Thực hư việc Sông Đà “đổ vốn” thôn tính Sudico

Thứ sáu, 06/07/2012, 15:55
Những ngày qua, báo chí tốn khá nhiều giấy mực về những chuyện ở công ty phát triển đô thị Sông Đà (Sudico-SJS). Vậy thực chất cuộc chiến ở đây có phải là tranh giành chiếc “ghế nóng” quyền lực? Và có hay không việc Tập đoàn Sông Đà “đổ vốn” nhằm thôn tính Sudico... ?
 
Để rộng đường dư luận, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn đọc cái nhìn đa chiều về vấn đề này.
 
Từ việc tranh giành chiếc ghế nóng
 
Ba năm qua với hai lần “trảm tướng” nội bộ Sudico rối bời khiến cho sản xuất đình trệ và nhà nước thiệt hại đồng vốn. Bên cạnh đó, các cổ đông của Sudico phải gánh chịu chung số phận.
 
Trao đổi với PV, một thành viên từng có chân trong HĐQT của Sudico cho biết, các cuộc họp miễn nhiệm chức danh ông Vi Văn Dũng - nguyên TGĐ chỉ có 3/5 thành viên.

Sau khi trảm TGĐ, ngay trong tháng 11/2011, Tập đoàn Sông Đà đã có Quyết định số 1740/TĐSĐ-TCNS điều động ông Phan Ngọc Diệp - nguyên Chủ tịch HĐQT Sudico về Tập đoàn Sông Đà làm Phó Giám đốc Ban Tổ chức nhân sự của Tập đoàn từ ngày 10/11/2011.

Tại ĐHCĐ của Sudico tổ chức ngày 30/6 vừa qua, vấn đề tốn nhiều thời gian nhất  là bầu bán chiếc ghế  nóng trong HĐQT.

 
Việc tranh giành quyền điều hành Sudico liên quan đến những dự án bất động sản béo bở giữa thủ đô Hà Nội ?

Ông Hồ Sỹ Hùng - Chủ tịch HĐQT tạm thời của Sudico, cho biết, nguyện vọng của Tập đoàn là muốn có 3/5 thành viên tại HĐQT của Sudico. “Chưa có con số chi tiết, nhưng phải đến 90% thành công của Sudico đến từ các dự án mà Tập đoàn để lại.

Theo đề án tái cơ cấu của Tập đoàn từ trước, Sudico được coi là tổng công ty bất động sản của Tập đoàn Sông Đà và chủ trương của Tập đoàn là nâng sở hữu tại Sudico lên 51%”.

 
Mặc dù không phủ nhận những đóng góp của Tập đoàn, nhưng nhóm cổ đông lớn cho rằng, họ thấy e ngại nếu Tập đoàn có thêm tiếng nói tại Sudico. Một số cổ đông cho biết, họ không muốn bầu mới HĐQT, bởi nếu thực hiện bầu mới, Tập đoàn cùng một số công ty con hiện nay đã sở hữu hơn 44% vốn điều lệ của Sudico trên tổng số 78% số cổ phần đã đến dự ĐH, chắc chắn sẽ có 3 chân trong HĐQT mới.

“Cơ cấu HĐQT hiện tại với chỉ 2 thành viên là người của Tập đoàn, sẽ giúp HĐQT hoạt động độc lập hơn. Nếu Tập đoàn có tới 3/5 thành viên tại HĐQT, những quyết sách của Sudico có thể sẽ theo hướng chưa hẳn có lợi cho cổ đông”.

 
Theo điều tra riêng của PV thì nhóm cổ đông bên ngoài này thực chất là những người từng có vị trí trong HĐQT cũ của Sudico bị hạ bệ. Bên cạnh đó, việc tranh giành chiếc ghế nóng ở đây là quyền điều hành Sudico liên quan đến những dự án bất động sản béo bở giữa thủ đô Hà Nội.
 
Sau những tranh chấp thì ĐHCĐ của SJS kết thúc. Cuộc “hiệp thương” bên lề ĐH giữa 2 nhóm cổ đông lớn, về mặt hình thức đã  thành công vì bầu lại được HĐQT mới. Nhưng về bản chất, việc HĐQT mới được bầu chỉ giúp đảm bảo về tính pháp lý, còn các gương mặt trong 5 ghế lãnh đạo đều không thay đổi.

Chưa rõ các “điều khoản” được hiệp thương thế nào, song có thể thấy trong ván cờ quyền lực người nắm con át chủ (Tập đoàn Sông Đà) đã chiếm thế áp đảo trong việc giành chiếc ghế nóng  giữa nhóm cổ đông tại Sudico.

 
Đến chuyện góp vốn vào Sudico?
 
Theo tính toán, tổng số cổ phần của Sông Đà và các đơn vị thành viên hiện sở hữu tại Sudico đã không ngừng tăng từ 36,3% lên 38,3% và 43%. Ngoài Cty mẹ hiện nắm tới hơn 36 triệu cổ phần của Sudico, hàng loạt công ty con của Tập đoàn Sông Đà cũng đua nhau tăng vốn vào công ty này đưa tổng số vốn của Tập đoàn vào Sudico lên tới hàng nghìn tỉ đồng.
 
Cụ thể, trong số tổng 100 triệu cổ phần tại Sudico, Sông Đà chiếm tới 36,3 triệu cổ phần. Các công ty con thuộc Sông Đà cũng lần lượt là các cổ đông lớn tại Sudico. Đơn cử,ông ty Cổ phần Sông Đà 5 có hơn 2,1 triệu cổ phần, Sông Đà 6 có 1,5 triệu cổ phần, Sông Đà 10 có 1,25 triệu cổ phần, công ty cổ phần Thép Việt Ý có 2 triệu cổ phần.

Theo tính toán sơ bộ, tổng số cổ phần của Sông Đà và các đơn vị thành viên hiện sở hữu tại SJS đã không ngừng tăng từ 36,3% lên 38,3% (theo danh sách chốt cổ đông trước 16/4/2012) và 43% (theo danh sách chốt trước 30/6). Ông Nguyễn Ngọc Chính - cổ đông của Sudico cho rằng, việc làm của Tập đoàn Sông Đà chưa làm đúng theo thông báo kết luận của Thủ tướng sau thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại tập đoàn này.

Theo văn bản này, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng và Tập đoàn Sông Đà rà soát lại việc đầu tư ngoài ngành; đánh giá hiệu quả đầu tư và tập trung vào ngành nghề chính; tính toán, xây dựng lộ trình thoái vốn hợp lý...

 
Trước đó, theo quyết định của Thủ tướng về việc chuyển đổi công ty mẹ - Tập đoàn Sông Đà thành công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu thì ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn này là tổng thầu xây lắp và thi công xây lắp các công trình giao thông, công nghiệp, dân dụng; sản xuất và kinh doanh điện thương phẩm... không có việc đầu tư và phát triển kinh doanh bất động sản…
 
Trong bối cảnh tái cấu trúc DNNN, thì việc Tập đoàn Sông Đà tăng vốn đầu tư vào Sudico... là điều khó hiểu.
Rõ ràng, trong bối cảnh tái cấu trúc DNNN đang được đặt ra, thì việc Tập đoàn Sông Đà và các đơn vị thành viên tăng vốn đầu tư vào Sudico và lĩnh vực phát triển khu đô thị, bất động sản... là điều khó hiểu.

Hơn nữa, Tập đoàn Sông Đà và các đơn vị thành viên lấy tiền ở đâu ra, khi Tập đoàn đã phải "cầu cứu" các bộ, ngành chức năng về việc xin vay từ Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài để hỗ trợ trả nợ ngân hàng cho công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long,  do Tập đoàn Sông Đà nắm 59% cổ phần. Bộ Xây dựng cho biết, tổng số tiền tập đoàn đã trả nợ thay cho công ty này tính đến ngày 31/3/2012 là 1.211 tỉ đồng.

 
Hiện tại, giá trị khối lượng dở dang và công nợ phải thu của Tập đoàn lên đến hơn 10.000 tỉ đồng. Vậy giải thích thế nào về động thái rót vốn của tập đoàn vào Sudico trong hoàn cảnh như vậy ?
 
Ổn định để phát triển
 
"Sudico sẽ rà soát các hợp đồng góp vốn. Đối tác nào chưa thực hiện các điều khoản cam kết, chúng tôi sẽ hủy hợp đồng. Những hợp đồng cũ đã được hoàn tất nghĩa vụ tài chính, chúng tôi tôn trọng và sẽ đàm phán điều kiện để chuyển sang ký hợp đồng mua bán" - ông Hùng chia sẻ.
 
Bên cạnh tái cấu trúc lại hoạt động sản xuất kinh doanh, Sudico còn phải tiếp tục ổn định nhân sự và tâm lý người lao động cũng như những cổ đông của DN bởi tranh chấp dường như chưa dừng lại. Với một DN được đánh giá nhiều tiềm năng, nắm trong tay quỹ đất lớn ở các vị trí đắc địa, khả năng đổi mới để nhanh chóng có lợi nhuận là trong tầm tay. Tuy nhiên, chỉ khi tất cả hướng về một phía, Sudico khi ấy mới lột xác thành công.            
 
Theo DĐDN

Các tin cũ hơn