợ và cải thiện thanh khoản cho toàn hệ thống.
 
Sở dĩ nguồn tiền trên chảy vào tín dụng không đáng kể, vì ngay sau khi tung tiền đồng ra mua USD dự trữ với con số 180.000 tỉ đồng, ngay lập tức NHNN đã phát hành trái phiếu để thu tiền về với con số là 90.000 tỉ đồng. Cơ quan điều hành lo ngại việc dùng tiền đồng mua USD - thực chất là hoán đổi tiền - sẽ dễ tác động gây tăng lạm phát.
 
Vì vậy, việc thu hồi tiền về là cần thiết. Ngoài ra, tiền còn được luân chuyển dưới hình thức cho vay qua thị trường liên NH. Thêm vào đó là các NH thanh toán vay mượn lẫn với nhau... Số tiền còn lại dù có đến được với các DN thì cũng không đáng kể.
 
Trong khi đó, như đã biết nền kinh tế của chúng ta vốn phụ thuộc chủ yếu vào vốn tín dụng từ hệ thống NH, mặt khác, trong giai đoạn vừa qua khả năng thanh khoản của người dân, cũng như các DN đã cạn kiệt từ lâu, vì vậy số vốn nhỏ nhoi đến với DN không đủ kích thích kinh tế.
 
Giải quyết nợ xấu và hàng tồn kho
 
NHNN dồn dập hạ LS, nhưng DN khó tiếp cận được, theo ông vấn đề ở đây là gì?
 
LS cao hiện nay không còn là trở ngại chính dẫn đến ứ đọng tín dụng. Nó chỉ là một nguyên nhân nhưng không phải nút thắt.
 
Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận một cách khách quan, rõ ràng NHNN đã giảm LS rất mạnh, chỉ trong vòng 5 tháng giảm trần huy động LS tiền gửi (ngắn và trung hạn) từ 14%/năm xuống còn 9%/năm để kéo lãi vay từ mức 18-20%/năm xuống còn khoảng 13-14%/năm. Tất nhiên đó là biên độ mà nhà điều hành đưa ra, còn thực tế mỗi một chính sách đưa ra đều có độ trễ của nó.
 
Với tiền tệ, theo tôi độ trễ của nó khoảng vài tháng, bởi đó là thời gian cần để các NH có thể giảm chi phí bình quân huy động vốn rất cao từ thời gian trước. Mà theo tôi biết chi phí này hiện nay tại nhiều NH vẫn còn lên tới cả 12-14%/năm thì làm sao các NH có thể hạ ngay lãi vay trên diện rộng cho nhiều DN, có chăng chỉ là các khách hàng VIP và khách hàng lớn.
 
Vậy theo ông, để cứu DN, cứu nền kinh tế đang có dấu hiệu suy thoái, chúng ta phải làm ngay những gì để khơi dòng tín dụng?
 
Vấn đề mấu chốt hiện nay về chính sách tiền tệ là cần phải nhanh chóng xử lý nợ xấu.
 
Các NH cũng nên xem DN là bạn đồng hành, cơ cấu lại những khoản nợ nằm trong khả năng và giới hạn an toàn nhất định.
 
Mô hình công ty mua bán nợ của NHNN dự định thành lập cũng là một giải pháp, nhưng cần phải đảm bảo được sự minh bạch, công khai, tránh cứu vớt những DN làm ăn không đàng hoàng, không còn khả năng hồi sinh và tránh để lợi ích nhóm cục bộ chi phối.
 
Đối với hàng tồn kho thì sao, thưa ông?
 
Khó khăn lớn nhất của DN hiện nay là hàng tồn kho. Nguyên nhân tồn kho vì sức mua giảm, DN không có đầu ra. Các DN cũng không thể hạ giá thành, vì trước đó phải vay vốn với LS quá cao, nên để tháo gỡ nhà nước phải vào cuộc thật đồng bộ.
 
DN thuộc lĩnh vực nào thì bộ, ngành đó phải tham gia, như nông lâm thủy sản thì Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn phải vào cuộc, xem cần có giải pháp gì để hỗ trợ sức mua, giúp DN có thể giảm giá thành.
Các hiệp hội ngành nghề cũng phải vào cuộc, xem DN hội viên của mình khó ở đâu, làm cầu kết nối cho họ... Giải pháp nào cũng cần phải có sự phối hợp, không thể mạnh ai người ấy làm, người ấy đi xin hỗ trợ. Giải phóng được hàng tồn kho, có đầu ra, DN quay vòng được vốn, NH xử lý được nợ xấu mới dám tiếp tục cho vay.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia: Thôi ngay cách điều hành chính sách kiểu giật cục !

Từ năm 2007 trở về trước, LS huy động của các NH dưới 10%/năm nhưng những năm sau đó liên tục tăng trên mức này, năm 2008, 2011 lên 18%/năm. Việc điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) kiểu giật cục trong thời gian qua (LS lúc tăng cao, lúc giảm nhanh trong thời gian ngắn) khiến các doanh nhân mất niềm tin, ở vào thế thủ nên không dám đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Cũng trong thời gian qua chính sách tài khoản, CSTT mở rộng làm cung tiền nở khá nhanh, từ mức 40% GDP của năm 2000 tăng lên 120% GDP vào năm 2010; dư nợ tín dụng bình quân của 10 năm trở lại đây tăng 30%, trong khi các nước khác khoảng 10%...

Từ các vấn đề trên cho thấy CSTT hiện nay cần hướng đến 3 mục tiêu quan trọng đó là kiềm chế lạm phát, hỗ trợ kinh tế tăng trưởng hợp lý và hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu kinh tế. Trong đó chính sách LS phải được điều hành theo lạm phát lõi, lạm phát cơ bản để có được LS cho vay ở mức 10 - 12%/năm nhằm hỗ trợ khu vực sản xuất kinh doanh.

Nguồn vốn NH trong thời gian tới cần được ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp. Chừng nào NHNN tái cơ cấu xong hệ thống ngân hàng, lúc đó trần LS mới có thể được tháo dỡ. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng hiện nay như một khối u kéo lì nền kinh tế, vì vậy trong giai đoạn này, các giải pháp chấp nhận không nên đặt nhiều vào tăng trưởng kinh tế mà nên tập trung làm lành mạnh “cơ thể” tài chính.

TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Quan trọng là quản lý nợ xấu

Lãi suất giảm nhưng tín dụng tăng trưởng chậm. Để có thể khơi thông tín dụng cho DN, vấn đề quan trọng nhất hiện nay đối với hệ thống NH đó là việc xử lý nợ xấu.

Đề án thành lập Công ty mua bán nợ xấu NH đang được soạn thảo để trình Chính phủ trong thời gian tới.

Tuy nhiên để các khoản nợ xấu không quay trở lại vào 10 năm tới, hệ thống NH cần công khai minh bạch tình hình tài chính, áp dụng các chuẩn mực về kế toán quốc tế, quản lý rủi ro theo các tiêu chuẩn hiện đại của thế giới.

Ông Trần Thanh Vân - Phó giám đốc Công ty cổ phần Gentraco (Cần Thơ): Hàng không bán được, vay tiền cũng không biết làm gì

Từ tháng 1 đến tháng 4.2012, các DN trong đó có Gentraco phải vay với LS khoảng 18-19%/năm, cùng với thị trường đầu ra bị thu hẹp nên DN hầu như làm ăn không có lãi. Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều NH để vay vốn nhưng cũng không phải dễ.

Duy chỉ có Agribank, NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chấp nhận cho vay mới với LS 13-14%/năm, nên chúng tôi dám đầu tư mở rộng thêm kho gạo với sức chứa 80.000 tấn.

Dù vậy theo tôi, trong hoàn cảnh hiện tại, LS cho vay khoảng 12%/năm thì DN biết cách xoay xở khả dĩ mới dám vay. Hiện chúng tôi và nhiều DN đang còn hàng tồn kho nhiều, nếu không giải quyết được, không có hỗ trợ về giá, về sức mua thì DN có vay vốn cũng chẳng biết làm gì.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Lãi suất dưới 10% thì các DN mới hoạt động được

Trong ngắn hạn, NHNN phải xác lập một hạn mức tín dụng với LS thấp dưới 10% thì các DN mới hoạt động được. Tôi nghĩ rằng với quyền hạn của mình, NHNN hoàn toàn có thể làm được điều này bằng các công cụ tài chính.

Về dài hạn, điều tiết lưu lượng tiền ra nền kinh tế thế nào cho phù hợp, tránh việc cung tiền quá nhiều có thể gây lạm phát hoặc quá ít sẽ gây thiểu phát cũng là vai trò của NHNN.

Điều này sẽ liên quan đến khả năng dự báo để việc bơm tiền ra và hút tiền vào đạt được hiệu quả theo đúng mục tiêu. Trong công tác điều hành, NHNN phải đẩy mạnh công tác xử lý, giám sát không để xảy ra hiện tượng kiểu như xé rào LS. Điều đó mới đảm bảo được CSTT với mức LS hợp lý đến được với DN nói riêng và nền kinh tế nói chung.


Sử dụng mạnh “chiếc gậy” tài khóa

TS Nguyễn Thị Thanh Hương
Tài khóa thắt chặt chẳng những có tác dụng kiềm chế lạm phát mà còn góp phần giảm bội chi ngân sách nhà nước, Chính phủ không phải chịu áp lực phát hành trái phiếu để bù đắp bội chi, mặt bằng lãi suất nhờ vậy cũng bớt “nóng”.

Khi đó, việc giảm LS tháo gỡ khó khăn cho DN, ổn định thị trường mới có hiệu quả. Không có cách nào để một Ngân hàng trung ương có thể thực hiện tốt việc ổn định được giá cả, lãi suất, tỷ giá... đồng thời với hỗ trợ tăng trưởng sản xuất nếu thiếu sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của chính sách tài khóa.Chính sách tài khóa giai đoạn này cần phát huy vai trò nhiều hơn nữa, mạnh hơn nữa đối với tăng trưởng.

Chính phủ đã có Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10.5.2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường (NQ 13). Tuy nhiên, các giải pháp trong NQ số 13 như vậy là chưa đủ liều lượng và chưa toàn diện.

Chính sách tài khóa như một “chiếc gậy” vừa bẩy vừa đập; một mặt, duy trì và thậm chí tăng thêm nguồn vốn cho những khu vực hoạt động có hiệu quả, tạo nhiều công ăn việc làm; mặt khác hạn chế chi tiêu của ngân sách vào những khu vực không hiệu quả, lãng phí vốn, đầu tư công tràn lan. Phải nhận thấy rõ chính sách tài khóa đúng đắn mới có được vai trò, tác dụng chính trong việc tạo ra và duy trì tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

 
TS Nguyễn Thị Thanh Hương

 

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn