Phía sau vụ SBS: Trách nhiệm người điều hành ở đâu?
Thứ năm, 05/07/2012, 08:11
Sau vụ việc CTCK SBS mất gần hết vốn chủ sở hữu, có nguy cơ phải hủy niêm yết… chính thức được công khai, dư luận đang đặt câu hỏi về trách nhiệm của những người điều hành đã gây ra tổn thất cho cổ đông.
Liệu những tổn thất ở SBS có đơn giản chỉ là do Ban lãnh đạo Công ty đã dự đoán sai diễn biến thị trường, hay đây là kết quả của sự lạm quyền, sai nguyên tắc quản trị và tài chính?
Một nhà đầu tư lớn trên thị trường nhắc lại trường hợp của CTCK Thăng Long (TLS) trước đây. TLS và SBS là cặp bài trùng cách đây vài năm khi thị trường bùng nổ giao dịch margin.
Hai công ty này đã vươn lên vị trí nhất, nhì về thị phần nhờ hoạt động margin mạnh mẽ cả về giá trị và tỷ lệ margin. Sự sụt giảm của TTCK sau đó đã đẩy cả hai công ty này đến thua lỗ nặng nề và giới đầu tư ai cũng biết hai công ty đã ôm nhiều cổ phiếu do khách hàng margin bỏ của chạy lấy người.
Nhưng phải đến mùa ĐHCĐ năm 2012, các vấn đề của 2 CTCK này mới chính thức được đặt lên bàn xử lý.
TLS chưa phải là công ty niêm yết lại có cổ đông lớn là Ngân hàng Quân đội đứng sau, nên việc xử lý tuy cương quyết nhưng cũng chỉ ở mức hành chính. Đó là cách chức Tổng giám đốc. Và vì không phải là công ty niêm yết nên TLS cũng không gặp phải sức ép từ cổ đông nhỏ, từ dư luận là phải làm rõ trách nhiệm của Ban điều hành về các khoản lỗ khủng.
Hay trong hàng loạt hợp đồng cho vay mua chứng khoán, khoản nào vay quá giới hạn, khoản nào đã không cắt lỗ kịp thời, Công ty thực hiện margin tỷ lệ cao có một cơ chế kiểm soát rủi ro tương ứng kèm theo hay không? Còn SBS bây giờ đang đứng trước áp lực lớn “phải quy trách nhiệm” rõ ràng.
Các trường hợp CEO tư lợi, lạm quyền thường được xử lý nội bộ, nặng thì cho thôi việc
“Nếu không có sự đổi chủ ở cổ đông lớn của SBS là Sacombank thì tình hình tài chính be bét của SBS có được phơi bày hay không?”, nhà đầu tư này đặt câu hỏi.
Còn nhớ, tại ĐHCĐ chuyển giao quyền lực của Sacombank, trước chất vấn của cổ đông về tình hình SBS, ông Lê Hùng Dũng, đại diện cho nhóm cổ đông lớn đã cam kết sẽ thành lập một ban kiểm toán độc lập để làm rõ “vấn đề SBS, báo cáo cổ đông”.
Việc làm rõ vấn đề tại SBS ở thời điểm này cũng là điều nhóm cổ đông mới của Sacombank cần và muốn làm, để phân định rõ trách nhiệm tài chính và có thể cả về pháp lý trước cổ đông của Công ty.
Theo HĐQT mới của SBS cam kết, vào tháng 8 tới, công ty này sẽ hoàn thành một bản báo cáo kiểm toán toàn diện, trong đó làm rõ thực trạng tài chính, nguyên nhân chủ quan và khách quan ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trong kỳ và các năm trước.
Nếu những nội dung trong đơn tố cáo của cổ đông SBS gửi đến Báo ĐTCK là sự thực thì HĐQT mới của SBS đã yêu cầu những người có trách nhiệm trong “cho vay những đối tượng có liên quan”, “chủ trương giấu lỗ” phải đền bù thiệt hại cho công ty, cho cổ đông nhỏ. Nếu không đền bù thỏa đáng thì sự việc có thể được đưa ra tòa như những gì HĐQT của Chứng khoán Liên Việt đã làm với CEO Hoàng Xuân Quyến.
Phải thừa nhận rằng, vụ việc ở Chứng khoán Liên Việt khi CEO bị HĐQT tố cáo lạm quyền và tư lợi, hay cựu CEO của Tập đoàn Hoa Sen bị kiện vì “ăn hoa hồng” còn rất hiếm. Trong hầu hết các vụ việc khi CEO có hành vi tư lợi, lạm quyền thì chủ yếu là xử lý nội bộ, nặng thì cho thôi việc là xong.
Một chuyên gia tài chính nhận xét: “Việc lạm quyền của lãnh đạo DN là khá nghiêm trọng. Cổ đông nhỏ lẻ là đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất, vì đôi khi lãnh đạo DN cũng chính là cổ đông lớn. Cổ đông lớn này có thể kiếm lời từ sự lạm quyền và tư lợi nhiều hơn mức cổ tức hay lợi nhuận được chia từ công ty. Chính vì thế, họ sẵn sàng hy sinh quyền lợi của công ty vì lợi ích của họ. Cổ đông nhỏ khó kiểm soát được điều này, vì rất ít công ty niêm yết có một quy chế tài chính chi tiết và một ban kiểm soát thực quyền, nên trong nhiều trường hợp, lợi nhuận của DN đã nằm hết ở chi phí, gây thiệt hại cho DN đó”.
Câu chuyện ở SBS và nhiều công ty đại chúng khác đặt ra một câu hỏi lớn, trách nhiệm của người điều hành trước cổ đông ở đâu? Khi công ty có lãi thì người điều hành được thưởng, nhưng khi công ty thua lỗ thì thì lãnh đạo DN lại “vô can” vì lỗi tại… khách quan, hoặc cùng lắm là cho hạ cánh an toàn. Đó là sự bất công bằng với cổ đông - những người chủ thực sự của DN.