Mong manh cửa thoát cho AGC!

Thứ năm, 05/07/2012, 08:54
Mặc dù ĐHCĐ của CTCP Cà phê An Giang (AGC) không đề cập đến phương án phá sản Công ty, nhưng “cửa thoát” cho AGC vẫn rất mong manh.

Kẹt cứng

Tại ĐHCĐ lần hai của AGC diễn ra hôm 25/6, công ty mẹ - CTCP Tập đoàn Thái Hòa (THV) nắm hơn 52% vốn ở AGC đã đồng ý phương án tiếp tục duy trì hoạt động ở AGC. Thậm chí, AGC còn đề ra kế hoạch doanh thu 21,15 tỷ đồng, LNST 7,76 tỷ đồng cho năm 2012. Tuy nhiên, không nhiều nhà đầu tư tin rằng, AGC có thể lật ngược thế cờ khi mà công ty này đã lún rất sâu vào vũng lầy.
 


Cuối quý I/2012, AGC bị âm vốn chủ sở hữu 63,6 tỷ đồng

Theo BCTC quý I/2012, AGC lỗ lũy kế 154,6 tỷ đồng. Với khoản lỗ được cộng dồn từ năm 2011 này, AGC bị âm vốn chủ sở hữu đến 63,6 tỷ đồng. Công ty gần như không thể nhờ cậy mảng kinh doanh “cứu vớt” do doanh thu trong quý I/2012 sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tính ra, doanh thu mà AGC đạt được trong 3 tháng đầu năm 2012 chỉ bằng 5% so với con số quý I/2011.

AGC không thể tạo tiền trong khi gánh nặng chi phí - như chi phí tài chính trong quý I/2012 là 10,6 tỷ đồng, đã thực sự đẩy DN vào thế bế tắc. Giải pháp mà ĐHCĐ đưa ra là cho phép AGC bán hết tài sản trả nợ. Theo BCTC quý I/2012, tổng tài sản ở AGC còn 392 tỷ đồng.

Tuy nhiên, so với tổng nợ 456,5 tỷ đồng thì dù bán hết tài sản, Công ty vẫn chưa thể trả hết nợ. AGC cũng khó chọn cách ưu tiên trả nợ ngắn hạn trước. Vì trong cơ cấu nợ, 99% tổng nợ ở AGC là nợ ngắn hạn. AGC chỉ có cách khất lại những khoản nợ từ người mua trả tiền trước, từ các khoản phải trả. Song song đó, AGC xin cơ cấu lại nợ vay ngân hàng theo hướng trả trước một phần nợ và xin giãn hạn trả nợ.

Nhưng kể cả khi AGC đàm phán và cơ cấu được nợ theo hướng thuận lợi như trên thì áp lực vẫn chưa hết. Bởi ngoài nợ, ở AGC còn có nỗi lo về chất lượng tài sản. Theo BCTC, những tài sản có giá trị, thanh khoản tốt như hàng tồn kho, xe, nhà kho… của công ty này đều đã đem thế chấp ngân hàng.

Khoản phải thu khách hàng - tài sản có giá trị nhất, chiếm 73% tổng tài sản của AGC lại không phải là tài sản dễ thu hồi. Bằng chứng là AGC đã phải trích dự phòng khoản phải thu khó đòi đến 26 tỷ đồng và suốt 3 tháng đầu năm, Công ty cũng chỉ giảm được khoảng 2 tỷ đồng từ khoản phải thu này.

Theo thông tin ghi nhận từ BCTC kiểm toán năm 2011 thì THV và 4 công ty khác cùng thuộc Tập đoàn Thái Hòa chưa thanh toán cho AGC tổng cộng 246 tỷ đồng. Đối chiếu với thực trạng THV đang lỗ lũy kế 320 tỷ đồng trong quý I/2012 và cũng bị cảnh báo về khả năng thanh toán, có thể thấy cơ hội để AGC thu hồi khoản nợ này là rất mong manh.
 
Khó tìm lối ra

Tại thời điểm 31/3/2012, AGC chỉ còn 171 triệu đồng tiền mặt. Số tiền ít ỏi này không đủ để AGC trang trải hoạt động, chứ chưa nói đến trả lãi vay. Đặc biệt, khi thực trạng tài chính ở AGC được phơi bày, Công ty khó lòng thuyết phục bạn hàng chấp nhận bán chịu hay cho trả chậm. Điều này đồng nghĩa với cơ hội để AGC đẩy mạnh doanh thu và tạo nguồn tiền là rất khó.

AGC cần được “hà hơi tiếp sức” nếu muốn đi tiếp. Nhưng hiện tại,  có vẻ như “vị cứu tinh” vẫn chưa xuất hiện. Các ngân hàng đã cho AGC vay với tổng cộng 353,8 tỷ đồng (tính đến 31/3/2012) gồm An Bình, Hàng hải, Techcombank ưu ái lắm là cho AGC giãn nợ, chứ không thể mạo hiểm cho AGC vay tiếp. AGC cũng không thể trông đợi động thái cứu nguy từ công ty mẹ là THV.

Tình hình tài chính và kinh doanh bi bét ở AGC có thể là lý do khiến bước chân của những nhà đầu tư khác chùn lại. Tuy nhiên, theo giám đốc đầu tư của một CTCK, một điều quan trọng nữa là có quá nhiều điểm chưa rõ ràng trong các con số mà Công ty đã công bố.

Trong BCTC kiểm toán năm 2011, đơn vị kiểm toán đã nêu một loạt hạn chế trong phạm vi kiểm toán. Chẳng hạn, đơn vị kiểm toán không thể thực hiện các thủ tục kiểm toán để đảm bảo tính hợp lý, nên không đưa ra ý kiến về các số dư tại ngày 1/1/2011. Hay kiểm toán không thể cho ý kiến vì không thu thập đầy đủ được các bằng chứng thích hợp, không thực hiện được các thủ tục kiểm toán thay thế về tính hiện hữu và đầy đủ của “dự phòng khoản phải thu ngắn hạn khó đòi” tại thời điểm 31/12/201

Đó cũng có thể là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu AGC vẫn tiếp tục giảm sàn, về mốc 1.200 đồng/CP tại ngày 3/7, dù tại ĐHCĐ trước đó, Ban lãnh đạo AGC đã “nhiệt tình” vẽ ra viễn cảnh khá sáng sủa tại công ty này?

 
Theo ĐTCK

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn