Tiền đề cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế: Giải quyết triệt để vấn đề đất đai

Thứ sáu, 06/07/2012, 11:26
Để đạt được mục tiêu tái cơ cấu kinh tế, không thể thiếu các giải pháp đột phá về quản lý và sử dụng một trong những tài nguyên quan trọng nhất: đất đai, đặc biệt là những vấn đề tăng hiệu quả, đảm bảo tính bền vững trong sử dụng đất, đảm bảo công bằng về quyền lợi đối với đất đai và vấn đề sở hữu đất.
Chỉ nên sử dụng đất làm nông nghiệp kém hiệu quả vào việc phát triển đô thị hoặc khu công nghiệp. Trong ảnh: một khu đô thị mới tại TP.HCM (ảnh có tính minh hoạ). Ảnh: Tùng Quang

Từ những vấn đề vướng mắc đang đặt ra cho công tác xây dựng luật lệ, chính sách đất đai, từ kinh nghiệm xử lý thành công của các nước khác và thực tiễn đổi mới thời gian qua ở Việt Nam, có thể đề ra một số quan điểm chính cần tham khảo trong quá trình giải quyết triệt để vấn đề đất đai làm tiền đề cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nước ta.
 
Thứ nhất, đất là tài sản đặc biệt, chỉ có thể sử dụng và khai thác có hiệu quả nhờ vào sự quản lý và đầu tư ổn định, lâu dài từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy, phải xác định rõ chủ thể sở hữu (hướng tới đa sở hữu: Nhà nước, cộng đồng và tư nhân), xác lập quy hoạch, ước tính được giá trị mới đảm bảo an toàn dài hạn cho quản lý và sử dụng đất đai, tạo ra động lực để các chủ thể khai thác đất một cách hiệu quả.
 
Thứ hai, cơ chế thị trường là giải pháp điều chuyển sử dụng đất một cách linh động nhất để đảm bảo hiệu quả kinh tế. Vì vậy, phải hình thành nên thị trường giao dịch, chuyển nhượng, cho thuê với điều kiện vận hành thuận lợi nhất, chi phí giao dịch thấp nhất.

Dựa trên các động lực thị trường, giao đất cho nông dân trực canh, tháo gỡ giới hạn về không gian và thời gian để khuyến khích họ tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất lớn hàng hoá, áp dụng khoa học công nghệ và cơ giới hoá để tăng hiệu quả sử dụng đất.

Để thị trường vận hành hiệu quả, công tác cấp giấy chứng nhận, đo đạc bản đồ, cắm mốc thực địa, quản lý cơ sở dữ liệu phải được làm minh bạch, cung cấp rẻ và nhanh, thuận tiện cho toàn dân.
 
Nếu chúng ta ngập ngừng, kéo dài các giải pháp chữa cháy tạm thời, lẩn tránh xử lý những mâu thuẫn của quá trình phát triển thì chẳng những quá trình tăng trưởng kinh tế sẽ chững lại mà ổn định chính trị xã hội, bền vững môi trường sẽ bị đe doạ.
Thứ ba, vai trò của Nhà nước nên tập trung vào việc hỗ trợ và tạo động lực cho các thành phần kinh tế khác đầu tư vào các loại đất chưa đem lại hiệu quả kinh tế như đất trống đồi núi trọc, đất rừng đặc dụng…

Đất công (đặc biệt là đất nông lâm trường quốc doanh) là thành quả của cách mạng cần phải bảo vệ, phát huy giá trị, khả năng sử dụng và quản lý đất công bằng một cơ quan quản lý quỹ đất thống nhất (như một nguồn giá trị tài chính) có đủ năng lực đại diện của nhân dân để dùng quỹ đất đó đầu tư, cho thuê, bán, bồi hoàn… phục vụ cho mục đích công ích.
 
Thứ tư, nông nghiệp là lợi thế quan trọng của Việt Nam, phải cương quyết điều chỉnh các chính sách “coi nhẹ nông nghiệp nông thôn”.

Thay vào đó, cần phát triển cân đối giữa các ngành/vùng, dựa trên lợi thế so sánh, phát huy tối đa khả năng liên kết của các ngành để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, định hướng giãn phát triển công nghiệp, đô thị về địa bàn nông thôn, chỉ dùng đất đai sử dụng cho mục đích nông nghiệp kém hiệu quả để xây dựng các dự án công nghiệp và đô thị, tăng đầu tư cho nông nghiệp nông thôn.
 
Thứ năm, công bằng và ổn định xã hội phải được đảm bảo thông qua các cân đối chính giữa các ngành, các vùng, và sự tham dự của mọi đối tượng vào xây dựng quy hoạch và chính sách. Sự khác biệt về địa tô phải được phân phối lại bằng các chính sách thuế hợp lý.
 
Nếu các điểm nhấn quan trọng trên được quan tâm, xử lý một cách triệt để thì một lần nữa sẽ tạo ra được động lực mới cho nông dân phát triển đột phá ngành nông nghiệp và xã hội nông thôn Việt Nam, tạo cơ cấu mới cho kinh tế tăng trưởng hiệu quả và vững bền.

Ngược lại, nếu chúng ta ngập ngừng, kéo dài các giải pháp chữa cháy tạm thời, lẩn tránh xử lý những mâu thuẫn của quá trình phát triển, thì chẳng những quá trình tăng trưởng kinh tế sẽ chững lại mà ổn định chính trị xã hội, bền vững môi trường sẽ bị đe doạ. Những vấn đề vướng mắc về đất đai đã đến lúc cần được giải quyết.
 
Để tiếp tục duy trì tăng trưởng trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới và khó khăn kinh tế vĩ mô trong nước, đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra một trong những mục tiêu chủ yếu của nước ta trong giai đoạn 2011 – 2015 là: “Ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
 
Theo chủ trương trên, ngành nông nghiệp sẽ tái cơ cấu, đổi mới sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, phát huy lợi thế so sánh, ưu tiên phát triển các ngành hiệu quả và có khả năng lan toả cao.

Theo SGTT

Các tin cũ hơn